7 thắc mắc phổ biến của XX về thuốc tránh thai
Cùng chúng tớ tìm hiểu rõ hơn về những viên thuốc này nhé!
1. Sử dụng thuốc tránh thai lâu dài có nguy hiểm không?
Hoàn toàn không. Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, thuốc tránh thai không gây nguy hiểm cho người sử dụng đâu, bạn ạ. Nó không gây vô sinh, cũng không gây ung thư hay bất kì loại bệnh nào khác. Bạn yên tâm rồi nhé.
2. Tụi bạn tớ bảo: uống thuốc tránh thai lâu dài sẽ bị “nam tính hoá”, thậm chí còn mọc cả râu nữa. Thực hư thế nào vậy?
Đây đích thị là lời đồn thổi hoang đường nhất về thuốc tránh thai, bạn ạ. Thuốc tránh thai chỉ chứa hormone sinh dục nữ thì làm sao khiến bạn trở nên nam tính được, càng không thể khiến bạn mọc râu, đúng hem?
3. Tớ mới dùng thuốc tránh thai được 2 tháng và cảm thấy mình béo lên. Có phải thuốc tránh thai gây béo phì không?
Có không ít XX tăng cân sau khi sử dụng thuốc tránh thai, nhưng không phải là tất cả. Và trên thực tế thì thuốc tránh thai không là “thủ phạm” gây ra bệnh béo phì, có chăng thì chỉ là cảm giác ngon miệng mà nó mang lại cho XX thôi.
Vì thế, cách tốt nhất là bạn hãy tự theo dõi tình trạng sức khoẻ cũng như cân nặng của mình. Nếu thấy tăng cân quá nhiều thì có thể ngưng thuốc và chuyển sang dùng một biện pháp tránh thai khác.
Bạn mới dùng thuốc tránh thai 2 tháng mà đã vội “kết tội” cho những viên thuốc tránh thai gây béo phì thì oan cho chúng quá.
4. Thuốc tránh thai có thật sự hiệu quả không?
Bạn nhớ này, không có bất cứ một biện pháp tránh thai nào mang lại hiệu quả 100% cả. Tuy nhiên, bạn vẫn hoàn toàn có thể yên tâm về hiệu quả của thuốc tránh thai nếu tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ.
5. Tớ được biết là nguyệt san sẽ đến vào khoảng thời gian tạm ngưng sử dụng thuốc tránh thai, nhưng sao “chưa đến hẹn” mà nguyệt san đã hỏi thăm tớ rồi?
Đây là hiện tượng thường thấy trong 1 -2 tháng đầu khi XX sử dụng thuốc tránh thai và bạn không nên quá lo lắng.
Nguyên nhân là do “cô bạn” tử cung cần một chút thời gian để làm quen với sự có mặt của hai loại hormone trong thuốc tránh thai í mà. Trong trường hợp này, bạn không nên dừng thuốc, và những tháng sau, nếu nguyệt san vẫn “không hẹn mà gặp” thì hãy hỏi ý kiến bác sĩ nhé.
6. Thuốc tránh thai có làm giảm những cơn đau khó chịu trong những ngày “đèn đỏ”?
Thuốc tránh thai không những làm giảm đau mà còn giúp nguyệt san ghé thăm đều đặn hơn. Do đó, bạn hoàn toàn có thể tính toán được thời điểm “cập bến” của nguyệt san để chuẩn bị kế hoạch “ứng phó” kịp thời.
7. Thuốc tránh thai có “xung khắc” với loại thuốc nào không?
Có đấy, bạn à. Một số loại thuốc có thể làm giảm tác dụng của thuốc tránh thai, đó là:
- Các loại thuốc trị bệnh lao
- Các loại thuốc giảm đau
- Các loại thuốc trị hen suyễn
Nếu bạn đang phải sử dụng một trong các loại thuốc trên thì đừng do dự, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn nhé.