Vụ án “thẩm mỹ viện phi tang xác người đi nâng ngực bị tử vong” đang gây bức xúc mạnh khiến báo chí, cư dân mạng phân tích ngược xuôi suốt mấy ngày hôm nay.
Mọi người tập trung lên án tay bác sĩ, tò mò về tâm lý của một người bác sĩ mà nỡ phạm tội ác như vậy. Nhưng nếu tay bác sĩ là người trực tiếp khiến người phụ nữ ấy tử vong thì chắc chắn phải kể tới tên sát nhân giấu mặt: bệnh thích/nghiện “phẫu thuật thẩm mỹ”.
Nhu cầu muốn đẹp hơn là một chuyện rất con người, ai cũng mong muốn mình càng ngày càng trẻ và đẹp. Vậy nên ngành Phẫu thuật thẩm mỹ đã ra đời để giúp con người thỏa mãn ước muốn chính đáng đó. Trong nhiều trường hợp thì phẫu thuật thẩm mỹ quả thực đã giúp con người trở nên yêu đời và tự tin hơn trong cuộc sống. Nhưng lòng tham của con người thì khó đo độ nông sâu, đã giàu càng muốn giàu hơn mà càng đẹp thì lại muốn đẹp hơn nữa. Vậy nên mới hình thành căn bệnh của thời hiện đại mang tên chứng nghiện phẫu thuật thẩm mỹ. Mở máy tính lên, search google là bạn sẽ thấy hàng triệu kết quả nói về những người phụ nữ và cả đàn ông mắc căn bệnh này.
Họ có thể là người nổi tiếng hoặc không nổi tiếng (nhưng bây giờ thì nổi tiếng vì đã trải qua hàng chục, hàng trăm cuộc phẫu thuật thẩm mỹ) và đều sở hữu một dung mạo 99% là sản phẩm của dao kéo. Thậm chí, bạn còn có thể chứng kiến hẳn quá trình biến đổi gương mặt của họ theo thời gian mấy chục năm để tiện bề so sánh. Có người đẹp hơn, có người xấu đi nhưng khi có tuổi trông ai cũng mang một gương mặt biến dạng hoặc một thân hình thiếu hài hòa và chịu đựng những đau đớn không đáng có.
Thông tin đầy rẫy, những bài học nhãn tiền thì không thiếu gì nhưng số chị em tìm tới phẫu thuật thẩm mỹ có vẻ chưa bao giờ suy giảm. Có những người may mắn sinh ra đã có được một dung mạo xinh xắn thì cũng lại có những người chịu nhiều hờn tủi chỉ vì ngoại hình. Và phẫu thuật thẩm mỹ trở thành chiếc đũa thần kì diệu mang lại sự tự tin cho những người phụ nữ thiệt thòi khát khao làm đẹp. Phụ nữ mang danh là “phái đẹp”, chịu nhiều định kiến xã hội về ngoại hình hơn đàn ông. Vậy nên việc “phải đẹp” cũng trở thành một sức ép đối với phụ nữ. Nhiều chị em còn mang tâm lý muốn giữ được người yêu/ chồng thì phải đẹp nên càng tập trung đầu tư không tiếc tiền cho việc khiến mình trở thành người “ngực tấn công mông phòng thủ” với gương mặt “thiên thần”.
Nhưng lựa chọn cách thức làm sao để trở nên đẹp hơn lại là một chuyện mà chị em cần cân nhắc. Tất nhiên phẫu thuật thẩm mỹ cũng là một lựa chọn nhưng nó chỉ nên là biện pháp cuối cùng đối với những khiếm khuyết đang gây quá nhiều bất lợi cho sinh hoạt hằng ngày. Những phẫu thuật đơn giản như nâng mũi, cắt mí,… thực ra không đơn giản lắm đâu nếu như trong quá trình phẫu thuật xảy ra những tình huống bất ngờ. Ai mà biết được trong ống thuốc kia có chất gì không hợp với cơ địa, ai mà rõ các dụng cụ phẫu thuật kia thực sự an toàn và thậm chí cái người đang tự xưng là bác sĩ thẩm mỹ chuyên ngành tay nghề cao kia có thực ra là bác sĩ hay không?
Cái đẹp bền vững nhất là cái đẹp tự nhiên. Nếu bạn không có được một cái mũi dọc dừa hay một đôi mắt bồ câu long lanh thì bạn vẫn có thể sở hữu một cơ thể cân đối, một làn da mịn màng, một cuộc sống tinh thần phong phú. Tất cả những điều đó thì một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ không thể đủ cũng như không thể tạo ra được. Chỉ có tập thể dục kết hợp với chế độ ăn nghỉ sinh hoạt cùng các biện pháp chăm dưỡng cẩn thận hằng ngày mới có thể khiến bạn càng ngày càng đẹp hơn về cả ngoại hình lẫn tinh thần. Cộng thêm một chút khéo léo trong cách ăn mặc và những mỹ phẩm chất lượng được đầu tư hợp lý, cam đoan bạn sẽ đẹp hơn mà vẫn là chính mình.
Một chiếc mũi tẹt hay một đôi mắt mí nhỏ, dù có lệch chuẩn mà vẫn hài hòa với gương mặt bạn là đã đủ đẹp lắm rồi. Ai cũng muốn đẹp cả nhưng không phải ai cũng muốn sáng mở mắt ra trong gương lại là một gương mặt toàn silicon với botox. Và người ôm bạn hằng ngày cũng chưa chắc đã khoái ngủ bên cạnh một người mang hai túi nước biển trên ngực. Người phụ nữ đẹp nhất là người phụ nữ luôn tự tin với sự không hoàn hảo của bản thân.
Theo Khám phá