Bánh Trung thu có thể gây bệnh tim
Sử dụng bánh trung thu không đúng cách có thể dẫn đến nguy cơ bệnh béo phì, tim mạch và tiểu đường, do bánh Trung thu có hàm lượng năng lượng rất cao, lượng cholesterol trong một chiếc bánh truyền thống cao gấp ba ngưỡng cho phép cho một người một ngày – Chuyên gia Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo.
Ít khoáng chất và vitamin, thừa cholesterol
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (NIN), bánh Trung thu truyền thống được làm từ các nguyên liệu giàu chất béo như thịt mỡ, lạp xường, đậu xanh, đường kính, bột nếp. Một chiếc bánh dẻo nhân đậu xanh một trứng có 11g đạm, 11,5g chất béo, 158 g đường, cung cấp 807 kcal. Còn một chiếc bánh nướng thập cẩm 2 trứng cung cấp 1.095 kcal. Tính trung bình, 100 gam bánh chứa 400-550 kcal. Một chiếc nặng 200g chứa 800 – 1.100 kcal. Như vậy, chỉ cần ăn hai chiếc là đủ năng lượng cho một người trưởng thành lao động nhẹ trong một ngày.
Đáng chú ý, lượng đường trong bánh chủ yếu ở dạng hấp thu nhanh nên rất dễ gây tăng đường máu. Bên cạnh đó, nguyên liệu chế biến bánh phần lớn đã qua chế biến hoặc sơ chế nên hàm lượng các khoáng chất, vitamin rất thấp. Trong điều kiện hàm lượng năng lượng cao, hàm lượng khoáng chất và vitamin lại thấp, sử dụng bánh quá nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì. Nhóm nguy cơ cao nhất là những người có thói quen ăn bánh Trung thu liên tục, cả trước, trong và sau dịp Tết Trung thu. Nếu mỗi ngày ăn thừa 500 kcal so với nhu cầu, thì chỉ một tuần sau, thể trọng có thể tăng nửa kg.
Ngoài ra, đối với bánh chứa lòng đỏ trứng gà, hàm lượng cholesterol rất cao. Hai lòng đỏ trứng gà sẽ chứa khoảng 600 mg cholesterol. Cộng thêm lượng cholesterol từ mỡ và thịt là khoảng 800-900 mg, gấp ba lần ngưỡng cho phép trong ngày. Hàm lượng cholesterol quá nhiều gây tác động xấu đến bệnh tăng lipid máu, tim mạch và tiểu đường.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, sử dụng bánh Trung thu một cách khoa học làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, béo phì.
Có bánh Trung thu dinh dưỡng
Để sử dụng bánh không gây nguy hại đến sức khỏe, theo TS.Lâm, phải tính đến tổng năng lượng nạp vào cơ thể một ngày. Nếu sử dụng bánh Trung thu, nên hạn chế khẩu phần ăn từ cơm, chất béo, hoặc thức ăn khác để tổng lượng năng lượng nạp vào cơ thể không tăng đột biến.
Ngoài ra, do bánh Trung thu là sản phẩm tươi nên sử dụng càng sớm sau khi chế biến càng tốt. Khi lựa chọn sản phẩm nên chú ý đến thời gian sản xuất, hạn sử dụng. Và vẫn là câu nhắc nhở cũ mà vẫn mới của nhà khoa học, nên sử dụng sản phẩm của các thương hiệu có uy tín hơn các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Đối với các bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, mỡ máu cao không nên sử dụng các loại bánh chứa nhiều năng lượng, nhiều béo.
Từ năm 2006, Viện Dinh dưỡng tư vấn lựa chọn nguyên liệu và nghiên cứu cho một doanh nghiệp bánh kẹo sản xuất sản phẩm bánh Trung thu dinh dưỡng dành cho các đối tượng mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, máu nhiễm mỡ. Các sản phẩm này sử dụng đường chức năng Isomalt thay cho đường kính, giúp làm giảm một nửa năng lượng và độ ngọt. Sản phẩm cũng được tư vấn sử dụng dầu thực vật thay cho mỡ động vật, bổ sung các hoạt chất sinh học chống lão hóa, tăng cường miễn dịch như lycopen, tinh chất trà xanh EGCG và chất xơ thực phẩm FOS.
Tóm lại, “Sử dụng bánh trung thu một cách khoa học sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch”, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm chia sẻ.