Đây là nhận định của TS - BS Lê Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM tại cuộc họp giao ban quận huyện về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP được tổ chức vào sáng 8.6.
Theo đó, TPHCM hiện đang phải đối mặt với cả 2 loại dịch bệnh cùng lúc đang tăng đột biến là sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM). Trong đó, số ca TCM tử vong đã tăng lên đến con số 13.
Tay - chân - miệng tiếp tục leo thang
BS Lê Hồng Nga - Phó khoa Chăm sóc và kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TPHCM cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn TP đã có 3.827 ca mắc SXH, tăng 91,6% so với năm 2010, đã làm 1 trường hợp tử vong. Điều đáng nói, số ca mắc SXH đang lan rộng trên toàn địa bàn. Điểm nóng của SXH tập trung ở các quận, huyện có số lượng mắc trên 200 ca là quận 7, 8, Tân Bình, Bình Chánh, Tân Phú, Bình Tân...
Theo nhận định của Trung tâm Y tế dự phòng, số ca SXH trong những tháng tới sẽ tăng vọt vì Nam Bộ đang trong mùa mưa. Nếu không có phương án phun thuốc diệt muỗi thì chắc chắn số ca SXH sẽ bùng phát mạnh.
Các ca tay - chân - miệng đang được điều trị tại TPHCM
Bệnh TCM tại TPHCM những ngày này vẫn tiếp tục... leo thang khi đang ở trong thời kỳ thấp điểm của dịch. Mặc dù TP đã chỉ đạo phun thuốc khử trùng tại các khu vực có nguy cơ cao và tuyên truyền tại các trường học, gia đình có trẻ dưới 5 tuổi, tuy nhiên, số lượng mắc bệnh vẫn ào ào tăng. Trong tháng 4, số ca mắc là 640 ca và trong tháng 5, số ca mắc đã đột biến lên 1.433 ca, tăng 337% so với năm trước. Điều đáng báo động, chỉ riêng trong tháng 5 đã có 7 trường hợp mắc TCM bị tử vong, nâng tổng số ca tử vong kể từ đầu năm đến nay lên đến 13 người.
Các BS khẳng định, đây là bệnh truyền nhiễm không phức tạp và có thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, với số lượng các ca mắc và tử vong quá lớn như vậy có thể đánh giá rằng công tác phòng dịch tại TPHCM quá kém. Một thông tin khác đang gây lo lắng cho người dân chính là trường hợp TCM vừa mới tử vong vào ngày 3.6. Lâu nay, các trường hợp tử vong do TCM đều nằm ở trẻ em có độ tuổi dưới 5, tuy nhiên ca tử vong này lại xuất hiện ở trẻ 13 tuổi. Ngành y tế TPHCM khẳng định, đây là trường hợp trẻ lớn tuổi đầu tiên tử vong vì bệnh này.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Tháng 9.2008, TPHCM cũng đã xuất hiện đỉnh dịch TCM nhưng số ca chỉ có hơn 800 và 6 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, trong tháng 5.2011, số ca mắc TCM lại cao gấp 2 lần và số trường hợp tử vong lại tăng mạnh. Câu hỏi được dư luận đặt ra: Tại sao có sự bất thường như vậy, có phải do độc lực của virus hay công tác dự phòng thực hiện không hiệu quả?
Theo phản ánh của người dân sống tại khu vực phường Tân Phong, quận 7, phường Phước,... tình trạng muỗi xuất hiện dày đặc nhưng vẫn không thấy cơ quan chức năng nào triển khai phun xịt và nhiều gia đình có trẻ dưới 5 tuổi cũng không được phát hóa chất, tuyên truyền về vệ sinh, khử khuẩn tại chỗ. Còn tại quận Phú Nhuận, đại diện y tế quận thừa nhận chỉ mới nhận được thông tin chống dịch lần đầu và không nghe nói thông tin phát hóa chất khử khuẩn(?!).
BS Lê Trường Giang cho biết: “Cán bộ y tế dự phòng quận, huyện có tư tưởng bao cấp hóa chất khử khuẩn từ phía Nhà nước. Công tác chống dịch sai từ TTYTDP đã không làm đúng chỉ đạo và tuyên truyền phương pháp chống dịch: “Vệ sinh hằng ngày, khử khuẩn hằng tuần đối với gia đình có trẻ dưới 5 tuổi”. Ngoài ra, việc khoanh vùng chống dịch không tốt đã dẫn đến dịch lây lan rộng trong cộng đồng”.
Trong cùng một lúc 2 loại dịch bệnh là TCM và SXH bùng phát khiến ngành y tế trước mắt chỉ biết ưu tiên chọn phương án tập trung chống TCM. Cụ thể, TP đã nhập 10.000 gói hóa chất khử khuẩn mới thay thế chất cloramine B truyền thống. Tuy nhiên, theo thống kê thì toàn TP có trên 100.000 hộ có trẻ dưới 5 tuổi. Điều này có nghĩa, số hóa chất nhập về vẫn như muối bỏ bể. TP hiện đã phát thêm 5.000 bình nước javen. Một câu hỏi khác được đặt ra, liệu có phải vì hóa chất không đủ khiến dịch bệnh TCM tại TPHCM tăng và số ca tử vong đang ở mức báo động?
Cần phải tuyên truyền và áp đặt người dân sử dụng hoá chất khử khuẩn truyền thống từ trước đến nay. Nếu chỉ lo tìm hóa chất khử khuẩn mới mà vẫn chưa kiểm chứng tác dụng của nó thì quá phí thời gian chống dịch. Cần phải nói thêm rằng, loại hóa chất khử khuẩn mới mà TP đang phát cho người dân với số lượng nhỏ giọt hiện vẫn chưa có mặt tại các nhà thuốc, chợ...