Người bộ tộc Gba Yas sống chủ yếu bằng một nghề vô cùng mạo hiểm là chui vào tận hang hẹp và sâu trong lòng đất để băt sống những con trăn khổng lồ.
Mặc dù lũ trăn không có độc như rắn, nhưng những cú đớp của nó cũng khiến người đi săn đau đớn không ít. Thậm chí là nguy hiểm hơn, vì nó có thể cuốn chặt người đi săn tới nghẹt thở mà chết ngay trong hang.
Loài trăn Python sống ở vùng cao nguyên Adamawa, một đồng cổ rộng mênh mông ở miền trung Cameroon, gần khu vực biên giới giữa Cameroon và Nigeria.
Trên cao nguyên Adamawa còn có một loài ăn kiến Aardvark (hay còn gọi là Lợn Đất) sinh sống. Chúng có mõm như mõm lợn, tai to và vểnh như tai thỏ, thân hình giống loài gấu trong khi đuôi lại tròn và to như đuôi Kangaroo. Lợn Đất ăn kiến và mối để sinh sống và chỉ kiếm ăn vào ban đêm.
Nhưng chúng có biệt tài đào đất rất nhanh do có móng cứng và đuôi khỏe để ủn đất ra ngoài. Chúng thường xuyên di chuyển và đi tới đâu đều đào hang ngang dọc tới đó. Những chiếc hang bỏ trống này lại trở nên hữu ích đối với loài trăn vì trăn không thể đào đất được. Do đó, chúng tận dụng các hang bỏ hoang của lợn đất để cư trú và sinh con đẻ cái.
Mặc dù không mấy khi xảy ra trường hợp thợ săn trăn bị chết trong hang, nhưng những người săn trăn ở Gba Yas ngày nay cũng còn lại rất ít. Nguyên do là những người trẻ tuổi sợ mạo hiểm bởi ngay cả những người thạo nghề nhất cũng phải run rẩy mỗi lần chui vào hang trăn.
Để bảo vệ tổ của mình và hàng chục quả trứng, những con trăn cái sẵn sàng há miệng, nhe răng tấn công bất kỳ một kẻ xâm nhập nào vào trong hang ổ của nó ngay lập tức. Ngoài ra, họ cũng không thể bắt được nhiều con mãng xà (python) nữa do nạn săn bắt quá mức.
Ngoài loài trăn châu Mỹ dài 7m ăn thịt chim và các loài động vật có vú Anaconda, trăn Adamaoua của châu Phi cũng được coi là loài trăn khủng khiếp nhất trên thế giới. Những con trăn Adamaoua khồng lồ có thể dài tới 10 m, nặng 100 kg. Từ tháng 11 tới tháng 3 là mùa đi săn trăn của người Gbaya do lũ trăn thường chọn những hang bỏ trống của lợn đất vào thời điểm này để ngủ và đẻ trứng.
Để bắt được trăn, người đi săn phải dùng tới mưu trí, mánh lới và mưu mẹo. Đầu tiên, phải dùng cỏ khô hun khói vào một cửa hang do lợn đất đào mà người đi săn đoán có trăn ở bên dưới trú ngụ. Theo khói tỏa lên, họ sẽ xác định được ngõ ngách bên trong đường hầm.
Khi đó, người thợ săn sẽ chui xuống dưới, tay cầm theo bó bùi nhùi thổi soi đường và mảnh da thú lót tay để làm bảo hộ. Cái nóng và sự chật chội của đường hầm khiến người thợ săn toát mồ hôi như tắm. Nhưng nhờ đó giúp anh bò nhanh và trơn hơn. Dưới độ sâu khoảng 15m, người thợ săn tìm thấy con trăn đang nằm cuộn tròn quanh đống trứng của nó.
Đối mặt với trăn cái dưới lòng đất, người thợ săn nhanh chóng thổi lửa cháy to và khói làm con vật cay mắt. Trong lúc nó lúng túng, người thợ săn sẽ nhanh tay tìm cách chộp lấy cổ của nó. Hoặc sẽ dùng cánh tay bọc da thú đấm thẳng vào miệng nó rồi cứ thế lôi ra ngoài.
Khi đã tóm được con vật, những người thợ săn mới từ từ kéo con trăn ra ngoài. Quá trình này cũng nguy hiểm không kém khi họ vẫn phải khống chế con trăn đang giẫy giụa trong khi phải tìm cách đi lùi ra ngoài.
Đối với những con trăn sống và lành lặn, những người thợ săn có thể bán cho lái buôn với giá hơn 100 USD. Nếu trăn chết, họ sẽ lột da, phơi khô thịt rồi mới bán. Giá của nó chỉ còn khoảng 60 USD.
(Theo Bee.net.vn)