Tôi đang làm nhà sắp đi vào giai đoạn hoàn thiện. Tôi muốn mỗi phòng có thể bố trí đèn trang trí và chiếu sáng tuỳ tính chất sử dụng, nhưng băn khoăn không biết làm vậy có sai gì về phong thuỷ không? Một ngôi nhà sẽ đạt được sự hài hoà nếu được tổ chức chiếu sáng đúng mức. Có hai nguyên tắc phong thuỷ khi bố trí đèn là chiếu sáng cân bằng âm dương và chiếu sáng hài hoà ngũ hành. Các không gian thuần âm hay thuần dương trong nhà sẽ được bổ trợ tốt hơn nhờ năng lượng ánh sáng. Cụ thể là các vị trí có nhiều đường thẳng, mặt phẳng vuông vức thì thiên về tính dương. Theo tính chất sử dụng thì phòng của nam thanh niên, phòng bé trai hoặc phòng làm việc cũng là những phòng có tính dương nhiều, cần phải được chiếu sáng bổ sung thêm tính âm, đó là các nguồn sáng dịu, vùng sáng tạo ra cong hoặc uốn lượn, ánh sáng khuyếch tán để giảm độ chói trực tiếp. Tính chất phòng càng “cứng” thì càng nên dùng ánh sáng “mềm” để cân bằng khí trở lại. Trong khi đó các phòng có đường nét cong, tròn, vật liệu mềm mại (hoặc phòng của bé gái, phòng nữ giới cư ngụ) ánh sáng bố trí nên tránh “âm thịnh dương suy” quá, tức là bổ sung yếu tố ấm áp, dùng ánh sáng vàng và tươi.
Cần lưu ý, trong nhà thuần tuý để ở luôn cần bổ sung phần tĩnh và âm nhiều hơn so với công trình công cộng hoặc thương mại (vốn cần phần thuần dương và động). Do đó, tính chất chiếu sáng nhà ở không thể “học hỏi” kiểu nơi công cộng (đèn pha chói lọi, chớp tắt hoặc đèn nhiều màu tương phản… đều không phù hợp với trường khí nhà ở) mà cần phải là những ánh sáng gián tiếp, ánh sáng được lọc và khuyếch tán nhờ chụp, nhờ máng. Bên cạnh đó, lối chiếu sáng mờ ảo, lung linh như kiểu “thắp nến” của nhà hàng quán xá vốn là chốn ẩm thực, thiên về tính thư giãn, trong khi nhà ở vẫn cần tính dương trong các sinh hoạt hàng ngày. Việc dùng ánh sáng thuần âm chỉ nên áp dụng vào phòng thờ, những góc thư giãn tĩnh lặng và một vài thời điểm trong sinh hoạt như lúc tiệc thân mật hay góc nghỉ ngơi riêng tư, phòng của người già.
Có thể căn cứ vào tính chất ngũ hành của không gian mà điều chỉnh chiếu sáng. Trong những căn phòng hình vuông, nhiều cửa vuông (tính thổ) cũng như phòng khách và sinh hoạt chung, cần phân bố ánh sáng vừa tập trung vừa phân tán, phối hợp ánh sáng trắng (kim) và ánh sáng vàng (hoả), các góc nhà dùng đèn điểm ánh sáng vàng để tương sinh (hoả sinh thổ).
Trong phòng trẻ em (mang tính mộc) nên dùng đèn có hình dáng vui mắt, uốn lượn theo dạng thuỷ, để thuỷ dưỡng mộc. Những cặp ánh sáng tương phản nhau như vàng – tím, xanh – đỏ (thuỷ – hoả) giúp kích thích trí tưởng tượng và tạo sự hưng phấn tốt cho trẻ.
Đối với phòng ăn là nơi tiếp nạp năng lượng (tính thuỷ và mộc) có thể dùng đèn có tính tròn và vòm cong (mang tính kim) kết hợp ánh sáng tự nhiên để tạo tương sinh với thuỷ mộc, tốt hơn cho không gian ẩm thực. Cách chiếu sáng cần tập trung, rõ ràng nhưng không chói quá.
Không gian tâm linh (như phòng thờ, nơi thiền định) vốn thuộc về hoả và các chiếu sáng điểm (như nến, đèn rọi, đèn bóng nhỏ) tạo ánh sáng đỏ và vàng, cam (hoả – thổ) sẽ rất phù hợp để tạo trường khí tôn nghiêm.
Không gian giao thông và khoảng trống trong nhà như cầu thang, hành lang, giếng trời… cần chú ý yếu tố rõ ràng và ổn định cả ban ngày lẫn ban đêm. Có thể kết hợp chiếu sáng theo mảng với chiếu sáng điểm nhấn tại các góc thay đổi hướng.
Theo SGTT