17 Năm và 17 ngày
Bụt. > 01-26-2011, 05:43 AM
Tác Giả: Ái Dung
Dù cuộc đời có bao nhiêu biến động đi nữa, ánh mắt đầu tiên mà anh dành cho cô sau mười bảy năm vẫn không hề thay đổi. Tuy nhiên, cô lại không nghĩ thế.
Mười bảy năm trước, vào một chiều giông bão, có hai người bạn đồng hành nép dưới một cái lán tranh cô độc bên đường để tránh cơn thịnh nộ của đất trời.
Con đường trải dài trước mắt, bùn đất lầy lội. Hai bên đồng ruộng mênh mông, lấp xấp nước, không một bóng người. Cơn giông tháng 6 ập tới tựa một người đàn bà quyền uy và ngạo mạn.
Hai chiếc xe đạp quăng chỏng chơ ngoài đường cái. Cô gái với mớ tóc ướt, vừa rũ quần áo, vừa ríu rít cười nói.
Người đàn ông mặc bộ đồ ka-ki cũ chỉ lặng yên hút thuốc. Ánh mắt dịu dàng và trìu mến của anh không rời khuôn mặt cô.
“Đây là đâu anh?” “Đại Điền”. “Đi đường vòng xa quá, hơn cả chục cây số chớ ít gì, mình không lỡ chuyến đò ngang Phú Cốc là đã về Nha Trang từ tám kiếp". "À, có vậy em mới biết thêm những con đường và nhiều vùng đất mới".
"Thôi đi anh, nếu đi thám hiểm thì cũng không đi bằng hai chiếc xe đạp cọc cạch này đâu. Ô, anh có nhìn thấy vệt gì đỏ rực ở ngay trên sườn núi không? Hình như mái ngói mới thì phải!".
"Cô giáo cận thị à, hàng phượng đỏ đó".
"Em chưa thấy phượng mọc tự nhiên trên núi".
"Tức là em cũng chưa đến đó phải không?".
"Hừm, em chưa phải lên núi làm rẫy đốt than đâu".
Mưa ngừng đột ngột. Người đàn ông nhìn trời, nhìn đồng hồ, trầm ngâm: "Có thể được đấy, bây giờ em có đi đến đó cùng anh không?”.
"Đi đâu?".
"Không phải em vẫn ước được viếng am Chúa trên núi Đại An sao?".
"Em đi với!", cô gái reo lên sung sướng, rũ áo mưa loạt soạt, ào ra dựng xe đạp lên.
Cô chỉ móc cái xách tay vào ghi-đông là xong. Cô quay đầu lại chờ anh thận trọng cột cuốc, rựa, ga-men và thêm hai cái sọt đầy ắp chuối, mít, đu đủ, khoai mì.
Đường lên am Chúa khá quang đãng. Họ tìm được nơi gửi xe, vượt qua mấy chục bậc tam cấp bằng đá mới đến cổng.
Ngay trước khuôn viên, mấy gốc phượng già đang vươn tán, bung nở chói chang giữa ngàn xanh. Thấp thoáng trên cao, ngôi chánh điện khiêm tốn.
Cô thầm thì: "Ngại quá, em chưa đi lễ chùa bao giờ".
Cửa đền rộng mở, hai người đi vòng vòng chung quanh, đọc kỳ hết văn bia được dựng lên ở các miếu thờ phía ngoài.
"Em đã thấy những ruộng dưa trên đường mình lên núi. Lẽ ra người ta phải cắm biển giới thiệu rằng thời thiếu nữ của nữ thần Thiên-Y-A-Na đã từng chịu nắng mưa ở đất này. Đây cũng là nơi bà giáng trần. Dòng sông đã đưa khúc trầm hóa thân của bà ra biển lớn phải không anh?”.
"Ừ, rồi từ biển lớn, bà tìm về dòng sông quê mình. Bao đời nay, Tháp Bà Ponagar bên sông Cái vẫn nhìn ra cửa biển, trấn giữ thái bình...".
