Con nuôi: yêu thương chăm sóc không thôi chưa đủ ! - Phiên bản có thể in
Diễn Đàn Tuổi Trẻ Việt Nam Uhm.VN
Con nuôi: yêu thương chăm sóc không thôi chưa đủ ! - Phiên bản có thể in

+- Diễn Đàn Tuổi Trẻ Việt Nam Uhm.VN (https://uhm.vn/forum)
+-- Diễn đàn: Hỏi đáp - Chia sẻ kiến thức, Kinh nghiệm cuộc sống (https://uhm.vn/forum/Forum-H%E1%BB%8Fi-%C4%91%C3%A1p-Chia-s%E1%BA%BB-ki%E1%BA%BFn-th%E1%BB%A9c-Kinh-nghi%E1%BB%87m-cu%E1%BB%99c-s%E1%BB%91ng)
+--- Diễn đàn: Văn hóa & Xã hội (https://uhm.vn/forum/Forum-V%C4%83n-h%C3%B3a-X%C3%A3-h%E1%BB%99i)
+---- Diễn đàn: Tâm lý học (https://uhm.vn/forum/Forum-T%C3%A2m-l%C3%BD-h%E1%BB%8Dc)
+---- Chủ đề: Con nuôi: yêu thương chăm sóc không thôi chưa đủ ! (/Thread-Con-nu%C3%B4i-y%C3%AAu-th%C6%B0%C6%A1ng-ch%C4%83m-s%C3%B3c-kh%C3%B4ng-th%C3%B4i-ch%C6%B0a-%C4%91%E1%BB%A7)



Con nuôi: yêu thương chăm sóc không thôi chưa đủ ! - prince.new01 - 07-03-2011

Con nuôi: yêu thương chăm sóc không thôi chưa đủ !


Mỗi năm tại Pháp có khoảng hơn 4.000 trẻ em người nước ngoài được người Pháp nhận làm con nuôi. Cha mẹ nuôi hết lòng yêu thương chăm sóc con, nhưng họ vẫn gặp những điều chẳng như ý. Tình yêu thôi chưa đủ sao ?
Đúng vậy ! Nuôi con nuôi thì tình yêu không thôi vẫn chưa đủ. Khi lớn lên, nhiều đứa con nuôi thường trải qua một thời khủng hoảng dữ dội về nguồn cội. Đã có một số cha mẹ nuôi gặp cảnh trớ trêu đau lòng.

Tò vò mà nuôi con nhện
Đến khi nó lớn, nó quện nhau đi
Tò vò ngồi khóc tỉ ti
Nhện ơi, nhện hỡi, nhện đi đàng nào !


Nhiều bậc cha mẹ nuôi con nuôi với tất cả tình thương yêu bao bọc lại được trả nghĩa bằng sự oán hận.
Vì đâu nên nỗi ?

- - - -

Ông Paul nhớ lại buổi đầu gặp con nuôi ở Braxin mà ông cho là một cuộc hạnh ngộ, một cuộc gặp gỡ tràn đầy hạnh phúc. Ông bà Paul là những tín hữu công giáo nhiệt thành, có chân trong nhiều tổ chức từ thiện quốc tế giúp đỡ các nước thuộc ‘thế giới thứ ba’, rất cảm thương các trẻ em vô gia đình. Ông bà muốn giúp đỡ một trong những em bé bất hạnh đó, đã liên lạc với một linh mục. Vị này vui mừng cấp báo: “Tôi biết trường hợp mnột cô bé lang thang hè phố có đứa con gái hai tuổi đang bú. Cô ta đang muốn cho đi…”

Vợ chồng ông sang tận Braxin rước cháu bé về nuôi. Mãi mười năm sau ông còn rưng rưng kể lại chuyến đi mà ông miêu tả là một cuộc “phục sinh”. Ông kể: “Tôi ẵm cháu lên, cháu quơ bàn tay bé xíu lên mặt tôi, kêu: ‘Ba ba!’. Bây giờ sau nhiều năm, tình yêu thương đã trở thành nỗi cay đắng. Vào tuổi mười hai, Célia (tên cháu gái) bắt đầu giở chứng. Cháu trốn khỏi nhà, ẵm theo một mớ tiền, đàn đúm với đám trẻ bụi đời. Cháu hay sừng sỏ với mẹ nuôi. Bà kể: "Làm như cháu trút hết lên đầu tôi sự căm thù hung hãn dành cho mẹ đẻ, người đã ruồng bỏ cháu. Chúng tôi cứ nghĩ có tình yêu: ‘dẫu trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng’. Ai có ngờ đâu… Vợ chồng tôi kể như hòan toàn thất bại”.

Không chỉ gia đình ông bà Paul, mà rất nhiều cha mẹ nuôi khác cũng gặp cảnh cay đắng tương tự. Một đứa trẻ được yêu thương cưng chiều từ tấm bé, bây giờ lớn lên, quát vào mặt mẹ nuôi: “Tôi nói cho bà biết: bà không phải là mẹ tôi. Bà đã bỏ tiền ra để mua tôi về ! Bây giờ hãy để tôi yên ! Tôi muốn xéo đi nơi nào, mặc xác tôi !”. Bậc cha mẹ trong cơn buồn cùng cực cũng đã trả lời: “Ừ ! Đi đi ! Về với cái gốc chuối đã đẻ ra mày !”. Và thế là đứa trẻ cảm thấy bị bỏ rơi lần thứ hai.

