Tự lập và kiêu hãnh - Phiên bản có thể in
Diễn Đàn Tuổi Trẻ Việt Nam Uhm.VN
Tự lập và kiêu hãnh - Phiên bản có thể in

+- Diễn Đàn Tuổi Trẻ Việt Nam Uhm.VN (https://uhm.vn/forum)
+-- Diễn đàn: Hỏi đáp - Chia sẻ kiến thức, Kinh nghiệm cuộc sống (https://uhm.vn/forum/Forum-H%E1%BB%8Fi-%C4%91%C3%A1p-Chia-s%E1%BA%BB-ki%E1%BA%BFn-th%E1%BB%A9c-Kinh-nghi%E1%BB%87m-cu%E1%BB%99c-s%E1%BB%91ng)
+--- Diễn đàn: Bố Mẹ và Con (https://uhm.vn/forum/Forum-B%E1%BB%91-M%E1%BA%B9-v%C3%A0-Con)
+---- Diễn đàn: Nuôi dạy khi con khôn lớn (https://uhm.vn/forum/Forum-Nu%C3%B4i-d%E1%BA%A1y-khi-con-kh%C3%B4n-l%E1%BB%9Bn)
+---- Chủ đề: Tự lập và kiêu hãnh (/Thread-T%E1%BB%B1-l%E1%BA%ADp-v%C3%A0-ki%C3%AAu-h%C3%A3nh)



Tự lập và kiêu hãnh - prince.new01 - 08-15-2011

Tự lập và kiêu hãnh

Đó là quan điểm của giáo sư người Mỹ David Pickus về việc nuôi dạy con khi ông có dịp đến Việt Nam hồi cuối tháng 6 để chia sẻ về phương pháp nuôi dạy con gây xôn xao của “Mẹ Hổ” Amy Chua.
Buổi hội thảo đã thu hút rất đông các bố mẹ trẻ đến tham gia và đặt câu hỏi. Ông luôn cố gắng đưa ra và phân tích hai mặt của một vấn đề, chứ không hoàn toàn phê phán hay ủng hộ phương pháp của Amy Chua. Chúng tôi ghi lại cuộc trò chuyện của ông với các bậc phụ huynh Việt:
Làm cha mẹ thật là khó!
Cuốn “Khúc chiến ca của Mẹ Hổ” của Amy Chua đã gây nên một hiện tượng, gây tranh cãi trên toàn thế giới. Theo ông, đâu là điểm mạnh và điểm yếu trong cách thức nuôi dạy con của Amy Chua?
Tôi nghĩ rằng trong xã hội hiện nay, các bậc cha mẹ ở nước nào cũng đều phải đối mặt với những khó khăn nhất định trong việc nuôi dạy con.
Chẳng hạn, bố mẹ người Mỹ thường hỏi các con mình rất nhiều lần những câu hỏi như: “Con có hạnh phúc không, con có vui không, con có cảm thấy ổn không?”. Họ coi việc hỏi con như vậy là quan trọng và cần thiết. Amy Chua thì lại không hỏi con nhiều như vậy, bà phê phán và cho rằng không nên quá quan tâm đến cảm xúc của con.

