Cách chi tiêu gia đình hợp lý
cuarem > 07-12-2013, 04:16 AM
1. Ngưng tiêu xài
Nếu bạn vẫn đi làm và kiếm tiền đều đặn như từ trước đến nay, thì cách dễ nhất để trả nợ là hãy tạm ngưng hoang phí. Chẳng hạn, trước khi móc ví đưa cho người bán hàng, hãy nghĩ mình mua món đồ để làm gì, có cần thiết lắm không và sẽ trả nó như thế nào, trong bao lâu. Để có thể sự dụng tiền bạc một cách đúng đắn và tiết kiệm nhất, điều trước tiên và quan trọng nhất là bạn hãy lập một ngân sách hàng tuần. Hãy viết ra tất cả những thứ bạn nghĩ là cần mua trong tuần, gồm thực phẩm, đồ tiêu dùng, quà cáp và tất cả những gì bạn không nghĩ tới cho đến khi bạn tự hỏi không biết tiền bạc của mình biến đi đâu hết?
Kế đó, bạn liệt kê ra những gì thật cần thiết, gồm tiền thuê nhà (hoặc trả ngân hàng), tiền điện, tiền gas, tiền điện thoại… công việc này vừa giúp bạn tiêu khiển thời giờ (lúc trước vẫn dùng để shopping) vừa giúp bạn phát huy các sáng kiến tiết kiệm. Chẳng hạn, ngay khi tự hỏi không biết tiền mình đi đâu, bạn sẽ thấy thay vì ra tiệm ăn trưa, tại sao mình không tự nấu ỏ nhà mang đi làm? Có thể lúc đầu bạn hơi lười nhưng nếu biết rằng chỉ riêng khoản ăn trưa, mỗi năm bạn sẽ để dư ra khối tiền để dùng vào việc khác.
2. Trì hoãn cơn sốt mua sắm
Nhiều người cảm thấy tội lỗi sau khi trải qua một trận… mua sắm đã đời. Thật ra mua sắm cũng là một phương thuốc chữa bệnh (trừ khi không có tiền). Lần sau, khi bị cám dỗ bởi một món hàng nào đó, thay vì mua ngay, bạn hãy tự hẹn để hôm sau. Ngày mai, nếu bạn thấy vẫn còn thích nó, không sao nhưng chắc chắn sự ham muốn sẽ “giảm nhiệt” so với hôm qua và đó chính là cơ hội để bạn tiết kiệm. Khi chắc chắn mình thực sự muốn mua và sẽ mua bằng thẻ, hãy xem lại hạn mức trong tháng và tính xem mình đủ sức trả nợ vào cuối tháng không. Nếu không, đừng mua gì cả.
Nói như thế không phải là bạn ngưng hết mọi… dịch vụ mua sắm. Nếu thực sự cần chiếc áo đấy cứ mua vô tư. Nếu bạn đã có một lô áo ở nhà và mới mặc một lần thôi, hãy nghĩ lại và tìm hiểu lý do tại sao hồi đó mình thích nó. Và lần sau có đi shopping nhớ đừng đi với ai khác nếu bạn không tin mình.
Cách chi tiêu "liệu cơm gắp mắm" không bao giờ thừa với bất cứ ai. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
3. Bán bớt
Trong kinh tế, có mua thì có bán, cán cân mới thăng bằng. Ý nghĩ bán đi món gì đó có thể làm bạn đau lòng nhưng nếu muốn có ngay một món tiền còm (để mua thứ khác) không gì bằng tổ chức một cuộc thanh lý đồ cũ. Để đảm bảo thành công bạn cần tổ chức hẳn hoi. Hãy soạn ra những món đồ cần bán từ vài năm trước và dậy sớm vào ngày muốn thanh lý. Bạn cũng đừng khó khăn quá khi đánh giá phẩm chất của món hàng, cũ người mới ta, những thứ bạn chê hoặc nghĩ là tầm thường sẽ trở thành “hàng độc” của người nào đó.
4. Tằn tiện
Bán và không mua gì cả vẫn chưa đủ, bước kế tiếp là bạn phải biết tằn tiện. Chẳng hạn, thay vì mỗi chút lại móc di động ra, hãy dùng điện thoại bàn. Về điện (và gas), bạn có thể tiết kiệm đến 40% tiền hóa đơn mỗi năm bằng cách hàn kín khe hở của cửa phòng, cửa sổ và cửa ra vào, kéo kín màn ban ngày trong mùa hè để tránh nóng và ban đêm trong mùa đông để giữ nhiệt. Siết chặt các vòi nước và lắp loại vòi sen tiết kiệm nước, thay bóng đèn tiết kiêm điện – tất cả những động tác đó sẽ giúp bạn bớt… hao ví đấy.
5. Gộp nợ
Nếu bạn có nhiều tài khoản vay mượn, cách tốt nhất để quản lý và thanh toán là quy chung vào một mối. Biện pháp này rất tiện vì bạn chỉ phải trả một món nợ thay vì “nhìn đâu cũng thấy nợ”. Điểm quan trọng bạn cần nhớ là không cách giải quyết nào là phép lạ trừ chuyện xài tiền một cách khôn ngoan và tìm ra cách quản lý tiền bạc tốt hơn, chẳng hạn kế hoạch để dành tiền nào tốt nhất hoặc cách trả như nào nhanh nhất.
6. Tích tiểu thành đại
Như đã nói trên, nếu bạn tiết kiệm mỗi thứ một ít, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều. Nhưng trong tiêu xài, trong khi bạn nghĩ tiêu “chút chút” không sao, rõ ràng nhiều cái “chút chút” sẽ… có sao. Vì thế, mỗi ngày nhớ niệm chú câu “tôi không muốn mắc nợ, tôi không muốn mắc nợ” và bạn sẽ thấy mình vui vẻ xài đồ hiệu… không tên tuổi, đi xe buýt thay vì nhảy taxi và cuối năm thong thả đi nghỉ mà không phải nghĩ tới nợ nần.
Nói tóm lại, các biện pháp nói trên không ép bạn phải thắt lưng buộc bụng mà chỉ hướng dẫn bạn cách xài tiền một cách khôn ngoan, tiết kiệm có hiệu quả và vẫn dư tiền rủng rỉnh để đi shopping trong mùa khuyến mại.