Đã năm năm rồi mà bây giờ nghĩ lại, cô Anne vẫn còn sợ hãi cái thời kỳ “nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà”. Cô kể: “Tất cả bắt đầu khi cháu Denis (đứa con nuôi) được 14 tuổi. Một hôm cháu hất tung bàn ăn lên, bát đĩa đồ ăn rơi bể loảng xoảng”. Người anh chen vào: “Hôm khác, Denis lấy tay đấm bể cửa sổ. Hôm khác nữa, lại lấy chân giậm thình thình vào tường, đập bể một cái tủ gỗ, tát vào mặt con…”.

Bây giờ thì Denis, đứa con nuôi ấy, đã ra đi. Nhưng mỗi lần nhớ lại những ngày chung sống, cô Anne lại sợ xanh mặt. Vợ chồng cô đã lặn lội sang tận nước Columbia tìm nó. Lúc đó nó đã 8 tuổi và đã có vài ba năm đi bụi trên hè phố... Hai vợ chồng (cô Anne và Louis), những tín hữu thuần thành, vẫn ôm ấp mộng nuôi một đứa con để nguôi đi nỗi buồn tang tóc khi đứa con sơ sinh của họ bị bạo bệnh mà qua đời. Bây giờ thì Denis đã nhập bọn với băng nhóm bụi đời ở một thành phố lân cận. Anhy Louis đã bỏ nhiều ngày để đi tìm nó về nhưng nó vẫn chứng nào tật nấy, nên anh chị đành gởi con vào Fondation d’Auteuil, một cơ sở chuyên nuôi dạy trẻ em khó dạy.

Cơ sở này mỗi năm nhẫn vào mấy chục thanh niên con nuôi người nước ngòai mà cha mẹ nuôi đã bó tay không dạy nổi. Chúng là những đứa trẻ vô kỷ luật, dễ nổi khùng, rất khó vào nề nếp. Giám đốc cơ sở này cho biết: “Nhiều bậc cha mẹ có thiện ý, muốn đem tất cả tấm lòng ra nuôi nấng đỡ nâng những đứa trẻ lạc loài, những mong đem lại tương lai hạnh phúc cho chúng, nhưng họ cảm thấy nản lòng vì công mình bỏ ra đã thành công cốc !”.

Có bao nhiêu trường hợp nuôi con nuôi thất bại như vậy ? Chưa có con số chính thức, vì đây là một vấn đề cấm kỵ. Nhưng đã thấy nhiều bậc cha mẹ nuôi thất bại lên tiếng lai rai đây đó. Từ 1980 đến nay, có khoảng 65.000 trẻ em người nước ngòai được các gia đình người Pháp nhận làm con nuôi. Các em ấy đến từ khắp nơi trên thế giới. Giờ đây các em đều đã lớn, đã biết băn khoăn suy nghĩ. Em gái Célia đề cập ở đầu bài này đã tố cáo cha mẹ nuôi: “Họ đã làm tôi mất gốc. Bây giờ tôi có trở về Braxin, tôi sẽ là người nước ngoài ! Còn ở đây với bố mẹ nuôi, tôi cũng chỉ là một kẻ xa lạ, chẳng giống ai ! Tôi rất yêu mẹ nuôi tôi, nhưng sau nhiều lần ăn cắp và đi bụi, tôi cãi nhau với bà dữ dội. Bây giờ tôi cảm thấy ghét bà. Tôi nói với bà: “Đừng đi tìm tôi làm gì nữa ! Tôi chẳng cần gì cả !”.

Còn Denis hiện sống tại nhà người bạn gái cách nhà cha mẹ nuôi 500 cây số. Denis nói: “Tôi yêu gia đình bố mẹ nuôi tôi, đồng thời tôi cảm thấy thù hận. Bố mẹ khi nhận tôi làm con nuôi đã không hề hỏi ý kiến tôi mà chỉ nói vớI tôi: “Con sẽ hoàn toàn là con của bố mẹ”. Nhưng tại sao lại là tôi ? Tại sao mẹ ruột tôi lại ruồng bỏ tôi ? Tôi là ai ?”

Theo nhà phân tâm học Lévy-Soussan, chuyên về con nuôi, đứa con nuôi nào cũng vậy (dù nhỏ tuổi), đều có những dây dưa thắc mắc nêu trên. Nên khi các em lớn lên, những thắc mắc này trỗi dậy cũng là điều bình thường. Khi đến tuổi thanh niên (14 - 25), trẻ sẽ tra vấn về lịch sử của nó: mình đã bị ruồng bỏ như thế nào, đã đến với gia đình cha mẹ nuôi ra sao ?… Lo âu, xao xuyến, người thanh niên tìm cách đặt lại vấn đề về mối liên hệ giữa mình và cha mẹ nuôi.