Nụ cười tươi hay ly sữa đắt tiền? - Phiên bản có thể in
Diễn Đàn Tuổi Trẻ Việt Nam Uhm.VN
Nụ cười tươi hay ly sữa đắt tiền? - Phiên bản có thể in

+- Diễn Đàn Tuổi Trẻ Việt Nam Uhm.VN (https://uhm.vn/forum)
+-- Diễn đàn: Hỏi đáp - Chia sẻ kiến thức, Kinh nghiệm cuộc sống (https://uhm.vn/forum/Forum-H%E1%BB%8Fi-%C4%91%C3%A1p-Chia-s%E1%BA%BB-ki%E1%BA%BFn-th%E1%BB%A9c-Kinh-nghi%E1%BB%87m-cu%E1%BB%99c-s%E1%BB%91ng)
+--- Diễn đàn: Bố Mẹ và Con (https://uhm.vn/forum/Forum-B%E1%BB%91-M%E1%BA%B9-v%C3%A0-Con)
+---- Diễn đàn: Trẻ sơ sinh & Em bé (https://uhm.vn/forum/Forum-Tr%E1%BA%BB-s%C6%A1-sinh-Em-b%C3%A9)
+---- Chủ đề: Nụ cười tươi hay ly sữa đắt tiền? (/Thread-N%E1%BB%A5-c%C6%B0%E1%BB%9Di-t%C6%B0%C6%A1i-hay-ly-s%E1%BB%AFa-%C4%91%E1%BA%AFt-ti%E1%BB%81n)



Nụ cười tươi hay ly sữa đắt tiền? - prince.new01 - 08-15-2011

Nụ cười tươi hay ly sữa đắt tiền?

Tôi chẳng sai khi mong muốn dành những thứ tốt nhất cho con. Nhưng thực sự là tôi đã nhầm về những thứ tốt nhất!
Rất có thể, bạn cũng giống tôi, sẵn sàng đi chợ thật sớm, mua khúc cá ngon nhất, lùng sục trên mạng cả buổi để tìm hiểu về những loại sữa, sữa chua, váng sữa tốt nhất, nhưng đến bữa cơm, khi con không chịu ăn, tôi lại quát tháo ầm nhà, và tét vào mông bé. Tôi cũng không quản khó khăn chạy trường chạy lớp cho con học, nhưng lại đay nghiến nếu con làm bài bị sai.
Những em bé bị thiếu khí thở
Hồi mới sinh em bé. Lương hồi đó chỉ có khoảng 3 triệu đồng tháng, nhưng cái gì mua cho con cũng phải là tốt nhất trong cửa hàng. Tôi chọn mua sữa S26, sản xuất từ Úc, với giá hơn 500 ngàn một hộp (chứ không phải loại S26 sản xuất ở Singapore đâu nhé. Sing cũng chỉ là châu Á mà thôi). Nước rửa bình sữa cho con là loại chuyên dụng nhập khẩu, quần áo con giặt riêng, trong chiếc máy giặt mini, bằng loại bột giặt đồ giành cho trẻ em, nước xả vải cũng là loại riêng dành cho trẻ em.

[Image: yeucon2.jpg4.jpg]


