Không lạ gì việc nhiều trường đại học y dược đã “nâng cấp” bệnh lý do stress thành một khoa riêng biệt hẳn hoi.
Xem thường sao được khi stress rõ ràng là đòn bẩy của nhiều bệnh chứng nghiêm trọng, từ đau đầu kinh niên bước qua suy nhược thần kinh cho đến cao huyết áp.
Chuyên gia về stress trên khắp thế giới đã xoay trở đủ kiểu với sinh tố này, khoáng tố kia nhưng vẫn chưa có giải pháp nào đáng điểm 10 trong “kỳ thi” về phương tiện chống stress.
Đáng tiếc vì đa số các nhà nghiên cứu cứ tập trung vào chuyện lên non tìm thuốc nên quên giải pháp nhiều khi rất gần. Trong chiều hướng đó, GS Davis Wartburton ở Đại học London (Anh), chuyên gia về các loại thuốc ảnh hưởng trên tâm lý, đã công bố một kết quả gây nhiều ngạc nhiên lẫn hứng thú. Đó là tác dụng hóa giải stress của giờ giải lao, mà cụ thể là “ngồi lê đôi mách” những chuyện tầm phào vô bổ vô hại bên tách trà, miếng bánh ngọt.
Nếu tưởng đây chỉ là chuyện phỏng đoán theo kiểu tin khí tượng không nắng ắt mưa thì nhầm. Dữ liệu thống kê của Wartburton đã đúc kết từ công trình nghiên cứu với hơn 5.000 đối tượng từ nhiều công ty, cơ xưởng ở 16 nước châu Âu. Qua đó đã chứng minh là thuốc chống stress đắt tiền cách mấy vẫn thua xa tán gẫu quanh mâm trà bánh giữa giờ, cho dù chỉ với trà bình dân, bánh rẻ tiền.
Để giải thích cho tác dụng tuyệt vời của giờ giải lao, nghĩa là phải làm sao giải trí thay vì tiếp tục lao động, Wartburton cũng đã xác minh là không chỉ huyết áp mà ngay cả chức năng tư duy của nhóm có bánh kẹo, trà, cà phê giữa giờ cũng được cải thiện thấy rõ nếu so với nhóm không được nghỉ, hay tuy có nghỉ nhưng không được tán gẫu. Rõ hơn nữa là số ngày nghỉ việc trong năm vì bệnh của nhóm “bà tám” chỉ bằng 1/3 số ngày vắng mặt của nhóm đối chứng không có giờ nói chuyện trời trăng mây nước.
Cũng theo Wartburton, tiêu chí đơn giản để nhận ra mình đã nằm gọn trong tầm nhắm của stress hay chưa chính là cảm giác mỏi sau gáy trong lúc làm việc. Khi đó nên mạnh dạn giải lao. Wartburton cũng vì thế cổ động cho hình thức nghỉ giữa giờ tối thiểu hai lần trong suốt buổi làm việc, mỗi lần không dưới 15 phút, lâu hơn càng hay.
Nhà nghiên cứu này cũng đã dẫn chứng là “chủ” không thiệt hại gì hết nếu cho “thợ” nghỉ thường xuyên như thế, vì nếu tính toán chi li vẫn tránh được cảnh nhân viên thay nhau nghỉ bệnh. Đó là chưa kể đến chuyện nhân viên tuy có mặt tối đa nhưng hiệu năng làm việc thì tối thiểu.
Cuộc đời đằng nào cũng là bể khổ. Bơi hoài tránh sao không vọp bẻ. Tại sao không vớ mảnh bè nào đó để thả nổi ít phút dưới trời xanh lồng lộng cho bớt cay đắng đời người?
Theo BS Lương Lễ Hoàng
Người lao động