Bạo lực học sinh
vuthihuong1988 > 01-20-2011, 01:35 PM
Hiện tượng học sinh đánh nhau là một thực tế không mới, những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình sinh hoạt của lứa tuổi hiếu động vẫn thường xảy ra trong các thế hệ học sinh. Nhưng hiện tượng đánh nhau của học sinh ở một số nơi trong thời gian gần đây đã bộc lộ những tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng:
- Tình huống mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau thường không lớn, không phải là những xích mích lâu ngày có tính hệ thống.
- Đối tượng hành hung lẫn nhau có cả nữ sinh, không phải chỉ là những nam sinh ấu trĩ thiếu khả năng kiềm chế.
- Không ít những cuộc đánh nhau của học sinh ngày nay đều có liên quan đến người lớn (phụ huynh hoặc những anh chị hay bạn bè đã nghỉ học) và có vũ khí, nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân nào?
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên, chúng ta có thể ghi nhận những yếu tố cơ bản như sau: đời sống xã hội đang chuyển sang một giai đoạn khá đặc biệt; hệ thống giá trị đang có sự thay đổi; nề nếp cũ thay đổi, nề nếp mới chưa được hình thành; quan niệm về dân chủ, bình đẳng, kỷ cương… chưa có sự thống nhất giữa các thế hệ, giữa các lực lượng xã hội. Phương tiện thông tin phát triển như vũ bão, ảnh hưởng của cơ chế thị trường, xã hội công nghiệp thiếu tính nhân văn diễn ra, nhưng chúng ta chưa có điều kiện và kinh nghiệm đầy đủ để quản lý, định hướng và chế tài hiệu quả. Vấn đề game bạo lực là một minh chứng cụ thể cho thực trạng nói trên. Ảnh hưởng của sự thay đổi xã hội nói trên quá lớn và quá nhanh, trong từng gia đình nếu không đủ trình độ nhận thức, không có nề nếp giáo dục giữa các thế hệ một cách nghiêm túc thì rất dễ xảy ra những bất đồng, bức xúc, không thể đè nén được đã làm ảnh hưởng không ít đến thế hệ con em. Bên cạnh đó, tâm sinh lý lứa tuổi học sinh ngày nay có những thay đổi rất đặc biệt, các em dễ mặc cảm, tự ti, tự kỷ, nhưng cũng rất dễ bộc phát, nổi loạn, thậm chí còn thích khoe quyền lực theo một hệ thống giá trị mà các em tiếp nhận được từ gia đình hoặc trong xã hội… nhưng nhà trường chưa đổi mới kịp thời và đủ sức để giải quyết triệt để tình hình tiêu cực diễn ra.
Trước những nguyên nhân gay gắt như vậy, nhưng tình hình thực tế đã diễn ra khá thuận lợi, những hiện tượng tiêu cực xảy ra chỉ là số ít và tính chất nghiêm trọng mới chỉ là cá biệt, văn hóa dân tộc và nề nếp giáo dục gia đình đang là những tác nhân quan trọng để bảo tồn nề nếp tốt đẹp. Phong trào "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" được phát động trong 2 năm qua cũng là một nhân tố quan trọng góp phần cải thiện tình hình.
Nhà trường cần phải làm gì?
Từ thực tế phân tích trên đây, trong phạm vi nhà trường chúng ta cần có những giải pháp tích cực và hiệu quả, để không ngừng nâng cao môi trường thân thiện, khắc phục triệt để những hiện tượng thiếu văn hóa, bạo lực học đường: phát huy những biện pháp tích cực và hiệu quả đã thực hiện, tiếp tục nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của phong trào xây dựng trường học thân thiện. Cung cấp, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho đội ngũ sư phạm; xây dựng khối đoàn kết thống nhất ý chí, phát huy sức mạnh hệ thống giá trị và làm gương giáo dục học sinh; xây dựng văn hóa học đường, đặc biệt ở lãnh vực giao tiếp, ứng xử trong giáo viên và học sinh. Nhanh chóng đổi mới thiết chế nhà trường, giảm sĩ số/ lớp; tăng thời lượng học tập, hoạt động trong trường cho học sinh; tổ chức lực lượng tư vấn tâm lý trong nhà trường; mở rộng các diều kiện hoạt động, giáo dục toàn diện cho học sinh.
Kiến nghị với xã hội và gia đình
Xã hội cần phải có những chủ trương mạnh mẽ để củng cố nâng cao chất lượng môi trường xã hội, văn minh tiến bộ. Cần có những biện pháp quản lý, ngăn chặn và chế tài hiệu quả những hoạt động có tác hại đến môi trường văn hóa xã hội, đồng thời có những chủ trương khuyến khích bảo vệ và phát huy những hoạt động văn hóa, tích cực. Đề nghị nghiêm cấm hoạt động game show bạo lực. Quan tâm nâng cao hoạt động văn hóa gia đình. Trong từng gia đình, người lớn phải làm gương, giao tiếp ứng xử đúng mực, mạnh dạn lên án và loại bỏ bạo lực ra khỏi đời sống gia đình. Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa 3 môi trường giáo dục. Các cơ quan thông tấn, báo đài phải có sự quan tâm thỏa đáng đối với lãnh vực văn hóa, đạo đức và chấp hành luật pháp của mọi người dân trong xã hội...
Nguồn: mangthai.vn