Theo lời kể của các bậc cao niên, chúng tôi tìm về chợ phiên Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Phiên chợ bắt đầu từ mờ sáng. Không phải người hẹn chợ mà chợ hẹn người vào những phiên chợ đông vui, nhộn nhịp các ngày 3, 8, 13, 23 và 28 (Âm lịch) hàng tháng.
Đi tìm chợ xưa
Có mặt ở chợ phiên Cam Lộ lúc 5g sáng ngày 13-8 (Âm lịch), chúng tôi gặp một cụ bà 75 tuổi, đang ngồi bổ cau ở một lều dành riêng cho hàng Cau, chưa kịp chào thì đã nghe cụ hỏi: “Đi mua sắm hay đi thăm chợ thế”? Cô bạn đi cùng đã nhanh nhảu “chúng con đi thăm chợ”.
Trước đây, chợ phiên Cam Lộ được xem là một trung tâm thương nghiệp lớn có tiếng ở nông thôn Việt Nam, được sử sách ghi lại năm 1621. Theo hồi ức của một số bô lão ở làng Cam Lộ, chợ đã được dời qua nhiều địa điểm khác nhau: trước thế kỷ XIX, chợ phiên nhóm họp ở Tân Tường (km 15 của Đường 9), về sau chuyển về Bến Đuồi, bên bờ sông Hiếu. Từ khi được chuyển về Bến Đuồi, chợ được mở mang, xưng danh là tiểu Trường An. Một dải chợ tấp nập kéo dài từ Bến Đuồi đến đình Cam Lộ, là nơi quy tụ hàng hóa, đặc sản từ mười phương gửi tới chào mời, trao đổi. Hàng từ Huế ra theo đường biển, ngược sông Hiếu lên chợ phiên Cam Lộ thường mang theo nón bài thơ, đường phèn, đường phổi, thuốc bắc, gia vị... Hàng từ Quảng Bình vào có trứng vịt, nồi đất, hàng đan lát, mây, trầm hương, trâu bò, gà heo... Còn người Lào, để kịp phiên chợ thì hàng hóa được gởi về trước 2 ngày. Năm 1776, nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng đến đây và ghi lại. Lúc này chợ phiên Cam Lộ phát triển, thuyền buôn của Nhật, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha...vào Cửa Việt lên đây, về đây giao thương.
Đến năm 1930, chợ phiên Cam Lộ không đơn thuần là nơi giao thương, buôn bán mà còn là địa điểm hoạt động của các chiến sĩ cách mạng. Tại đây, đồng chí Lê Duẩn cùng với các đồng chí Hồ Xuân Lưu, Hoàng Hữu Chấp... hội bàn lập chi bộ để lãnh đạo phong trào ở chợ phiên, đã chọn tiệm thuốc bắc và rượu Xi - Ca ở phố Đông Nguyên làm nơi đặt cơ quan tài chính của Đảng. Tháng 8-1945, chợ phiên là nơi diễn ra cuộc đàm thoại giữa đại diện đặc trách của ta và Nhật, yêu cầu Nhật giữ thái độ trung lập khi ta tiến hành khởi nghĩa chống Pháp. Lúc này, chợ phiên Cam Lộ đã chuyển từ chợ thời bình sang chợ lưu động thời chiến. Năm 1946, Pháp chiếm Đường 9 và cho quân chiếm đóng, chợ phiên phải dời tới An Thái, xã Cam Tuyền. Những năm 1948 – 1950, chợ phiên được gọi là chợ Kháng chiến, đóng ở những nơi gần chùa, miếu có nhiều cây cối rậm rạp. Sau năm 1954, địch buộc người dân dời chợ đi nơi khác để chúng dễ kiểm soát, nhưng người dân Cam Lộ nhất quyết không dời, duy trì chợ cho đến ngày nay.
Muốn mua vui, đến Cam Lộ...…
Đứng trên đường Hồ Chí Minh nhìn xuống, chợ phiên trong mắt chúng tôi nay không còn là những ngôi lều nhỏ, được lợp bởi những tấm tôn cũ kỹ, bạc màu theo thời gian mà là một chợ phiên mới xây dựng khá đẹp tuy nhìn có vẻ hơn nhỏ. Thế mà, vào trong chợ chúng tôi mới thật sự bất ngờ bởi sự tấp nập của người bán, người mua và đặc biệt hơn, các mặt hàng ở đây rất phong phú: từ vàng, bạc đến mắm, muối, dưa, cà.... tất cả được trưng bày rất đẹp. Hàng Cau, hàng Trầu, hàng Nếp cho đến hàng Khoai... mỗi hàng có một góc riêng. Vẫn là góc chợ xưa, vẫn còn nón Huế đưa ra, trứng vịt Quảng Bình đưa vào, nhưng khác một điều là không có voi để đổi bạc trắng, đổi súng và không còn những phiên chợ có đến 300 con trâu… như nhà bác học Lê Quý Đôn từng chứng kiến. Nhưng cứ đến hẹn là chợ phiên Cam Lộ lại nhộn nhịp, tấp nập người bán người mua.
Chợ phiên như đã ăn sâu vào máu thịt người Cam Lộ và người dân Quảng Trị. Với người dân Cam Lộ, nhắc tới chợ phiên ai ai cũng tự hào, họ xem đây là một nét văn hóa lâu đời của cha ông, đã đi vào sử sách. Nếu như người dân Bắc tự hào bởi câu ca “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa” hoặc “Thứ nhất Kinh Kỳ thứ nhì Phố Hiến”, thì người dân Cam Lộ cũng có lời nhắn nhủ thiết tha với mọi người “Muốn mua vui, đến chợ Phiên Cam Lộ”!.
Võ Linh
Nguồn: SGGP online