QĐND - Bóng chuyền Việt Nam đang được xã hội hóa mạnh mẽ. Hàng loạt nhà tài trợ, doanh nghiệp thiết tha muốn cùng Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam mở giải đấu mới. Có điều, với cách điều hành còn bất cập, bóng chuyền Việt Nam lại đang đối mặt với không ít khó khăn.
Facebook [url=javascript:void();]
Bóng chuyền Việt Nam: Lợi bất cập hạiTwitter[/url] [url=javascript:void(0)]
0 bình chọn[/url]
Viết bình luận [url=javascript:void(0)]
Lưu bài này[/url]
Trong ngày khai mạc giải vô địch bóng chuyền quốc gia PV OIL 2011, Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam, ông Trần Đức Phấn cho tôi hay: “Hiện có tới bốn doanh nghiệp thiết tha được phối hợp cùng Liên đoàn mở giải mà không thể đáp ứng được, vì không thể huy động lực lượng VĐV, không thể tìm ra thời điểm mở giải, trong khi hệ thống thi đấu chính thức thường niên của môn bóng chuyền đã chật kín lịch”.
Mừng vì bóng chuyền Việt Nam đang được xã hội hóa mạnh mẽ, thu hút được nhiều doanh nghiệp, mạnh thường quân tài trợ. Nhưng việc có quá nhiều giải đấu trong năm, hay luật thi đấu còn bất cập, vô hình trung lại đẩy bóng chuyền Việt Nam vào cảnh rối bời.
Năm 2010, đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam đấu 7 trận ở ASIAD thì thua cả 7. Nguyên nhân được giới chuyên môn chỉ ra là do thể lực VĐV bị cạn kiệt, do trước đó phải thi đấu quá nhiều giải, rồi chỉ có ba tuần huấn luyện trước khi sang Quảng Châu -Trung Quốc tranh tài.
Chính ông Trần Đức Phấn cũng thừa nhận: “Nếu xây dựng được hệ thống thi đấu hoàn chỉnh, đồng bộ thì một năm, bóng chuyền Việt Nam có thể tổ chức gần mười giải đấu chứ không phải chỉ năm, sáu giải như hiện nay. Vấn đề là phải có sự sắp xếp, phối hợp khoa học, đồng bộ, phải làm từ gốc rễ, có kế hoạch phát triển mang tính dài lâu”.
Tuy nhiên, khúc mắc lớn nhất của bóng chuyền Việt Nam trong năm 2011 lại đến từ việc chuyển nhượng VĐV. Trong quy chế chuyển nhượng VĐV bóng chuyền mới của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam, ở điều 2 (chương I) có quy định trong cùng một năm, một VĐV có thể được chuyển nhượng đến nhiều CLB để thi đấu nhiều giải, nhiều hạng (hạng A, trẻ, vô địch quốc gia) hoặc nhiều giai đoạn của giải (vòng bảng, bán kết, chung kết của giải hạng A, trẻ hoặc các vòng của giải vô địch quốc gia), song chỉ được thi đấu cho một CLB trong một giai đoạn của giải.
Tổng thư ký Trần Đức Phấn khẳng định: “Số lượng trận đấu trong năm của VĐV bóng chuyền Việt Nam quá ít, nên đã hạn chế phần nào quá trình bóng chuyền nước nhà đi lên bán chuyên nghiệp và chuyên nghiệp. Do đó, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam muốn có sự thay đổi trong Quy chế chuyển nhượng VĐV bóng chuyền, để tạo điều kiện cho VĐV có thể thi đấu một năm từ 25 đến 30 trận, giúp VĐV phát triển tốt về mọi mặt”.
Đây là chủ trương tốt của Liên đoàn bóng chuyền với mong muốn giúp VĐV phát triển mọi mặt nhưng đây đó đã bộc lộ sự hạn chế. Chỉ qua giải A1 vừa rồi đã thấy quá nhiều bất cập. Bộ đôi Hữu Hà-Wanchai khoác áo Đức Long Gia Lai hay chủ công Đinh Kiều thi đấu cho đội “đàn em” Sana Khánh Hòa… đã khiến trật tự, thứ hạng giải A1 đảo lộn tất cả.
Nhiều chuyên gia góp ý thẳng với Liên đoàn bóng chuyền rằng, chỉ nên đưa ra quy định cầu thủ hạng dưới mới được thi đấu cho hạng trên, còn nếu cầu thủ hạng mạnh chuyển xuống thi đấu cho hạng dưới thì phải hạn chế số lượng để bảo đảm tính công bằng… Một vài đội bóng nhà giàu với sự tăng cường lực lượng hùng hậu đã khiến trình độ giải A1 giữa các đội chênh lệch cực điểm. Đội nam Cần Thơ đã bỏ giải, dù được ban tổ chức ra sức thuyết phục thi đấu, vì biết rằng có đánh cũng thua, không có cơ hội đua tranh lên hạng.
Trước quy chế chuyển nhượng mới, HLV Bùi Quang Ngọc (Đức Long Gia Lai) đánh giá: “Tôi cho rằng, đây là quy định bất cập. Bình thường, một năm đã có hai giai đoạn chuyển nhượng nên các CLB có thể bổ sung lực lượng cần thiết. Hơn nữa một năm thì đội mạnh thi đấu hai giai đoạn, đội hạng A thi đấu ba giai đoạn, như vậy thì một VĐV có thể thi đấu cho 5 đội bóng khác nhau trong cùng một mùa giải, vậy thì màu cờ sắc áo của CLB nằm ở đâu? Quy định trên sẽ không mang tính xây dựng đội bóng. Một VĐV trong một năm có thể thi đấu cho 5 CLB là điều vô lý, mà trên thế giới chưa từng có. Việc một VĐV được thi đấu cho nhiều đội bóng trong một năm có thể đẩy giá chuyển nhượng lẫn tiền lương lên cao, vô hình trung khiến các đội bóng sẽ phải gồng mình cáng thêm một khoản lương, thưởng không nhỏ”.
Về phần mình, HLV Phạm Văn Long (Thông tin Liên việt Bank) tâm sự: “Theo tôi nghĩ, quy định trên chỉ giúp VĐV tăng thêm thu nhập hơn là phát triển về chuyên môn. Muốn VĐV phát triển về chuyên môn thì phải dự nhiều giải đấu có chất lượng ở trong và ngoài nước. Giờ VĐV ở hạng đội mạnh, xuống đánh ở giải A1 thì rõ ràng về chuyên môn là không học hỏi được gì. Đấu giải dễ quá, không phải suy nghĩ gì thì trình độ chuyên môn của VĐV sẽ bị “cùn” đi. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, đội bóng vì mục đích đánh bóng thương hiệu, bỏ tiền ra thuê cầu thủ đánh giải A1, nhưng khi lên giải đội mạnh thì sẽ không có quân vì lúc đó các đội mạnh khác sẽ đòi VĐV về, thành ra sẽ bị động trong khâu chuẩn bị lực lượng. Nếu Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam muốn các VĐV có thêm cơ hội cọ xát, tích lũy kinh nghiệm thì nên tổ chức những giải đấu có chất lượng cao, uy tín. Liên đoàn cũng nên có chiến lược và phát triển đội tuyển bóng chuyền quốc gia mạnh lên mới là điều quan trọng”.
Bài và ảnh: Khoa Minh