[Image: bexinh.jpg4.jpg]
Làm cha mẹ thật là khó! Tất cả chúng ta chắc hẳn sẽ không tránh khỏi sai lầm trong hành trình nuôi dạy con. Vì vậy, tôi sẽ không phê phán quan điểm của một ai.
Về phương pháp dạy con của mẹ Hổ, tôi chỉ có thể phân tích điểm mạnh, điểm yếu thế này. Amy Chua là một người Mỹ gốc Hoa. Hầu hết những người nhập cư đều cố gắng làm việc chăm chỉ để tồn tại, hòa nhập và để chứng tỏ bản thân mình trong một xã hội và môi trường xa lạ. Việc Amy Chua làm mọi cách để mình và các con có được chỗ đứng và được công nhận trong xã hội Mỹ là hoàn toàn hợp lý.
Trước đây, cha mẹ Amy Chua cũng luôn hướng bà làm việc chăm chỉ. Bởi vì thực tế là nếu bạn nỗ lực, bạn sẽ hiểu được giá trị của sức lao động – điều mà khi thành công, chúng ta thường bỏ quên. Vì vậy, cách Amy Chua muốn các con mình chăm chỉ, chăm chỉ hơn nữa là rất tốt.
Tuy vậy, Amy Chua có một sự nhầm lẫn giữa địa vị và thành công. Để có được thành công cần hội tụ nhiều yếu tố như sự cần cù, một chút thông minh, nhạy bén, cơ hội, thời cơ… Amy cho rằng có được địa vị tốt thì có nghĩa là đã thành công. Trong cuốn sách, bà luôn nhắc đến ngôi trường đại học tốt nhất, thầy giáo dạy nhạc tốt nhất… nhưng quả thật, có thứ tốt nhất thì sẽ có thứ còn tốt hơn nữa.
Nếu lúc dạy dỗ con mà gặp phải sự chống đối tiêu cực ở con thì theo ông, nên làm thế nào?
Nếu tôi phải viết một cuốn sách về vấn đề này thì tôi sẽ đặt tiêu đề là “Tôi không biết phải làm thế nào?”.
Đây là câu chuyện của cá nhân tôi. Tôi đã từng có thời gian ở Indonesia trước khi sang Việt Nam. Một lần, tôi đề nghị các học sinh của mình dành thời gian một chút buổi tối ở nhà một người dân để tìm hiểu phong tục, lối sống của họ. Nhưng tất cả học sinh của tôi đều từ chối, chúng nói không muốn vì mọi thứ đều khác lạ. Nếu không cảm thấy thoải mái, chúng sẽ không làm. Đó là một trong những ví dụ về việc tôi đã từng bị học trò phản ứng.
Tôi nghĩ, khi các con không nghe theo ý kiến của mình, thì việc của chúng ta là giải thích cặn kẽ rằng vì sao ta muốn con làm điều đó.
Thành công là tự lập và có niềm kiêu hãnh về bản thân
Những gì chúng ta thấy ở các con của Amy Chua có thể cho thấy phần nào cách dạy con của bà có tác dụng. Ông có nghĩ rằng liệu rèn con một cách hà khắc sẽ giúp con thành công?
Một đứa trẻ thế nào sẽ được coi là thành công, đây thực sự là câu hỏi không dễ trả lời. Việc thành công hay không chỉ có thể biết được qua thời gian.
Việc dạy dỗ con không phải cuộc thử nghiệm hay cuộc nghiên cứu, chúng ta chỉ có thể biết kết quả ở cuối chặng đường. Không hẳn chiều chuộng hay khắt khe sẽ đem lại thành công cho con, mà chính ở cách tìm hiểu, lắng nghe và định hướng đúng đắn cho con mình.
Chính Amy Chua dường như cũng có sự thay đổi trong quá trình nuôi dạy con, chẳng hạn như để cô con gái thứ hai học vĩ cầm thay vì piano, liệu có khi nào bà cảm thấy mình sai, ông nghĩ thế nào về vấn đề này?
Quả thật, khi con cái tỏ ra chống đối, đã có lúc Amy Chua tự hỏi những gì bà đang làm có đúng đắn không, có phù hợp với con không. Hai con gái của Amy có tính cách hoàn toàn trái ngược nhau, vì vậy, bà đã rất kiên nhẫn để dung hòa hai đứa. Sau một thời gian quan sát, tìm hiểu, bà quyết định cho Lulu học vĩ cầm chứ không phải piano như cô chị Sophia, là bởi vì bà có thể nhìn thấy những điểm mạnh điểm yếu ở con mình. Tôi nghĩ rằng Amy Chua chỉ thay đổi mục tiêu ở con chứ không phải là thay đổi phương pháp dạy con.
Có một vị giáo sư người Mỹ là Bryan Caplan đã đưa ra quan điểm trái ngược rằng các bậc cha mẹ nên chăm con ít đi và thư giãn nhiều hơn, hãy để cho con trẻ chơi games, xem TV, ăn pizza và làm những điều chúng muốn. Như vậy, họ cũng sẽ vui vẻ và giảm bớt áp lực nuôi dạy con hơn. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Theo tôi, cả hai cách dạy con đều chỉ có tính tương đối. Việc cho trẻ xem TV, chơi games… có thể giúp chúng phát triển sáng tạo, độc lập hơn. Nhưng điều quan trọng nhất là dạy con không lệ thuộc vào những món đồ điện tử đó.
Tôi nghĩ rằng một đứa trẻ thành công là tự lập và có niềm kiêu hãnh về bản thân.

Ý kiến bạn đọc:
Nguyễn Thúy Hà (31 tuổi, nhân viên kế toán): “Khi đọc Khúc chiến ca mẹ Hổ, tôi thường có cảm giác mông lung không biết nên dạy con theo cách nào: nuông chiều mềm dẻo hay cứng rắn đe nẹt với con. Nhiều lúc tôi thấy mình không đủ kiên nhẫn, việc áp dụng kỷ luật thép với con đôi khi khiến cả con và cha mẹ đều mệt mỏi.
Nhưng sau khi đọc xong cả cuốn sách này thì tôi chỉ có thể dùng đúng một từ với Amy Chua là “phục”, bởi vì bà đã rất kiên định và dứt khoát trong phương pháp giáo dục con.
Tôi không mong và cũng không muốn thực hiện y hệt như Amy Chua, chỉ cần 20 – 50% là được, nhưng cái tôi học được ở bà là tính kiên nhẫn. Hãy xem cách con gái phản ứng lại và cách Amy Chua đáp lại những phản ứng đó của con, tất cả đều là chiến thuật, cho thấy Amy Chua là một người cực kỳ yêu con, tâm huyết với việc dạy con chứ không chỉ là một bà mẹ khô khan cứng nhắc.”
Chính hai cô con gái của Amy Chua đã phát biểu về cuốn sách, rằng sau khi đọc xong, có thể mọi người sẽ chỉ nhìn thấy những điểm tiêu cực trong cách nuôi dạy con của mẹ mình, và thậm chí còn thấy phẫn nộ với Amy Chua. Nhưng thực tế, họ lại không hề biết rằng đằng sau những lời dạy có phần hà khắc đó, ba mẹ con Amy Chua lại có những lúc ngồi bên nhau chia sẻ mọi điều, nói với nhau về sở thích chơi đàn, và Amy có những khoảng thời gian lo lắng đến thắt lòng với từng bước đi trong đời của con.
“Khúc chiến ca của Mẹ Hổ” là cuốn hồi ký chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc hành trình nuôi dạy con của nữ giáo sư Amy Chua, đã được Alpha Books dịch ra tiếng việt và phát hành.