Cách xử lý khi xe mất phanh, mất lái
Hiện tượng mất phanh và mất lái là 2 trong số những sự cố kỹ thuật nguy hiểm nhất khi xe tham gia giao thông. Để phòng tránh và xử lý tình huống trên, bạn phải đảm bảo chế độ chăm sóc, sửa chữa, bảo dưỡng xe định kỳ; luôn học hỏi, nâng cao kỹ năng xử lý những tình huống khẩn cấp.
Mất phanh: nhanh chóng về số thấp
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô cho biết. Hiện tượng này xảy ra cả với những xe đời mới và xe đời cũ và thường khiến lái xe bị động, luống cuống, tạo hậu quả nặng nề.
Khi mất phanh và mất lái bạn cần phải giữ được bình tĩnh
Hiện tượng mất phanh xảy ra nhiều nhất với những xe chạy đường dài, đường đồi núi, địa hình hiểm trở. Bởi, khi đi ở các cung đường này lái xe thường sử dụng phanh quá nhiều, trong khi
hệ thống phanh của hầu hết các xe đều được dẫn động bằng dầu và trợ lực bằng khí chân không, nên khi sử dụng nhiều dễ sinh nhiệt làm trơ má phanh, phanh không ăn, làm lộn cupen ở xilanh phanh và mỗi lần đạp phanh làm dầu phanh thất thoát ra ngoài, dẫn đến mất phanh.
Khi mất phanh, hãy bình tĩnh kéo phanh tay, tiếp đến là cố gắng gạt cần số trở về vị trí số 1 để xe giảm tốc xuống mức chậm nhất. Lưu ý, không gạt về số 0 (N) quá lâu, bởi khi xe đang xuống dốc mà bạn đạp côn để về số 0 thì xe sẽ lao đi nhanh hơn và rất khó để vào lại được số do tốc độ của máy và tốc độ vòng quay của bánh xe không còn đồng tốc. Chẳng hạn, xe của bạn đang đổ đèo ở vị trí số 3 và đột ngột mất phanh, để dồn về số 1 bạn đạp côn, về số 0; nhả chân côn và vù mạnh chân ga để tốc độ vong tua máy đồng tốc với tốc độ vòng quay bánh xe; tiếp đến là đạp chân côn, dồn về số 2. Lúc này, xe sẽ khựng lại và giật đột ngột, bạn hãy gạt cần số về số 1, tốc độ xe đã rất chậm, bạn có thể dừng hẳn xe bằng cách nhả cần phanh tay đã kéo rồi nhanh chóng kéo mạnh để dừng hẳn xe. Khi mất phanh, bạn nên đạp nhồi chân phanh liên tục nhiều lần để có thể phục hồi tạm thời áp suất thủy lực trong đường ống bị rò rỉ... và cho xe dừng hẳn bằng cách dựa vào các thanh hộ lan, lan can thép, bờ tường, lề đường, vách núi...
Với những xe trang bị hộp số tự động, khi mất phanh hãy gạt cần số về số R (số lùi) để các bánh xe bị khóa chặt, cách này có thể làm hỏng hộp số xe, nhưng sẽ an toàn hơn. Ngoài ra, có thể hãm tốc độ bằng cách gạt cần số sang chế độ lái số sàn, chuyển từng số một: D3, D2, D1... căn cứ trên tốc độ của xe tại thời điểm mất phanh. Tiếp theo là kéo phanh tay, tắt điều hòa để vòng tua máy không cao, khi ở số L, tốc độ giảm còn khoảng dưới 20km/h và bạn có thể hạ và tiếp tục kéo mạnh phanh tay nhấc, nhả, hoặc cảnh báo mọi người trên xe bám chặt vào ghế, giật thật mạnh để xe dừng hẳn...
Để giảm thiểu các tác động dẫn đến mất phanh, bạn nên tập thói quen đi bằng số thấp (số 1, 2 hoặc 3) mỗi khi đổ đèo, dốc cao, hoặc địa hình hiểm trở để vòng tua máy thấp sẽ làm hãm độ trôi của xe, gánh bớt gánh nặng của phanh. Nên nhớ, những xe được chăm sóc, sửa chữa, bảo dưỡng đúng định kỳ thì tỷ lệ mất phanh chỉ là 1%.
Mất lái: đi càng chậm càng an toàn
Mất lái là khi bạn không thể điều khiển xe theo đúng hướng, do 2 nguyên nhân chính: lỗi kỹ thuật của xe (nổ lốp, một chi tiết nào đó trong hệ thống lái hoặc các bộ phận liên quan bị hỏng hóc, kẹt cứng, hệ thống bánh xe chưa được cân chỉnh chính xác...) và lỗi điều khiển xe của người lái (không làm chủ tốc độ, không làm chủ được chân ga, chân phanh, vào cua ở tốc độ cao, đi trên những đoạn đường trơn trượt...).
Khi xe mất lái, bị văng ra lề đường, bạn hãy bình tĩnh giữ chặt lái, không được cố đánh lái để cho xe quay trở lại đường ngay. Đồng thời, nhả ga để xe đi chậm lại và không đạp mạnh chân phanh. Chờ khi xe chậm, hãy quan sát kỹ và từ từ đánh lái cho xe trở lại phần đường của mình.
Để hạn chế hỏng hóc trên xe có thể dẫn tới mất lái, bạn nên bảo dưỡng định kỳ hệ thống lái và các chi tiết liên quan như: vô lăng, rô tuyn lái, vòng bi, gioăng cao su, luôn kiểm tra áp suất lốp, căn chỉnh góc đặt bánh xe... Khi lái xe, không phóng nhanh, vượt ẩu, đi đúng tốc độ, giữ khoảng cách an toàn với các xe lưu thông trên đường. Khi đi qua những địa hình trơn trượt, mưa ướt, phải giảm tốc độ, ít nhất 10% so với tốc độ ngày nắng trên đường thẳng; giảm 20% nếu ôm cua. Không nên phanh gấp, kéo phanh tay khi xe bị trượt bánh, tăng khoảng cách an toàn với xe phía trước. Tại những đoạn vào cua, bạn áp dụng cách chém cua hết mức có thể để giảm góc cua. Khi đi đường đồi núi có nhiều khúc cua tay áo thì phải láo xe áp vào bên núi, giảm tốc khi vào cua có bề mặt đường nghiêng về ta luy âm (vực).