Đã quan hệ có nên tiêm vaccine?
"Nhiều ngươi nói vaccine phòng ung thư cổ tử cung chỉ nên tiêm khi chưa từng quan hệ tình dục, điều này có đúng không? Tôi đã quan hệ tình dục thì có thể tiêm không?".
Bác sĩ Vũ Thị Toàn, Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế, trả lời:
Thông tin chỉ được tiêm khi chưa từng quan hệ tình dục là không chính xác. Vaccine ngừa ung thư cổ tử cung (hay còn gọi là vaccine HPV) lý tưởng nhất để tiêm là khi chị em chưa có quan hệ tình dục (QHTD), hiệu quả bảo vệ đạt đến 98% - 100%. Đối với những phụ nữ đã có gia đình hoặc đã có QHTD thì vaccine này vẫn phát huy hiệu quả. Vaccine chỉ không có tác dụng với những người đã bị ung thư mà thôi.
Đã quan hệ tình dục thì có nên tiêm phòng ung thư cổ tử cung hay không?
Vì vậy, nếu bạn đã QHTD hoặc đã nhiễm HPV nhưng chưa gây ung thư thì vẫn có thể tiêm phòng bình thường. Hiện nay có hai loại vaccine; của Mỹ (1.300.000 đồng/mũi) và của Bỉ (720.000 đồng/mũi), đều tiêm ba mũi trong 6 tháng. Hai loại này đều có tác dụng sinh kháng thể phòng bệnh ung thư cổ tử cung, riêng vaccine của Mỹ có tác dụng phòng thêm bệnh sùi mào gà và mụn cóc sinh dục nên có giá thành cao hơn.
Cả hai vaccine đều có hiệu lực ít nhất 5 năm. Đối với phụ nữ mang thai, nếu trước khi mang thai đã tiêm thì sau khi đẻ xong vẫn có thể tiếp tục tiêm. Bạn có thể tiêm ở tất cả các cơ sở y tế được cấp giấy phép tiêm phòng, hoặc đến tiêm tại Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế, 135 Lò Đúc, Hà Nội.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, bé gái từ 9 tuổi đã có thể tiêm ngừa ung thư cổ tử cung. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên quan tâm cho trẻ em gái đi tiêm càng sớm càng tốt.