10 kiểu đón tết thú vị
pippi > 02-04-2011, 01:33 PM
10 kiểu đón Tết thú vị
Người Tây Ban Nha ăn nho vào giao thừa, người Phần Lan lại nung nóng thanh sắt, trong khi ở Đan Mạch, người dân nhảy từ trên ghế xuống để cầu may.
1. Mỗi tiếng "tik tak", ăn một quả nho
Tại Tây Ban Nha, nho và rượu là hai món không thể thiếu trong đêm giao thừa và các ngày đầu năm mới. Vào những giây cuối cùng của năm cũ, người ta thường ăn thật nhanh 12 quả nho. Mỗi quả tương ứng với một tiếng nhảy của kim đồng hồ, tượng trưng cho một tháng may mắn trong năm.
Ở Madrid, Barcelona và các thành phố khác, mọi người thường tụ tập ở quảng trường chính để ăn nho cùng nhau và chuyền tay những chai rượu cava uống mừng năm mới.
2. Nhúng sắt nung vào nước
Không biết từ bao giờ, người Phần Lan có tập tục dự đoán năm mới theo một cách rất lạ. Họ thả một ít sắt nung chảy vào trong thùng nước và quan sát hình dáng của miếng kim loại này sau khi đông cứng. Nếu hình trái tim hay hình chiếc nhẫn, nghĩa là nhà đó năm mới sẽ có đám cưới. Nếu sắt có hình na ná chiếc thuyền thì một chuyến du lịch đang chờ đợi họ. Nếu là hình con lợn, yên tâm rằng cuộc sống của họ sẽ luôn no đủ.
3. Nhảy ghế
Đây là truyền thống đón năm mới của rất nhiều người Đan Mạch. Họ rủ nhau đứng trên những chiếc ghế và cùng nhảy xuống vào thời điểm chuyển giao năm cũ - năm mới, được hiểu là "tôi nhảy vào tháng 1". Hành động này có ý nghĩa xua đuổi xui xẻo và mang lại may mắn.
4. "Hóa vàng" kiểu Panama
Giống như một số nước Á Đông, dân Panama cũng có truyền thống "hóa vàng", gọi là munecos. Nhưng họ không đốt tiền, đồ đạc mà… đốt người!
Mỗi độ năm mới, người dân lại đem nhưng hình nộm người nổi tiếng, nhân vật phim ảnh, hoặc một chính trị gia nào đó ra "hỏa thiêu". Ví như năm 2007, vận động viên đầu tiên của Panama đoạt huy chương vàng Olympic là Irving Saladin đã được sử dụng làm "mẫu" cho hình nộm. "Hóa vàng" kiểu này mang ý nghĩa tiễn năm cũ, xua đuổi ám khí để chào đón năm mới.
5. Xông đất kiểu Scotland
Xông đất đầu năm có ý nghĩa khá quan trọng với người Việt, Trung Hoa, Hàn Quốc… Ở châu Âu, người Scotland cũng rất coi trọng tập tục này. Nếu bạn là người đầu tiên bước vào cửa nhà người khác thì hãy nên mang theo một món quà lấy may (thường là rượu whisky). Ngoài ra, ở một số nơi, người dân còn có truyền thống đốt lửa đầu năm. Tại làng chài Stonehaven, đàn ông thị trấn sẽ vừa nhún nhảy vừa đu đưa những quả cầu lửa lớn trên đầu, tượng trưng cho mặt trời rọi sáng năm mới.
6. Mâm "thập nhị quả"
Nhiều gia đình Philippines có truyền thống bày những đĩa hoa quả hình tròn trên bàn ăn vào đêm giao thừa. Họ cho rằng hình tròn, như tiền xu, tượng trưng cho sự thịnh vượng.
Ở Việt Nam có mâm ngũ quả thì một số gia đình Philippines còn có mâm "thập nhị quả". Gọi như vậy cho đúng không khí Tết, chứ thực tế thì người dân ở đây không quá quan trọng việc bày biện nhiều loại quả, mà chỉ cần đủ 12 quả (cho 12 tháng trong năm) vào nửa đêm, thường là nho.
7. Cưới chồng = gà trống + ngô
Trong lễ hội truyền thống có tên Kaliady ở Belarus, những thiếu nữ chưa chồng thường chơi trò chơi để xem ai sẽ lên xe hoa trong năm mới.
Trò thứ nhất: Đặt mỗi bơ hạt ngô trước mặt một người thiếu nữ sau đó thả gà trống; Con gà tiến tới bơ ngô của ai thì người đó sẽ phải lấy chồng đầu tiên.
Trò thứ hai: Các thiếu nữ sẽ tìm những món đồ vật bị một người phụ nữ có chồng giấu đi; Ai tìm được bánh mì nghĩa là lấy chồng giàu, tìm được nhẫn tức là sẽ lấy một chàng đẹp trai.
8. "Cuộc chiến" đêm giao thừa
Tại Nhật Bản, từ năm 1951, vào mỗi đêm giao thừa lại có một chương trình ca nhạc truyền hình rất ăn khách được phát sóng (thậm chí là truyền sóng đến một số vùng trên thế giới).
Tên của trò chơi ca nhạc này là Kohaku Uta Gassen (Cuộc chiến đỏ - trắng). Trong đó, các ngôi sao ca nhạc trong nước, châu Á và Mỹ sẽ chia làm 2 đội nam (trắng) - nữ (đỏ) để thi hát. Ban giám khảo và khán giả sẽ quyết định đội chiến thắng.
9. Ăn 7 bữa trong ngày đầu năm
Vài thập kỷ trước tại Estonia, người dân có tập tục ăn 7 lần vào ngày đầu tiên của năm mới với hi vọng no đủ lương thực.
Người Estonia tin rằng nếu một người đàn ông ăn 7 bữa trong một ngày thì sang năm mới anh ta sẽ có sức mạnh bằng 7 người khác. Ngày nay, đặc biệt là ở Thủ đô Tallinn, vẫn với niềm tin ấy nhưng người ta lại thích uống nhiều hơn là ăn.
10. Diện "nội y" đêm giao thừa
Nội y ở đây không có nghĩa là họ tranh thủ "yêu" vào thời điểm năm mới.
Tại một số nước như Brazil, Ecuador, Bolivia và Venezuela, nhiều người thường diện quần lót để lấy may mắn. Nếu bạn đến các thành phố như Sao Paulo hay La Paz, sẽ thấy rất nhiều đồ lót với màu mè sặc sỡ bán đầy chợ. Màu được chuộng nhất là đỏ và vàng - tượng trưng cho tình yêu và tiền bạc