Từ ngày 1 đến 30-10-2012, tỉnh Thừa Thiên-Huế đưa vào chương trình khai thác sản phẩm du lịch trong mưa. Đây là cách thức du lịch mới lạ, hấp dẫn, hy vọng mang đến cho du khách sự lãng mạn và độc đáo. Trước đó, ý tưởng đưa ``Mưa Huế” thành sản phẩm du lịch đã được đưa ra trong hội thảo ``Xây dựng thương hiệu du lịch Huế,” từ tháng 2-2011.
Mưa Huế được các chuyên gia nghiên cứu của Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDE) bước đầu nghĩ ra một số ý tưởng về hệ thống sản phẩm du lịch có thể thích ứng với mưa khiến người dân ở Huế rất quan tâm. Đặc biệt là anh em văn nghệ sĩ và những người yêu Huế.
Rất nhiều người bạn của tôi ở phương xa khi về thăm Huế đều cảm thấy bất ngờ khi nghe chúng tôi kể về "du lịch mưa”, anh Hồ Phi Thế một người bạn ở Cần Thơ từng có thời gian học ở Huế tâm sự: "Đất Huế kỳ lạ thật, ở thì thấy ghét nhưng khi đi rồi thỉnh thoảng được nghe mấy câu hát về mưa Huế: "Dù xa hỏi lòng quên chưa/ Huế sang đông Huế buồn trong mưa/ Ôi mắt xưa chiều áo tím/ Giận anh nên bước đi ngoài mưa” thì trong lòng ngay lập tức muốn ra Huế liền”.
Trong một lần phát biểu tại hội thảo "Xây dựng thương hiệu du lịch Huế”, Nhà nghiên cứu văn hóa, dịch giả Bửu Ý đã từng nói: Mưa vốn là một thuộc tính của Huế. Người Huế đã quen với mưa, sống với mưa. Đến mức, nếu không có mưa thì Huế không còn là Huế nữa. Mưa cũng là nhân tố góp phần hình thành nên nhiều giá trị văn hóa cốt lõi của Huế, từ ẩm thực đến âm nhạc, hội họa và cả phong cách sống thâm trầm, tinh tế của người Huế…Tuy nhiên, về mặt trái, mưa lại là một trở lực cho nhiều cuộc tổ chức hội hè, cuộc sống của người dân lao động. Bằng chứng là các kỳ Festival Huế, dù thời điểm tổ chức đã được dịch chuyển nhiều lần để tránh thời tiết nhưng hầu như lễ hội nào cũng "dính” mưa. Do đó việc biến mưa Huế trở thành một sản phẩm du lịch là rất thú vị nhưng nếu không có cách làm mới, phù hợp thời tiết trong những ngày mưa ở Huế thì ý tưởng đưa ra sẽ không thành công.
Trong mùa lễ hội Festival Huế diễn ra vào tháng 4 năm 2012, những hoạt động quảng bá sản phẩm "du lịch mưa” như triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật, giới thiệu các tác phẩm điện ảnh, nhạc phẩm...về mưa xứ Huế. Các hoạt động nghệ thuật gắn với khung cảnh trời mưa Huế như nhạc nước để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách. Việc biến mưa Huế thành sản phẩm du lịch rất có tính khả thi. Vấn đề là các cơ sở dịch vụ du lịch phải biết tạo ra sản phẩm mùa mưa khác mùa nắng, gắn loại hình dịch vụ du lịch mùa mưa với đời sống của người dân lao động.
Ngoài những điểm ngắm mưa rất lí thú cho du khách như lầu Ngũ Phụng, lầu Tứ Phương Vô Sự… tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cần qui hoạch thêm những "làng mưa” ở Thủy Biều, Kim Long, Ngọc Anh ở đó sẽ có nhà rường, có hành lang nối kết, vườn cây và nhiều hình thức giải trí khác nhau như ca Huế, nhã nhạc… Đặc biệt, nhà hàng ở "làng mưa” phải có khung kính để tạo nên một "thành phố mưa”. Làm được những điều đó chắc chắn sẽ đem lại cảm giác gần gũi giữa du khách và mưa Huế.
Trang Hạ - Báo điện tử Đại đoàn kết