Sự kiện CLB bóng chuyền nam Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhận 1 tỷ đồng tài trợ cho nửa mùa giải không làm nhiều người ngạc nhiên. Từ khi có chiến lược xã hội hóa, môn thể thao này đã quen với dòng tiền khổng lồ từ các nhà tài trợ chảy vào. Chỉ lạ là sau những khoản tiền rất lớn ấy, sự phát triển chuyên môn của bóng chuyền Việt Nam vẫn cứ là dấu hỏi.
Bóng chuyền giàu hơn
Sau khi chiếc ghế Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) được trao cho lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, bộ môn này không còn phải nhìn sang bóng đá với sự ghen tỵ. Tiền đổ vào bóng chuyền dù chưa nhiều như bóng đá, song đã là mơ ước của hầu hết các môn thể thao khác trong mặt bằng khó khăn chung. Nhiều người bảo, nhờ dầu khí, bóng chuyền “giàu có” hơn.
Để minh chứng, trước khi CLB Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhận 1 tỷ đồng tài trợ cho nửa mùa giải, thì nữ Bộ Tư lệnh Thông tin đã “mời” được Liên Việt Bank chi khoản tương tự chỉ để ghép tên với mình. Đội Quân khu 5, trước èo uột và đã có lúc tưởng sẽ lụn bại vì thiếu tiền đột ngột trở thành “đại gia” với bản hợp đồng 6 tỷ đồng/3 mùa giải từ Đức Long.
Những trường hợp đột nhiên thấy mình đổi đời sau... một đêm như vậy không hiếm trong làng bóng chuyền. Nó cho thấy tính đúng đắn của chiến lược xã hội hóa của VFV. Nhờ tiền từ doanh nghiệp, hàng loạt đội bóng sẵn sàng cạnh tranh thuê VĐV ngoại đắt tiền. Những giải đấu được tổ chức quy mô, hoành tráng hơn và tạo hiệu ứng truyền thông rõ nét.
Nhưng sau những thay đổi ấy, điểm yếu cốt lõi của bóng chuyền Việt Nam lại chưa được giải quyết.
Bóng chuyền Việt Nam giàu hơn nhưng chất lượng thì chưa phát triển
tương ứng. Ảnh: Minh Hoàng
Hoài nghi “chất lượng”
Xã hội hóa giúp bóng chuyền thu hút dòng tiền của các doanh nghiệp và sống “khỏe” hơn. Nhưng để phát triển thực sự, doanh nghiệp không thể giúp các CLB và dĩ nhiên, tiền cũng chỉ là một trong nhiều yếu tố (chứ không phải tất cả) giúp nâng cấp chất lượng của cả nền bóng chuyền nói chung.
Giải vô địch bóng chuyền nữ châu Á 2009, đội tuyển nữ Việt Nam được kì vọng đã đành lòng nhìn Thái Lan đăng quang ngay trên sân nhà. Cú ngã đau ấy diễn ra khi VFV mới bắt đầu thay đổi cơ cấu lãnh đạo và chiến lược làm việc. Nhưng tròn 1 năm sau thất bại ấy, mọi chuyện chưa có dấu hiệu được cải thiện.
Giai đoạn I giải bóng chuyền VĐQG 2010, hàng loạt cựu binh đã lên “lão” như Kim Thoa (SN 1971), Thu Dung (SN 1975), Hồng Huy, Bé Tư, Trần Thị Hiền (đều SN 1973) vẫn cứ... ầm ầm ra sân và đóng vai trò chủ lực của các CLB.
Bên cạnh các "tre già" ấy, vài "măng cỗi" như Phạm Thị Yến, Ngô Văn Kiều, Bùi Thị Huệ hầu như phải gồng sức gánh vác cho CLB của mình. Một tín hiệu thực sự đáng báo động, khi giải VĐQG hầu như không giới thiệu được gương mặt trẻ sáng giá nào. Người hâm mộ lo lắng trước câu hỏi, phải chăng công tác đào tạo thế hệ kế cận cho bóng chuyền đang bị bỏ lửng?
Thực tế tại giải VĐQG cũng có những đội thể hiện được tầm nhìn và sự chỉn chu trong định hướng phát triển của mình như Vietso Petro (nữ) hay Hoàng Long - Long An (nam). Nhưng số này quá ít và ngay cả trường hợp Vietso Petro, thì đội hình trẻ mà họ giới thiệu cũng không mang lại nhiều niềm hy vọng.
Nói điều này, dư luận càng thêm quay quắt lo cho tương lai phát triển của bóng chuyền. Tiền đang đổ vào nhiều hơn. Nhưng khi đồng tiền chưa được đổ vào công tác đào tạo trẻ một cách tương thích, thì sự hào nhoáng mà BCVN đang sở hữu chỉ là “cái vỏ”, nơi sân chơi không có nhiều tài năng trẻ nội địa. Sân chơi ấy, chỉ là thiên đường cho những ngoại binh, hay ngoại binh nhập tịch hưởng lương cao.
Mai Hương