Đưa con đi chơi, coi chừng mắc tay chân miệng
Ngành y tế kêu gọi các gia đình, trường học vệ sinh tay chân, giường chiếu và đồ chơi của trẻ để tránh bệnh TCM. Tuy nhiên, đồ chơi của trẻ ở công viên, khu vui chơi lại không được vệ sinh thường xuyên.
Trong khi đó, do nhân lực mỏng, ngành y tế mới tập trung phòng chống bệnh tại nhà trẻ, mẫu giáo và các hộ gia đình. Còn các điểm vui chơi
giải trí, việc phòng bệnh dường như... bỏ ngõ.
Khu vui chơi “quên” làm vệ sinh
Khảo sát của Đất Việt tại các khu vui chơi giải trí thấy số trẻ em đến chơi khá vắng. Một nhân viên khu vườn cổ tích, nhà bóng của tòa nhà Vincom (Hà Nội) cho biết thời gian gần đây, ngay cả những ngày cuối tuần, số trẻ nhỏ đến chơi giảm nhiều. Khi được hỏi thông tin về bệnh TCM, chị cho hay, cũng đã nghe nhắc nhở phải tăng cường vệ sinh sàn nhà lên hai lần một ngày thay vì một lần mỗi ngày như trước đây. Nhưng việc vệ sinh, khử khuẩn đồ chơi của trẻ thì không được làm thường xuyên. Một nhân viên quản lý trò chơi tại công viên Lê Thị Riêng, TP.HCM cũng cho hay, hàng ngày anh chỉ lau sàn, ít khi lau chùi đồ chơi. Nếu đồ chơi dơ quá, chỉ dùng khăn ướt rồi lau cho sạch. Tại các khu vui chơi như Thảo Cầm Viên, hay các nhà văn hoá của quận, huyện, việc vệ sinh đồ chơi của trẻ gần như là điều “không tưởng”!
Trong khi trước đó, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM từng tiếp nhận điều trị TCM cho một trẻ ngụ tại quận Tân Phú sau khi trẻ đi chơi công viên về. Phụ huynh của bé này, bà L.N.H, cung cấp thông tin với bác sỹ rằng, sau khi đi chơi ở công viên về, con trai bà sốt, nổi ban, bóng nước khắp người. Bà H. cho hay con mình bị nhiễm bệnh từ các đồ chơi tại công viên.
Không vệ sinh đồ chơi nơi công cộng, trẻ dễ mắc bệnh TCM. Ảnh: Trần Bế.
Cứ thấy nốt đỏ là lôi con đi khám
Lo sợ bệnh TCM nhiều phụ huynh lựa chọn cách giữ rịt con ở nhà, không cho đi chơi để phòng bệnh hoặc luôn tay vạch miệng, chân, tay trẻ để kiểm tra nốt đỏ. Anh Hải ở Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, trước đây vợ chồng anh thường đưa cu Tí, 3 tuổi, đi chơi siêu thị, nhà bóng hai lần mỗi tuần. Trước tình hình bệnh TCM, vợ chồng anh thống nhất cấm vận luôn việc đưa cu Tí đến các điểm vui chơi giải trí, đợi đến khi nào dịch bệnh hết mới cho con đi chơi lại.
Mỗi ngày chị Lê Thị Thuần, Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội đều phải lướt mạng mấy lần cập nhật thông tin tình hình TCM. Dường như, nỗi ám ảnh mang tên TCM vẫn còn thường trực trong lòng chị vì bé Dương, 14 tháng tuổi nhà chị đã mắc TCM cách đây hơn một tháng. Chị chia sẻ, “Đọc báo thấy bảo trẻ có thể tái mắc nên tôi càng lo sợ cháu mắc lại do lây từ trường học. Mỗi ngày đón con từ lớp về việc đầu tiên chị làm là kiểm tra miệng, chân tay con có nốt đỏ không rồi đưa con vào rửa tay bằng xà phòng, thay quần áo”. Cùng tâm trạng với chị Thuần, nhiều phụ huynh lo lắng tới mức cứ thấy tay chân trẻ nổi nốt đỏ là tức tốc đưa đến bệnh viện, đến nơi bác sĩ khám mới té ngửa ra là trẻ bị muỗi đốt.
Tăng cường vệ sinh nhà
Chị Tâm ở Phố Huế cho biết nghe thông tin về bệnh TCM, chị và rất nhiều chị em trong phòng đã rủ nhau tự đi mua hóa chất Cloramin B về khử khuẩn, vệ sinh toàn bộ sàn nhà, đồ dùng gia đình và đồ chơi của con.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, người dân không nên hoang mang lo lắng thái quá, việc tự ý phun hóa chất khử khuẩn bừa bãi là không cần thiết. Với gia đình có trẻ mắc TCM chỉ cần báo với trạm y tế gần nhất, sẽ có cán bộ y tế đến tận nhà dân phát hóa chất và hướng dẫn cách khử khuẩn. Với những gia đình chưa có trẻ mắc, để phòng bệnh cách tốt nhất là tăng cường vệ sinh nhà cửa bằng các hóa chất vệ sinh thông thường vẫn dùng hàng ngày, thường xuyên rửa tay cho trẻ và tất cả người trong gia đình bằng xà phòng. Trường hợp này không cần phải khử khuẩn, vệ sinh bằng hóa chất Cloramin B.
Tuy nhiên, vẫn còn có những trường hợp người dân chủ quan, thờ ơ với bệnh TCM. Ngay tại TP HCM, một trong những địa phương được coi là điểm nóng của bệnh TCM ý thức phòng bệnh của người dân lại rất hạn chế. BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM nhấn mạnh: “khi trung tâm đi kiểm tra, phát hiện những hộ dân vùng bệnh được phát Cloramin B nhưng không chịu sử dụng. Còn việc người dân tự giác đến trung tâm y tế dự phòng xin thuốc là rất thấp”.
Đã có 35.623 trường hợp mắc tay chân miệng Ngày 23/8, ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết đến ngày 22/8, cả nước đã ghi nhận 35.623 trường hợp mắc TCM tại 59 tỉnh, thành phố, trong đó 83 ca tử vong. Như vậy, so với tuần trước, số ca mắc đã tăng thêm 3.035 ca, thêm 2 trường hợp tử vong và lan rộng ra thêm 7 tỉnh, thành phố.
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Đất Việt, tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm cho biết, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã gửi công văn yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục tập trung phòng chống dịch TCM tại các trường học mẫu giáo, nhà trẻ, nhà giữ trẻ tư thục. Theo đó, 100% các cơ sở này sẽ được phát miễn phí ít nhất 2kg Cloramin B kèm theo hướng dẫn sử dụng để vệ sinh lớp học, bàn ghế, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Các đợt phát miễn phí sẽ tiếp tục từ này đến hết cuối năm 2011.
Còn Trung tâm y tế Dự phòng Hà Tĩnh cho hay, chỉ trong vòng, 10 ngày, trên địa bàn đã có 13 trường hợp trẻ em từ 5-6 tuổi mắc bệnh TCM. Ổ bệnh xuất phát tại huyện Cẩm Xuyên và chủ yếu tập trung ở trẻ em của xóm Mỹ Hòa, xã Cẩm Hòa, Cẩm Xuyên. Hiện các cơ quan chức năng Hà Tĩnh đang ra sức dập dịch bệnh.