Buôn chuyện có thể là một đức tính tốt
rubiru > 11-01-2013, 01:38 AM
Khi yêu cầu mọi người lập một danh sách về những tội lỗi xã hội thì sớm hay muộn buôn chuyện cũng có mặt. Và nếu mẹ của bạn giống mẹ tôi, bà có lẽ từng nói với bạn rằng nếu bạn không có bất kỳ điều gì tử tế để nói thì bạn không nên nói gì cả.
Nhưng điều gì xảy ra nếu các bà mẹ của chúng ta đã sai?
Trong một loạt nghiên cứu mới, các nhà khoa học xã hội đã giới thiệu một hình thức buôn chuyện thực sự làm con người ta tốt hơn. Hãy tưởng tượng bạn được cho 10$. Bạn có thể cho Joe bao nhiêu tiền bạn muốn tùy thích. Số tiền bạn cho anh ấy sẽ được tăng lên 3 lần, và anh ấy có thể chia sẻ lại với bạn số tiền anh ấy muốn. Bạn quyết định đưa cho Joe 10$, do đó hiện tại anh ấy có 30$. Thay vì chia sẻ chiến lợi phẩm, Joe giữ toàn bộ 30$ cho bản thân anh ta mà không cho bạn đồng nào.
Bây giờ, Lisa sẽ chơi trò tương tự với Joe, và bạn có cơ hội để gửi cho Lisa một bức thư ngắn. Bạn cảm thấy thế nào, và bạn sẽ viết gì?
Trong thực nghiệm này, do nhà tâm lý Matthew Feinberg dẫn đầu, hầu hết mọi người thấy tức giận, 96% số người chọn buôn chuyện về Joe. Họ viết những thứ như “Joe không đáng tin; anh ta chơi vì quyền lợi ích kỷ của riêng anh ta.”
Ban đầu họ rất bực bội, nhưng buôn chuyện làm họ cảm thấy tốt hơn và kết quả là nhịp tim của họ giảm xuống. Các nhà nghiên cứu viết “Chứng kiến cách chơi bất công làm tăng nhịp tim của những người tham gia không có cơ hội để buôn chuyện.”
Thông thường, buôn chuyện là một cách để giành được lợi thế trước người khác. Nó đem đến một mối đe dọa: nếu bạn chơi xấu tôi, tôi sẽ phát tán những tin xấu về bạn. Và bằng cách hạ nhục người khác, chúng ta báo hiệu rằng chúng ta giỏi hơn – và chúng ta đã tiếp cận được thông tin đặc quyền.
Nhưng kiểu buôn chuyện này lại khác. Nó được gọi là buôn chuyện giúp đỡ xã hội (prosocial gossip) và nó bao gồm việc phát tán thông tin tiêu cực về người làm hại, lừa dối hoặc lợi dụng những người khác.
Buôn chuyện giúp đỡ xã hội đến từ những người đánh giá cao sự công bằng. Trong một nghiên cứu của họ, nhóm của Feinberg yêu cầu mọi người đưa ra những quyết định về việc chia sẻ các nguồn lực một cách công bằng, hay là thích tối đa hóa lợi ích của riêng họ hơn. Một vài tháng sau, họ thấy Joe hành động ích kỷ. Họ càng đánh giá cao sự công bằng, họ càng buôn chuyện giúp đỡ xã hội. Nếu bạn quan tâm đến sự công bằng, bạn cảm thấy sứ mệnh của bạn trong cuộc sống là trừng trị Joe – và bảo vệ Lisa. Bạn cảnh báo những người có thể bị tổn thương: Joe có quá khứ lừa dối, vì vậy đừng tin anh ta.
Trong thực tế, 76% số người sẵn sàng tự bỏ tiền của họ để có cơ hội buôn chuyện về Joe. Sau khi được nhận 5$ vì đã tham gia nghiên cứu, mọi người trung bình trả 1.19$ để viết một bức thư ngắn cho Lisa về xu hướng lợi dụng người khác của Joe.
Buôn chuyện giúp đỡ xã hội bảo vệ Lisa trước Joe, nhưng nó cũng ngăn không cho Joe sống ích kỷ. Trong nghiên cứu khác, nhóm của Feinberg cho mọi người biết họ có cơ hội viết thư cho những người sẽ tham gia trò chơi. Điều này không có tác động lên những người đánh giá cao sự công bằng và hào phóng – bất kể điều gì thì họ vẫn chia sẻ những nguồn lực của họ. Nhưng nó làm thay đổi hành vi của hầu hết những người ích kỷ.
Về trung bình, biết người khác có thể phát hiện ra hành vi của họ đã tăng sự đóng góp của hầu hết những người chơi ích kỷ vào khoảng 17-23%. Điều này đã đủ để biến họ thành những người chơi hào phóng. Dưới mối đe dọa của buôn chuyện, những ‘người nhận’ thực sự cho nhiều hơn những ‘người cho’.
Buôn chuyện giúp đỡ xã hội có 3 lợi ích chính: nó cho phép chúng ta cảm thấy mình đang thúc đẩy sự công bằng, nó bảo vệ người khác không bị lợi dụng và nó khuyến khích những người-sẽ-lợi dụng hành động hợp tác và hào phóng hơn.
Điều này không có ý nói việc buôn chuyện luôn luôn là tốt. Trong một nghiên cứu, Shimul Melwani phát hiện thấy nếu bạn buôn chuyện về những thành viên của nhóm bạn, bạn sẽ bị xem là người ít đáng tin và nhóm của bạn sẽ trở nên ít hợp tác hơn. Nhưng nếu bạn buôn chuyện về những người ở nhóm của người khác thì bạn có thể xây dựng được lòng tin, thúc đẩy sự hợp tác. Hạ bệ một kẻ thù chung là một hình thức của sự gắn kết xã hội.
Tôi từng xem việc buôn chuyện như một thói xấu. Nhưng sau khi suy ngẫm về nghiên cứu này, tôi nhận ra rằng buôn chuyện giúp đỡ xã hội có thể là một đức tính tốt. Tôi vẫn thích nói những điều tốt về người khác sau lưng họ, nhưng trong một số tình huống, tôi cảm thấy mình có một trách nhiệm xã hội phải nói lên sự thật. Nếu tôi không cảnh báo người khác về những người lợi dụng và nham hiểm thì tôi sẽ làm họ dễ bị tổn thương trước sự tấn công.
Nguồn
Why I Gossip at Work (and You Should Too)
It sounds like a vice, but gossip can be a virtue
Published on October 31, 2013 by Adam Grant, Ph.D. in Give and Take
PsychologyToday