Có tồn tại thế giới âm không?
lee eun hee > 10-14-2011, 02:53 PM
Từ xa xưa, trong dân gian đã có một quan niệm cho rằng, xung quanh con người tồn tại một thế giới dương và một thế giới âm. Thế giới dương - còn gọi là trần gian - là thế giới của những người đang sống, cùng mọi sự vật, hiện tượng có thể nhận biết bằng các cơ quan cảm giác của con người bình thường. Còn thế giới âm là thế giới của linh hồn những người đã chết, một thế giới phi vật chất, chỉ có một số ít người có khả năng đặc biệt, mới nhận biết và giao lưu với linh hồn. Sự tồn tại của thế giới âm đã được một số người khẳng định, mặc dù họ không thể giải thích được một cách khoa học sự tồn tại ấy. Những người tin có thế giới âm đã giải thích theo trí tưởng tượng của mình và thường dựa trên sự giải thích của các tôn giáo. Và cũng chính từ đó dẫn tới các hiện tượng mê tín, dị đoan.
Trên đây là quan niệm dân gian, còn trong khoa học thì sao? Đại đa số các nhà khoa học đứng trên quan điểm duy vật, không thừa nhận có thế giới âm. Nhưng khoa học chưa giải thích được những hiện tượng có thật, được nhiều người thừa nhận và được coi là thuộc thế giới âm, như việc tìm mộ nhờ khả năng đặc biệt, giao lưu với “vong” của những người đã chết v. v...
Vậy thực sự có thế giới âm như quan niệm của dân gian không?
Vận dụng các quan điểm của triết học duy vật biện chứng và các thành tựu khoa học hiện đại, có thể trả lời một cách chắc chắn là không. Lý do như sau:
- Về mặt khoa học, trên cơ sở những hiểu biết và các thực nghiệm với những thiết bị hiện đại như các điện não đồ, các cộng hưởng từ hạt nhân đồ (RMI), máy chụp ảnh cắt lớp bằng tia X (CAT) hay bằng bức xạ điện tử dương - tức positrôn (PET), người ta đã chứng minh rằng không hề có hiện tượng tâm lý, ý thức nào lại không có một cơ quan vật chất của não thực hiện; ngay cả khi con người nằm mê hay khi suy nghĩ, người ta cũng xác định được những bộ phận tương ứng trong não hoạt động.
- Dựa trên mối liên hệ nhân quả có tính khách quan và phổ biến trong mọi quá trình vận động vật chất, người ta cũng thấy rằng: Mọi hiện tượng của thế giới được gọi là “âm”, bao giờ cũng phải được nhận thức qua bộ não - dù đó là của những con người có khả năng đặc biệt - vốn là cấu tạo vật chất có trình độ tổ chức cao nhất. Điều đó có nghĩa là đã có những sự tác động qua lại giữa những đối tượng vật chất là những con người đang sống hay đã chết (các hài cốt), hoặc những đối tượng vật chất khác trong tự nhiên (như trong các hiện tượng của cảm xạ học) với bộ não của những người có khả năng đặc biệt, thậm chí của cả những người bình thường, qua các dụng cụ đơn giản của cảm xạ học (quả lắc, đũa). Nói chung, đó là những quá trình thông tin, bao gồm một chuỗi các mối liên hệ nhân quả nối nguồn phát ra và nơi nhận tin, đều là những đối tượng vật chất, có thể trực quan được. Tuy vậy, các quá trình trung gian, tuy cũng là vật chất, nhưng là một hình thái hoàn toàn không thể nhận biết được bằng bất cứ cơ quan cảm giác nào của những người bình thường, hay phương tiện kỹ thuật nào dù là của khoa học hiện đại và được gọi là hình thái vật chất siêu vật lý. Các ngành cận khoa học; cảm xạ học có nói đến các khái niệm hào quang, khí, tia, bức xạ, trường sinh học... là để nói đến các hình thái vật chất siêu vật lý này. Cùng là vật chất, giữa hình thái vật chất vật lý và siêu vật lý tất nhiên có sự tác động lẫn nhau và để nhận thức được thế giới siêu vật lý, khoa học phải nhận thức được sự tác động này và nhờ đó sẽ dần dần nắm được quy luật vận động của thế giới siêu vật lý, trong đó có các hiện tượng mà nhiều người cho là thuộc thế giới “âm”.
Tóm lại, không tồn tại thế giới âm, hiểu là thế giới phi vật chất, thế giới của linh hồn của những người đã chết; nhưng hiện nay khoa học chưa nhận thức được các thuộc tính và quy luật vận động của cái thế giới được gọi là “âm” ấy - nhưng thực sự là dương, là thế giới vật chất với hình thái vật chất siêu vật lý.
Đặc điểm tình hình này đã dẫn đến một số sai lầm về lô gích và phương pháp nghiên cứu.
1. Có người cho rằng, khoa học không giải thích được các hiện tượng của thế giới âm theo quan niệm dân gian nói ở trên, đồng nghĩa với việc tồn tại của thế giới ấy.
Chúng ta biết rằng, lịch sử phát triển của khoa học bao giờ cũng gắn liền với những mâu thuẫn giữa những hiện tượng đã quan sát dược với những tri thức khoa học mà con người đã tích luỹ được đến lúc ấy. Chẳng hạn, vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, có rất nhiều hiện tượng vật lý vi mô (từ nguyên tử trở xuống) được phát hiện, nhưng người ta không thể nào giải thích được bằng các lý thuyết vật lý học cổ điển đã biết. Điều đó không có nghĩa là các hiện tượng vật lý vi mô không tồn tại, mà chỉ là sự tưởng tượng - như một số khoa học đứng trên lập trường duy tâm quan niệm - trái lại, các nhà khoa học duy vật đã cho rằng, để khắc phục mâu thuẫn giữa các hiện tượng vi mô quan sát được với lý thuyết vật lý cổ điển, phải đi sâu nghiên cứu, tìm tòi những lý thuyết mới. Kết quả họ đã xây dựng được ngành vật lý học vi mô tức là vật lý học hiện đại, giải thích rất tốt các hiện tượng đã được quan sát và tạo cơ sở khoa học cho những thành tựu tuyệt vời về kỹ thuật và công nghệ của thế kỷ XX.
2. Một sai lầm khác về phương pháp nghiên cứu là cố gắng giải thích các hiện tượng của thế giới “âm”, gọi chung là các hiện tượng tâm linh, chỉ dựa trên những kiến thức vật lý cổ điển và hiện đại - vốn chỉ áp dụng cho các hiện tượng của thế giới vật lý - nên đã không đạt được kết quả (chẳng hạn ông Đỗ Kiên Cường đã áp dụng những kiến thức vật lý học hiện đại - về cơ chế và chu trình thu phát sóng vô tuyến điện từ, về bức xạ tàn dư của vụ nổ lớn... - để giải mã quá trình tìm mộ ở nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên nhưng kết quả không có tính thuyết phục. (An ninh thế giới số 68, ra ngày 3-4-98).
Cũng như ở thế kỷ XX, các nhà khoa học đã nhận thức được thế giới vi mô - cũng là một thế giới “vô hình” với những thuộc tính và quy luật vận động của vật chất rất khác thường so với thế giới vĩ mô - người ta hy vọng sang thế kỷ XXI, vấn đề nhận thức thế giới tâm linh cũng sẽ được giải quyết, thông qua con đường của khoa học hiện đại.