Cứ đến khi cúng giỗ lễ bái, người ta lại đua nhau đốt vàng mã. Xưa chỉ có vàng thoi, vàng lá, vài bộ quần áo giấy sơ sài. Nay thì ngoài hình nhân mặc comple, cavat, còn có cả ôtô Mercedes, xe máy Drem, Vespa, ti vi, tủ lạnh, Mobifone… nom y như thật, thậm chí có khi còn to bằng đồ thật. Nếu như người chết là bộ đội hay công an thì có cả quân phục, mũ kê-pi, quân hàm sao gạch đầy đủ. Tiền thì đủ các loại ngoại tệ mạnh, từ USD đến Sterling (tiền Anh), Dmark (Đức), Franc (Pháp). Tờ “đô la âm phủ” cũng cải tiến, không vẽ hình ông Diêm Vương mà in chân dung tổng thống hẳn hoi.
Đốt vàng mã.
Âm phủ là gì? Theo học thuyết Âm dương ngũ hành, âm là đất, đối với dương là trời. Âm còn mang ý nghĩa là tối, lạnh, trái với dương là sáng, nóng. Phủ nghĩa là nhà rất to, thường là nhà quan lại. Vì từ đời cổ xưa đã có tục lệ chôn người chết xuống đất nên người ta mới tưởng tượng rằng, dưới đất phải có một ngôi nhà rất lớn để cho người chết ở. Tại sao có âm phủ? Con người sống trên mặt đất, dưới vòm trời, xung quanh là nước (sông, hồ, ao, biển…), bởi vậy người xưa mới chia thế giới thành bốn cõi, gọi là “Tứ phủ công đồng”: Thiên phủ (cõi trời), Địa phủ (cõi đất), Thủy phủ (cõi nước), Nhân phủ (cõi người). Trừ cõi người, ba cõi kia thường xuyên có những hiện tượng bí hiểm, ghê gớm không hiểu nổi (vì chưa có khoa học) như: mưa nắng, sấm chớp, gió bão, lũ lụt, động đất, sóng thần… Cho nên, người ta mới nghĩ rằng, các hiện tượng đó là do những đấng thần linh cai quản ba cõi sáng tác ra để ban phúc hoặc giáng hoạ cho loài người. Các vị thần linh ấy là: Ngọc hoàng thượng đế trên trời, Diêm Vương dưới đất, Long Vương (hoặc Thuỷ Tề, Hà Bá) dưới nước. Không riêng gì người Việt Nam, nhiều dân tộc khác trên thế giới cũng có quan niệm tương tự. Thí dụ, trong thần thoại Hi Lạp, La Mã, Ngọc Hoàng Thượng đế tên là Jupiter, Diêm Vương là Pluton, Long Vương là Neptune. Có điều khác với Việt Nam là ba ông này là anh em ruột, cháu nội của thần Uranus (Trời) và nữ thần Gða (đất). Cổ nhân cho rằng, người chết xuống dưới âm phủ cũng sinh hoạt như người sống trên cõi trần, cũng phải ăn uống, cần phải có đầy đủ quần áo, nhà cửa và các đồ dùng khác. Vì thế mới sinh ra lệ làm cơm cúng và đốt quần áo, chăn chiếu, giường… của người chết để mang xuống âm phủ. Thậm chí đời xưa ở bên Tàu còn có tục lệ man rợ là chôn cả người sống cho theo hầu người chết. Đông Chu Liệt quốc có chuyện vua Hạp Lư nước Ngô chôn sống 3.000 cung nữ cùng với công chúa đã tự sát, hoặc tể tướng Thân Hợi chôn hai con gái của mình cùng với vua Sở. Về sau, người ta mới phát minh ra hình nhân thế mạng, ban đầu đẽo bằng gỗ, bện rơm hoặc cỏ, sau mới làm bằng giấy cùng với các loại quần áo, tiền bạc như ngày nay. Âm phủ theo quan điểm tôn giáo Loài người chia ra làm hai hạng: Thiện và ác. Khi còn sống, người thiện được phúc báo, kẻ ác gặp tai họa. Sau khi chết, người thiện được lên Thiên đường, tức là cõi Trời, sống sung sướng với các thần tiên. Kẻ ác phải xuống âm phủ hay địa ngục, bị quỷ sứ đánh đập, tra tấn, hành hạ. Âm phủ theo quan điểm khoa học Ngày nay, con người phóng tên lửa và vệ tinh thám hiểm lên bầu trời, thả tàu ngầm thăm dò đáy biển, biết rõ “thiên phủ”, “thủy phủ” là gì. Tuy nhiên, đối với địa phủ, khoa học chưa tường tận lắm vì bán kính của trái đất là 6.371km, mà các mũi khoan địa chất dù sâu hàng trăm mét cũng mới chỉ là “gãi ghẻ”. Người ta tạm gọi vùng sâu giữa lòng đất là barysphère, tiếng Hy Lạp, barus nghĩa là “nặng” vì đó là trọng tâm của trái đất. Barysphère