Mệt, vì sao?
linhcvkt > 01-17-2011, 08:42 AM
Theo nghiên cứu gần đây của giới y học Mỹ, phái nữ hay cảm thấy mệt mỏi hơn nam giới. Ở nước ta hiện nay, qua thông ...
Mệt vì… đẹp!
Có nhiều nguyên nhân gây mệt… muốn chết! Nguyên nhân đơn giản nhất là cơn mệt mỏi do gồng mình mang đôi giày cao gót nhằm tạo dáng dấp điệu đàng. Khi lạm dụng giày cao gót, chủ nhân sẽ bị đau lưng, nhức chân, những triệu chứng mà bác sĩ, nếu ít kinh nghiệm khó lòng tìm ra nguyên nhân. Các BN này thường được chẩn đoán là suy nhược cơ thể.
Một nguyên nhân khác cũng gây mệt mà ít ai nghĩ đến là dùng trà giảm béo. Nhiều người sau ba ngày dùng trà giảm béo thấy chân tay rã rời, đầu óc quay cuồng… Một nguyên nhân khác là công việc quá tải. Để có học vị cao hơn, nhiều người ra sức vừa học vừa làm mà không chú ý gì đến sức khỏe bản thân. Căng thẳng quá sức, cơ thể sẽ “đệ đơn” bằng các dấu hiệu: mệt, hồi hộp, mất ngủ… Sự lo lắng thái quá, thần kinh căng thẳng khiến mất ngủ cũng dẫn tới kiệt sức.
Mệt vì bệnh
Hiện nay, ở các nước công nghiệp, nơi có nhịp sống hối hả, đã xảy ra hội chứng có tên “mệt mỏi kinh niên”. BS Nguyễn Ý Đức, làm việc tại bang Texas (Hoa Kỳ) cho biết, hội chứng “mệt mỏi kinh niên” (Chronic Fatigue Syndrome) là tình trạng mệt mỏi kéo dài quá sáu tháng, gây ảnh hưởng xấu tới sinh hoạt hằng ngày và không do một bệnh nào về thể xác gây ra. BN thường ở tuổi từ 20 đến 50, tỷ lệ mắc bệnh này ở nữ cao hơn nam, đặc biệt, bệnh hay xảy ra ở những người có kinh nguyệt không đều. Mệt mỏi là triệu chứng chính (100%), ngoài ra còn có một số “hàng khuyến mãi” như: nhức đầu, khó tập trung suy nghĩ, đau họng, nhức cơ, đau khớp, khó ngủ, sụt cân (có người lại tăng cân)…
Muốn biết mình có bị bệnh hay không, cần theo dõi các dấu hiệu sau: bệnh trầm trọng đến nỗi dù nghỉ và ngủ vẫn không thuyên giảm; mệt mỏi do làm việc hay tập luyện quá sức; mệt mỏi ảnh hưởng tới mọi công việc hằng ngày; mệt mỏi không phải do bệnh tật nhưng kéo dài liên tục.
Bác sĩ Đức khuyên: “Khi mệt mỏi kéo dài cả tháng mà không bớt thì cần đi khám”.
Để không còn mệt
Điều trị hội chứng “mệt mỏi kinh niên” rất khó khăn. Vì thế, ngay khi cảm thấy mệt, bạn cần “đánh đuổi” nó ra khỏi cơ thể ngay. Có nhiều cách, đầu tiên là “kiểm điểm” chế độ làm việc, sinh hoạt, nếu quá “căng”, nên tạo điều kiện làm “chùng” lại. Cách tốt nhất là bỏ bớt những gì không cần làm ngay. Kế đến đưa chế độ ăn lên “mổ xẻ” xem đã “nạp” đủ bốn nhóm thực phẩm và hợp lý chưa. Sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng cũng dẫn đến mệt mỏi kéo dài.
Theo BS Đặng Văn Mon - Trung tâm Chẩn đoán y khoa TP.HCM thì 100% BN bị mất ngủ sẽ mỏi mệt về tinh thần lẫn thể xác. Ngủ sâu, đủ thời gian sẽ làm tan biến cơn mệt mỏi. Vì vậy có người cần ngủ sáu giờ, có người lại cần 8-10 giờ. Trung bình người lớn nên ngủ từ 7-8 giờ mỗi ngày. Không nên kháng cự lại cơn buồn ngủ hoặc chống lại nhu cầu nghỉ ngơi của cơ thể.
Cần để công việc ở lại cơ quan và để mọi lo lắng bên ngoài phòng ngủ. Tập quên những buồn lo để có giấc ngủ ngon. Sau giấc ngủ ngon, mọi mệt mỏi của cơ thể không còn, công việc sẽ được giải quyết sáng tạo hơn, bạn sẽ vượt qua khó khăn dễ dàng hơn.
Đi đổi gió, nghỉ ngơi vào ngày cuối tuần cũng là lựa chọn tốt để tránh mệt mỏi. Đôi khi không cần phải đi xa, chỉ cần lên sân thượng ngồi thiền (ngồi xếp chân, thẳng lưng, mắt nhắm, miệng ngậm, hai tay đan trước bụng, tập trung tư tưởng để đạt được trạng thái: mắt không nhìn, tai không nghe, óc không nghĩ), song song đó, nên tập hít thở theo phương pháp dưỡng sinh để giúp bạn cân bằng trở lại.
Theo PNO