Tất cả bao quanh bé là những đồ dùng tốt nhất, còn ba mẹ thì sao cũng đươc. Thậm chí, tắm cho con cũng phải bằng nước uống tinh khiết thùng 20l, hoặc nếu hôm nào không đi mua được thì phải là nước sôi để nguội vừa âm ấm.
Thời gian đó, mặt mũi cả hai vợ chồng như dài ra vì lo lắng, nợ nần ngập đầu. Chồng làm thêm giờ buổi tối, vợ đầu bù tóc rối, mồm năm miệng mười, tả xung hữu đột với những bữa ăn, những trận con ốm. Con bé nhận được ít tiếng cười của ba mẹ nên có vẻ cũng kém sinh động.
Bạn tôi, Thương Huyền là giáo viên cấp ba, lại gặp phải nỗi khó khăn khác. Từ ngày sinh bé, tới nay bé đã lên lớp bốn, mà Huyền chưa dám đi đâu xa con một buổi tối. Hôm thấy mấy cô bạn từ Sài Gòn tới chơi thăm nhà, Huyền ngạc nhiên: “Sao tụi mày lại dám bỏ con bơ vơ lăn lóc mà đi chơi vậy? Tao chịu tụi mày, sao thiếu trách nhiệm với con thế?”
Lần khác, cô bạn khác ra, mang theo cả con gái 3 tuổi, Huyền càng choáng váng hơn vì cô bạn quẳng con ở nhà chơi với con mình, rồi đi mất hút hơn nửa ngày mới về. Mà cũng kỳ, bé vắng mẹ mà chẳng làm sao, chơi với con mình tý tách cả buổi, rồi tới giờ ăn ngồi ăn ngon lành cùng người lạ, vui vẻ lanh lợi.
Nhưng mà dù thế thì vẫn không được? Không thể bỏ con như vậy được!
Đừng đặt gánh nặng yêu thương lên vai con!
Hôm tới nhà Huyền tôi thấy Huyền đang đánh con. Cô bực mình vô cùng vì con cô vừa làm rớt vỡ cái chén. Tôi ngạc nhiên hỏi: Tội thế có gì mà phải đánh? Đứa trẻ nào chẳng làm vỡ vài cái chén đĩa trước khi khéo léo như người lớn. Huyền trả lời: “Nhưng tao tức không chịu được. Tao ở nhà cả ngày, không dám đi đâu, chỉ để rèn dạy nó, mà nó không nghe lời, tao điên lắm!”
Có thể đúng. Huyền đang tức giận. Một phần quan trọng là vì Huyền đã hi sinh nhiều quá, đã kỳ vọng nhiều quá vào con. Cũng như tôi, và nhiều bà mẹ khác, tất cả thú vui, sự nghiệp của mình đã hi sinh, vậy mà con còn có thể phạm phải sai sót được sao? Con có thể vụng về được sao? Con có thể bị điểm kém được sao? Con có thể thua thiệt bạn bè được sao?
Nhưng đó cũng chính là thiệt thòi lớn nhất của những em bé được ba mẹ chăm lo kỹ quá, dồn quá nhiều tâm sức. Những em bé bị thiếu khí thở.
Trong vòng tay ôm ấp chăm lo quá chặt, bé không có khoảng trống nào để lùi lại, để sửa sai, để làm vài trò nhảm nhí. Đặc quyền cuả trẻ con là được làm sai vài thứ rồi làm lại, thì các bé cũng không được phép. Mỗi sai sót bằng móng tay sẽ bị bố mẹ, hoặc chính bản thân bé thổi phồng, vì áp lực quá lớn của tình thương.
Một cô bạn tôi lại rất khác, hai vợ chồng đều học ở nước ngoài về. Hôm thấy cô xách va ly đi công tác cả tuần dài trong khi con trai mới hơn 1 tuổi, tôi ngạc nhiên quá chừng. Nhưng cô bạn thản nhiên nói: “Tớ cai sữa rồi, nên không ảnh hưởng gì, và bé ở nhà được chăm sóc bởi bà nội và người giúp việc rất cẩn thận. trước khi đi tớ cũng đã chuẩn bị mọi thứ chu đáo. Vậy tại sao phải lo nữa chứ? Tớ còn có sự nghiệp. Không thể hi sinh tất cả cuộc sống và sự nghiệp của mình cho con. Tớ không muốn con lớn lên với ám ảnh rằng mẹ đã hi sinh quá nhiều cho mình!”
Tôi viết bài này không phải để cổ xúy những bà mẹ bỏ con ở nhà rồi đi rong chơi, đánh đề. Bởi những bà mẹ đó chắc chắn chẳng đọc Lửa Ấm. Tôi viết cho những bà mẹ Lửa Ấm, những bà mẹ giống tôi, nín thở vì con, thấp thỏm vì con, lúc nào cũng canh cánh rằng không biết con mình đã được lo tốt nhất chưa.
Có lẽ chỉ có thế hệ các bà mẹ 7X, 8X mới cần tập cách lùi xa con ra một khoảng, bởi hình như chỉ có các bà mẹ 7X, 8X bị ám ảnh về một tuổi thơ thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, rồi lại ngay lập tức phải đối mặt với xã hội mà các giá trị sống bị xáo trộn.
Giờ thì tôi tin rằng, khi tôi càng bao bọc, con mình càng yếu đuối, càng vụng dại. Khi tôi càng cố gắng cầu toàn, con tôi càng bị áp lực, và có một điều chắc chắn: không có đứa con nào hạnh phúc bên một bà mẹ bất hạnh.
Vì vậy, bây giờ tôi đang nuôi con sao cho chính mình cảm thấy thật thoải mái và hạnh phúc, và không phải gồng quá sức mình. Con cái tôi rất cần bầu dưỡng khí lành mạnh đó!
Bé sẽ hạnh phúc với bà mẹ có nụ cười tươi với ly sinh tố chuối tự xay? Hay bà mẹ cáu kỉnh có ly sữa đắt tiền? Bạn biết câu trả lời rồi đấy!