chứa đựng những thứ gì thì chưa biết nhưng chắc chắn không có Diêm Vương và quỷ sứ. Nếu dưới lòng đất chỉ có nước ngầm, dầu khí, quặng mỏ… thì sau khi người chết, hồn sẽ đi đâu, ở đâu? Nhiều người chết gây ảnh hưởng mạnh mẽ về tâm lý đối với người sống xung quanh, khiến cho những người này bị “ám thị” nhìn thấy những ảo ảnh hoặc nghe thấy những âm thanh mà họ tưởng là hồn người chết hiện về. Một ông bác sĩ quả quyết với tôi rằng, sau khi bà cụ thân sinh an táng được ba ngày thì cả hai vợ chồng ông ta đêm ngủ đều nghe rõ tiếng cụ gọi. Thời chiến tranh, một đơn vị bộ đội đóng quân gần chùa, có viên thượng uý chết trong vườn chùa, ngay trước cửa nhà tôi ở hiện nay. Khi đó chùa chưa có sư, tối đến, các tín đồ trong làng thay phiên nhau ngủ canh chùa. Họ kể rằng, anh ta thường xuyên hiện hồn về, thậm chí có lần còn túm cổ, nâng đầu họ. Có những nhà ngoại cảm miêu tả đúng đặc điểm nhận dạng và tính nết người chết mặc dù họ không hề quen biết người chết. Do đó, có giả thuyết cho rằng, hồn chính là một dạng “năng lượng sinh học”, na ná như sóng điện từ của radio, TV, và nhà ngoại cảm đã bắt đúng tần số của nó. Vấn đề này còn đang tranh cãi. Giả sử âm phủ có thật Tôi đã hết lời khuyên can các tín đồ đừng đốt vàng mã. Thiêu ra tro hàng vạn đồng thật vô cùng lãng phí. Số tiền mua vàng mã nếu đem ủng hộ đồng bào bị hạn hán, lũ lụt, trẻ em mồ côi, tàn tật,… chắc chắn Phật, thánh sẽ hài lòng hơn và ban cho nhiều phúc lộc hơn. Nhưng chẳng ai chịu nghe tôi, họ cãi rằng, Dương sao Âm vậy, Âm có yên thì Dương mới ổn, nếu không cúng vàng mã thì người sống sẽ bị vong linh “hành” khó làm ăn. Giả sử âm phủ có thật. Mọi người chết dưới âm phủ đều là những kẻ có nhiều tội lỗi khi còn sống và bị Diêm Vương kết án giam trong địa ngục, tức là hoàn toàn mất tự do. Vậy thì làm gì còn có quyền cưỡi ôtô Mercedes, phóng xe Dream đi chơi hoặc ngồi ung dung trong toà biệt thự xem tivi. Gia đình các vong linh cúng những thứ đó xuống âm phủ chỉ béo bở cho lũ quỷ sứ mà thôi. Chúng sẽ tịch thu toàn bộ và đem về nhà chúng làm của riêng. Còn nếu hẳn hoi tử tế được lên Thiên đường thì trên ấy ai cũng đầy đủ, sung sướng, thiếu gì châu báu mà phải gửi đồ rởm bằng giấy. Quan điểm chân chính của đạo Phật về Thiên đường, Địa ngục Dân Ấn Độ có tục lệ hoả táng người chết (chính bản thân Đức Thích Ca cũng được hoả táng sau khi tịch diệt) nên không có khái niệm về âm phủ như dân Việt Nam. Nhiều Phật tử tin rằng, có phúc sẽ được vãng sinh về Tây phương cực lạc, có tội sẽ sa vào Địa ngục. Đạo Phật chân chính khẳng định, địa ngục chẳng phải đâu xa lạ mà ở ngay trong chính bản thân chúng ta. Nếu mọi việc ta làm đều tốt lành, ta sẽ được thân thể khoẻ mạnh, tinh thần vui vẻ, gia đình hạnh phúc, xã hội công bằng, văn minh,… ấy là Cực lạc. Ngược lại, nếu ta làm điều ác, ta sẽ bị pháp luật truy tố, con cái hư hỏng, gia đình tan nát, hoặc dù ta có thoát khỏi toà án hình sự nhưng toà án lương tâm cũng day dứt không thôi, rồi sinh ra ốm đau, sầu não… ấy chính là Địa ngục. Bởi thế, Phật mới dạy chúng ta hãy “xây đời Cực lạc giữa cõi thế gian”. Bài “Cảnh sách buổi chiều” có câu: Thời hiện tại không xa gang tấc/Ngay chốn này Cực lạc rồi đây. Đó là tinh thần “hiện pháp lạc trú” (yên vui với cuộc sống hiện tại) của đạo Phật chân truyền. Phật cũng khuyên mọi người phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ ngay khi họ đang còn sống.
Âm phủ là gì?
nhung921 > 10-14-2011, 04:04 PM
Mặc dù ko fảii là người tin lắm.. nhưng mà có thờ, có kiêng, có lành! ^^