Khi nhịp sống xã hội đang trôi nhanh chóng, nhiều khi người ta cần dừng lại để chuẩn bị cho một khởi đầu mới.
Trong một chương trình radio trên sóng VOV giao thông, người ta có bàn về một “vấn nạn” không quá nghiêm trọng nhưng cũng đang dần trở nên phổ biến ở nhiều loại phương tiện giao thông. Đó chính là hiện tượng nhiều người đi máy bay, hoặc đi xe bus thường chen lấn xô đẩy nhau để ra khỏi máy bay, ra khỏi xe bus nhanh nhất. Ai cũng không muốn mất thêm vài giây “nấn ná” nhưng ít ai nhận ra rằng, thói quen “sống gấp, làm việc gì cũng gấp đó” nhiều khi có thể cướp đi cả mạng sống của họ.
Tôi đã từng chứng kiến một bạn thanh niên bị xe máy đi sát vỉa hè đâm vào khi cố chen đẩy để bước từ xe bus xuống. Hậu quả không có gì đáng lo ngoài đôi chân bị gãy do va chạm quá mạnh. Giá mà bạn học được cách chờ đợi, chịu khó quan sát trước khi bước những bước thật nhanh lên vỉa hè. . .
Ngày còn học lớp 12, chúng tôi được cô giáo dạy môn Văn giao cho đề bài văn nghị luận xã hội chỉ vỏn ven có bốn chữ “cột đèn giao thông”. Trong lớp rộ lên những tiếng cười đùa, bàn tán. Đa phần trong số họ cho rằng đề bài này quá khô cứng và không có tính gợi mở. Tuy nhiên, để có được điểm tốt trong bài kiểm tra, ai cũng cắm đầu vào viết. Mỗi người một ý tưởng. Với riêng cá nhân tôi, bốn chữ giản đơn ấy lại gợi nhắc nhiều điều về triết lý cuộc sống. Có một sự thật ở Hà Nội mà tôi tin rằng hầu hết các bạn đều có thể nhận ra rằng đèn xanh luôn chiếm số giây ít hơn đèn đỏ, nhiều khi chỉ bằng một phần ba, hoặc một phần tư. Đèn xanh cho phép người ta đi qua, đèn đỏ yêu cầu người ta dừng lại, đèn vàng như một cảnh báo nho nhỏ trước sự xuất hiện của đèn đỏ. Nhiều bạn trẻ thường có thói quen vượt đèn đỏ như một thú vui. Họ luôn cho rằng thật lãng phí thời gian khi dừng trước cột đèn giao thông. Đó hoàn toàn là một suy nghĩ sai lầm. Bởi những phút giây chờ đợi ấy sẽ khiến bạn biết quý trọng hơn sinh mạng của mình. Bạn hoàn toàn có thể dính vào một vụ tai nạn nào đó, hoặc đơn giản là bị các chú công an tóm và phải nộp phạt một số tiền không nhỏ. Không quá 2 phút để bảo toàn những gì mình có, và 1 giây để đánh mất tất cả, bạn chọn điều gì?
Cô bạn thân từ hồi cấp 2 của tôi vừa chia tay người yêu hơn 1 năm trước. Lý do vô cùng “nhỏ nhặt” : hai người cãi nhau, hai cái tôi quá lớn, không ai chịu mở miệng làm lành trước. Cuối cùng, cô bạn của tôi “xuống nước” cầu hòa nhưng anh chàng kia không đồng ý. Sự giận dữ nhất thời khiến anh chàng buông những câu nói tàn nhẫn, làm những hành động làm đau chính người mà cậu ta vẫn yêu tha thiết. Và hai người chia tay, dù cô bạn của tôi cố gắng níu kéo, dù ai cũng hiểu rõ người kia vẫn yêu thương mình tha thiết. Một thời gian dài sau đó, hai người không còn liên lạc với nhau. Trong khi anh chàng kia tìm đủ mọi cách để quên cô, chặn facebook, chặn nick yahoo, đổi số điện thoại để rồi tự mình chìm trong đau khổ, thì cô bạn của tôi lại sống hết sức bình thản với ý nghĩ sẽ chờ đợi sự thay đổi từ anh chàng kia. Bởi cô tin rằng, khi tình yêu trong anh đủ lớn, khi anh biết điều gì là quan trọng, cái tôi nổi nóng vô cớ hay tình yêu đã bao năm gìn giữ, anh nhất định sẽ trở về. Mọi người xung quanh nhắc cô quên đi, nhưng cô không ép mình quên, càng không ép mình chờ. Cô chờ, như một phần của cuộc sống, không hề nặng nề. Cô tin rằng thời gian sẽ giúp cô trả lời tất cả. Và mọi thứ đã trở lại đúng quỹ đạo của nó, tình yêu của hai người đó đã được hàn gắn. Trước tới nay tôi vẫn luôn khâm phục khả năng chờ đợi của cô nàng.
Người xưa vẫn nói “Thời thế tạo anh hùng”. Câu đó không chỉ là “kim chỉ nam” đối với các bậc quân tử thời xưa mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa đối với chúng ta trong thời đại ngày nay, khi nhịp sống xã hội đang chảy trôi một cách nhanh chóng. Nhiều khi, người ta cần dừng lại, cần tĩnh tâm lại, để chuẩn bị cho một khởi đầu mới. “Vì cuộc sống là không chờ đợi”, điều đó đúng nhưng chưa đủ. Bởi giá trị của sự chờ đợi không phải ai cũng có thể hiểu hết. Hãy thử đôi lần chờ đợi, đế biết tác dụng mà nó mang lại. Nếu bạn với bạn thân cãi nhau, hãy chờ đợi tới khi hai người bình tĩnh để nói chuyện thẳng thắn với nhau. Nếu bạn chưa thể đạt được mục tiêu đặt ra, hãy biết dưỡng sức trong thời gian đợi chờ. Bạn sẽ trở lại, mạnh mẽ hơn, và “nguy hiểm” hơn rất nhiều! Bạn không tin ư, thử đi sẽ rõ!
Dung Keil - Theo MTO