Họ xin được vào lễ Bà. Ông trị sự trang nghiêm: “Cô chú mỗi người thắp tám cây nhang, tới tám bàn". Cô lúng túng đi theo anh.
Anh đứng bên cô, chắp tay trước ngực thành khẩn. "Mình cũng phải cầu xin điều gì chứ” - cô thầm nghĩ.
Một phút trôi qua, cô cũng làm y hệt anh. Cô không biết rằng, đây là lần đầu tiên người đàn ông bên cạnh cô quỳ trước đấng thiêng liêng để cầu xin một phép lạ.
*
Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, Tâm nhận quyết định về một ngôi trường nhỏ ven sông thuộc huyện Diên Khánh, cách Nha Trang 18 cây số. Hằng ngày, từ 5 giờ sáng, Tâm đã phải đạp xe đi. Mùa đông năm đầu tiên rét cóng, đến được bến sông, tay chân, mặt mũi cô dường như đông cứng lại.
Cũng ở cái bến sông này, Tâm nhiều lần ứa nước mắt, thấm thía câu nói: "Muốn qua sông phải lụy đò".
Có lần Tâm về trễ, gặp đêm tối trời, gió lành lạnh, cô cắm cúi đạp xe.
Vài gã thanh niên ngông cuồng rú ga xe máy vọt lên, ép sát một bên làm Tâm mấy lần suýt xuống ruộng.
Linh tính báo cho cô biết, hình như cô đang bị một tay đi xe đạp kèm sát từ lúc rời khỏi bến đò.
Ban đầu cô không để ý, vì vào giờ khắc này, trên đường vẫn còn nhiều người qua lại. Song những thanh âm kẽo kẹt phát ra từ cái xe ấy khiến cô không nén được tò mò.
Đó là một chiếc xe đạp đòn giông không vè chắn, gồng gánh nào cuốc, rựa, thúng, mủng, bao tải. Chủ nhân của nó là một người đàn ông trẻ, ăn mặc theo kiểu dân làm rẫy không chuyên. Đôi mắt sáng của anh nhìn cô thân thiện.
Tâm ngơ ngác, dường như cô đã gặp anh ở đâu đó. Bất giác, cô cũng nhoẻn miệng cười lại. Tay lái của cô bỗng chao đi vì một cái ổ gà nằm chễm chệ trên đường.
"Trời tối, cô giáo phải cẩn thận đó nghe".
"Ủa, nhưng anh là ai?".
Người đàn ông cười nhẹ: "Tôi làm bảo vệ cho cô lâu nay mà cô không biết sao?".
Tâm rất đỗi ngạc nhiên.
Sau này nhắc lại, Phục nói: "Lúc đó anh không có ý định làm quen vì mặc cảm thân phận, nhưng ánh mắt và nụ cười của em trong trẻo quá".
Họ quen nhau giản dị như thế. Phục làm rẫy ở khu kinh tế mới Đất Sét, cách trường Tâm dạy hơn 5 cây số. Gia đình, vợ con anh ở Nha Trang. Một tuần, anh về nhà được đôi ba lần.
Phục là luật sư của chế độ cũ, chưa hết thời gian tập sự đã chịu cảnh thất nghiệp. Vợ anh là cô nuôi dạy trẻ. Con gái đầu lòng của họ mới lên hai. Tổ ấm gia đình anh thực sự là thiên đường thu nhỏ.
Từ đó, mỗi buổi chiều về nhà, Tâm thường thấy Phục chờ sẵn dưới bến đò. Đi bên anh, cô cảm thấy tin cậy.
Phục cũng thường kể về vợ con anh. Chị là tiểu thư con nhà giàu, đem lòng yêu chàng gia sư mồ côi, học giỏi và đầy nghị lực. Bé Nâu là kết tinh của một tình yêu chân thành.
