Hiện nay hầu như nhà nào cũng có tủ lạnh, tủ đá để giữ thực phẩm được tươi lâu. Nhưng không phải thực phẩm nào ta cũng bảo quản như nhau mà cần phải biết rõ tính chất của chúng để giữ lạnh cho hợp lý. Một số lời khuyên bổ ích sau đây sẽ giúp bạn biết cách giữ lạnh thực phẩm đúng cách và phù hợp với sức khỏe.
1. Xử lý thực phẩm một cách an toàn:
Không được để chung thực phẩm tươi sống như thịt, cá với các loại đồ ăn khác vì chất lỏng tiết ra từ thịt sống có thể làm nhiễm bẩn chúng. Vì vậy hãy để chúng vào ngăn chứa thịt (thường là ngăn dưới cùng trong tủ lạnh), hoặc nếu không có ngăn chứa thịt thì bạn hãy để chúng ở nơi thấp nhất trong tủ lạnh. Nhớ phải rửa tay trước và sau khi chế biến thức ăn.
2. Nhiệt độ tủ lạnh, tủ đá:
Nhiệt độ trong tủ lạnh nên để khoảng
4oC hoặc thấp hơn, tủ đá (ngăn đông lạnh) là
-17oC hoặc thấp hơn.
3. Cách bảo quản thực ăn thừa và thực phẩm dễ hư:
Không nên để các loại thực phẩm dễ hư như thịt, cá, hải sản, trái cây quá 2 tiếng ở nhiệt độ 32oC, mà phải bỏ chúng vào tủ lạnh để bảo quản. Thông thường, các thức ăn thừa còn sót lại sau mỗi bữa ăn có thể bảo quản trong tủ lạnh đến 4 ngày. Do đó bạn nên ăn chúng trước khi chúng bị hư. Một mẹo nhỏ để bạn luôn nhớ ăn thức ăn thừa trước đó là để chúng ở những nơi dễ thấy nhất trong tủ lạnh, những nơi mà khi mở tủ ra là bạn sẽ thấy chúng trước tiên, và đặt các món ăn vừa mới nấu, những món có thời gian sử dụng dài hơn ra phía sau những món phải dùng ngay. Như thế bạn sẽ không bao giờ "bỏ quên" thức ăn thừa trong tủ lạnh nữa. Nếu tủ có quá nhiều đồ ăn thì bạn nên có những tờ giấy nhỏ ghi chú ngày giờ nấu nướng và dán lên thức ăn.
Hộp đựng thức ăn cũng là điều cần quan tâm. Nên chọn các loại hộp có kích thước vừa phải. Hộp đựng bằng kính thủy tinh có ưu điểm dễ nhìn thấy thức ăn từ bên ngoài, có thể cho vào lò vi sóng và chất liệu thì lại thân thiện với môi trường. Còn hộp nhựa tuy rẻ và gọn nhẹ nhưng chúng có thể chứa một chất độc vô cùng nguy hiểm đó là
BPA (Bisphenol A). Có nhiều nghiên cứu cho thấy BPA rất có hại cho sức khỏe con người. Chúng có thể gây ra ung thư vú, béo phì, dậy thì sớm và các chứng rối loạn, đặc biệt nó còn ảnh hưởng đến não bộ và tính cách của trẻ em, gây vô sinh ở nam giới...
Vì vậy nếu phải chọn hộp đựng bằng nhựa thì bạn phải xem kỹ chúng có thành phần BPA bên trong hay không, sản phẩm không chứa BPA thường ghi là "
BPA-free" hay "
0% BPA". Một cách kiểm tra khác là nhìn vào biểu tượng tái chế (3 mũi tên hợp thành hình tam giác) trên nhãn bình, nếu trong biểu tượng đó
ghi số 7 thì rất có thể chúng có chứa BPA và bạn nên tránh xa nó ra.
4. Bảo quản rau củ, trái cây:
Không nên để chung trái cây với các loại rau vì một số trái có đặc tính thải ra khí gas Etylen làm cho rau củ mau hư hơn. Những loại trái cây thải khí Etylen như bơ, chuối, quả xuân đào, lê, mận, cà chua nếu không có nhu cầu bảo quản lâu thì nên để chúng bên ngoài tủ lạnh.
Bạn có thể để táo (bơm), mơ, dưa gang, trái sung, dưa mật trong tủ lạnh nhưng phải để xa các loại rau củ ra. Cách hay nhất là hãy để rau trong ngăn đựng rau của tủ lạnh, ngăn đựng rau thường được đậy kín để không bị ảnh hưởng từ khí Etylen và giữ rau tươi lâu hơn. Thêm nữa là đừng sử dụng những loại hộp đựng hay túi xách thức ăn mà người bán hàng đưa cho bạn vì chúng có thể làm thức ăn mau hư hơn. Hãy bảo quản thức ăn ở một nơi tốt hoặc bỏ vào tủ lạnh.
5. Bảo quản trứng:
Cùng với thức ăn và rau củ, trứng là loại thức phẩm phổ biến khác mà ta rất hay dùng. Có nhiều loại trứng với thời gian bảo quản khác nhau, nhưng cơ bản, trứng sống còn nguyên vỏ có thể được bảo quản trong tủ lạnh từ 3-5 tuần, trứng thay thế dạng lỏng (các loại sản phẩm dùng để thay thế trứng) thì vài ngày.
6. Đông lạnh thực phẩm trong tủ đá:
Khi để thực phẩm trong tủ đá (ngăn đông lạnh), bạn cần phải gói kín chúng, không để chúng tiếp xúc với không khí vì nếu không, thực phẩm có thể bị hư vì mất nước và oxy hóa do tiếp xúc với không khí. Bạn có thể tìm mua một số loại giấy chuyên dùng để gói thực phẩm và gói kín theo hình minh họa sau rồi dán chặt lại bằng băng keo.
Các loại bánh mì và bánh nướng cần phải để nguội trước khi cho vào tủ đá để các tinh thể băng không bị hình thành bên trong bánh mì. Và bạn cũng đừng quên ghi ngày tháng của thức ăn lên những tờ giấy ghi chú nhỏ, chúng sẽ rất có ích trong trường hợp tủ lạnh có quá nhiều đồ ăn mà bạn không biết cái nào gần hết hạn, cái nào còn để được lâu.
http://www.tinhte.vn/khoa-hoc-cong-nghe-...ot-743647/