Phục đúng là mẫu người đàn ông lý tưởng của gia đình. Có lần nhìn thấy anh chở một bó lá sau xe, Tâm tò mò hỏi. Phục cười: "Lá để chằm nón".
Cao hứng, anh giảng cho cô một bài về nghệ thuật làm nón ở quê anh. Tâm háo hức: "Nhớ làm cho em một cái nhé!".
Thỉnh thoảng, Tâm cũng ghé ăn với gia đình Phục bữa cơm, dắt bé Nâu đi chơi. Chị Trinh, vợ anh, là một phụ nữ nhiệt tình và chu đáo. Chị xem Tâm như đứa em gái nhỏ cần sự chăm sóc chở che.
Tâm nghĩ họ hạnh phúc biết chừng nào. Đôi khi cô thấy mình có lỗi và mơ hồ nhận ra mình đang phạm phải một sai lầm nào đó.
Nhưng Tâm tin vào bản chất hướng thiện trong con người cô.
Trong mắt Phục, cô hãy còn trẻ con lắm. Anh vẫn tự nghĩ: “Mình không phải con người lãng mạn”.
Anh thù ghét sự phản trắc, chung chạ và chưa bao giờ dành sự quan tâm của mình đến một người phụ nữ nào khác ngoài vợ con. Cái đẹp thể xác của người phụ nữ đối với anh hoàn toàn phù phiếm và giả tạo.
Thế nên Phục không thể nào hiểu nổi vì sao hình ảnh của Tâm khi vừa thoáng gặp đã gieo vào anh một sự rung động mãnh liệt đến vậy. Mãi mãi, Phục vẫn không quên giây phút gặp Tâm lẻ loi ngồi chờ đò trên bến sông vắng giữa bóng chiều.
Cô như tách khỏi thực tại, không ăn nhập gì với thế gian, mông lung đắm chìm vào cõi riêng tư của mình.
Sự mỏng manh của cô gái trước dòng sông màu rêu thẫm cuồn cuộn chảy xiết và những bụi tre um tùm gai góc cứa vào lòng anh một nỗi xót xa kỳ lạ.
Không ai dám gọi tên tình cảm của mình.
Tâm vẫn cứ là cô em gái nhỏ hồn nhiên của vợ chồng Phục. Và họ cứ mong cuộc đời mãi mãi êm trôi như thế.
Đôi khi trước ánh mắt nồng nàn đăm đắm của anh, Tâm quay đi khóc thầm. Nhưng những giọt nước mắt tan đi rất nhanh, như mưa bóng mây vậy.
*
Hai năm sau, Phục nhận được lời mời về làm việc tại một cơ quan lớn ở TPHCM. Công việc phù hợp với chuyên môn của anh và khả năng thăng tiến rất cao.
Cả gia đình nhỏ của anh sẽ cùng đi theo. Tâm đến giúp vợ chồng anh thu dọn nhà cửa. “Hẹn gặp lại!”, bé Nâu òa khóc trong tay Tâm: “Cô Tâm, cô đi với Nâu!”.
Chỉ có người lớn là tươi cười rạng rỡ, chúc nhau may mắn, thành đạt. Tâm biết làm gì hơn. Họ đã đi rồi.
Ánh mắt của Phục vẫn bỏng rát, thiết tha. Nó nhấn chìm Tâm trong nỗi đau đớn. Cả hai đều biết rằng họ không thể nào quên nhau, nhưng không ai dám nghĩ đến ngày gặp lại.
Và cuộc đời có bao nhiêu biến động đi nữa, ánh mắt đầu tiên của Phục sau mười bảy năm dành cho Tâm vẫn không thay đổi. Họ gặp lại nhau không bất ngờ, cũng chẳng tính toán, cứ như là cuộc đời vốn phải như thế, có tan có hợp.
Họ đã kịp biết đôi điều về nhau và cùng tự hỏi: “Phải chăng đây cũng là sự sắp đặt trớ trêu của đấng tối cao”.
Sợi dây ràng buộc ngày xưa đã đứt. Phục ghì chặt Tâm trong vòng tay, hôn lên khuôn mặt đẫm nước mắt của cô. "Em, em à, em có biết là anh đã yêu em từ cái nhìn đầu tiên cách đây 17 năm không?".
Tâm im lặng, nuốt đắng cay vào lòng. Thế là cuối cùng, điều đó đã được thốt ra từ chính miệng Phục. “Em nói đi, em nói yêu anh đi!". Tâm chỉ biết gật đầu, lắc đầu, rồi ngoảnh đi nơi khác.
“Em có biết ngày ấy khi cùng vào làm lễ ở am Chúa, anh cầu xin điều gì không?”.
Tâm mở to mắt nhìn Phục. Anh thì thầm bên tai cô: “Anh khấn rằng nếu Bà linh thiêng thì cho con được đời đời kiếp kiếp ở bên cạnh người con gái này. Nếu kiếp này không được, kiếp sau xin cho cô ấy làm vợ con”.
Tâm lau nước mắt, phì cười: "Còn em thì ngược lại, em nói là Bà ơi, con là người lớn lên trong am điện, nhưng sao con chẳng có đức tin gì cả. Có gì xin Bà chỉ bảo, đừng quở phạt con".
Phục cười hì hì, vẫn cái nét hiền lành nhẫn nhịn của ngày nào. "Em yêu, anh yêu em lắm, em là của anh!". Phục nhắc đi nhắc lại một cách say mê và đầy dứt khoát.
Phục quanh quẩn bên cô hết thời gian cho phép. Anh phải trở về với công việc và hoàn cảnh hiện tại của mình. Tâm biết sẽ không có gì cản trở anh việc tiếp tục tìm đến cô như thế này và chỉ như thế này mà thôi.
Họ đã từng có với nhau những ngày xa xưa rất đẹp và cả mười bảy năm không ngừng mộng tưởng. Mười bảy năm không là của nhau ấy cũng rất đẹp.
*
Rồi Tâm sực nhớ đến kỷ vật ngày xưa bị bỏ quên trên gác xép. Cô bới tung những thứ không tên lên để lôi nó ra ánh sáng.
Tâm không nhầm, nó vẫn còn nguyên vẹn, âm thầm chờ ngày được bàn tay cô vuốt ve. Tâm thận trọng nhấc nó lên tay. Kỷ vật nhẹ bâng mà sao cô cảm thấy như mình đang phải gánh gồng nặng nợ.
Ngày ấy, khi trao cho cô cái nón lá, Phục đùa: “Tình thư một bức phong còn kín". Tâm cũng trả treo lại: "Kín mà hở, nhưng em không thèm mở ra đọc đâu".
Tâm không "đọc" vì có lý do riêng của mình. Cô mang cái nón lá về nhà, thẫn thờ ngắm nó rồi lấy giấy báo gói lại thật kỹ. Khi Phục đi xa, cô cất hẳn nó lên gác xép.
Những lớp giấy báo ố vàng rơi lả tả. Tim Tâm thót lại. Cô lại phạm thêm một sai lầm nữa. Lẽ ra cô không nên bới nó ra. Thật vậy, cái nón lá không còn như ngày xưa nữa, nó nát vụn trong tay cô.
Sau đó, Phục vẫn tiếp tục tìm cách liên lạc, nhưng Tâm không còn để ý đến điều đó nữa. Ngẫu nhiên, họ chỉ có đúng mười bảy ngày để giãi bày những gì chôn kín trong mười bảy năm, rồi lại tiếp tục chia xa. Chỉ có khác một điều, đó là sự chia xa chủ động và tự nguyện.
Mười bảy năm trước, có lẽ Tâm cũng khác bây giờ, Phục cũng vậy.