-
AMD Athlon 3000G – Lựa chọn cho một dàn máy PC bình dân
khanhtrinhnl > 06-28-2024, 07:57 AM
Mặc dù linh kiện dành cho PC không ngừng trở nên mạnh mẽ hơn, với mức giá ngày càng cao hơn, thế nhưng điều đó không có nghĩa là giá các dàn máy PC bình dân phục vụ cho người dùng thông thường cũng trở nên đắt đỏ hơn. Trên một ý nghĩa nào đó, chính sự tiến bộ công nghệ này cũng góp phần đem đến cho người dùng phổ thông những hệ thống PC mạnh mẽ hơn, rẻ tiền hơn, nhưng vẫn dư sức phục vụ đầy đủ nhu cầu sử dụng và học tập hàng ngày.
Giờ đây, chỉ với khoảng 5 triệu đồng, bạn đã có thể tậu cho mình một dàn máy PC phổ thông với “trái tim” là bộ vi xử lý AMD Athlon 3000G của AMD.
Bộ máy giá “mềm” nhất thị trường
Với đa số người dùng phổ thông, một dàn máy PC có khả năng lên mạng, xem phim, nghe nhạc để giải trí hay thao tác với các công cụ Office như Word, Excel và Powerpoint phục vụ cho mục đích học tập thì AMD Athlon 3000G là lựa chọn hàng đầu với mức giá chỉ 1.2 triệu đồng.
Mẫu vi xử lý tầm phổ thông này của AMD sở hữu 2 nhân với 4 luồng xử lý, với tốc độ hoạt động tối đa lên đến 3.5GHz, tương đương một bộ xử lý tầm trung của chỉ một vài năm trước đây. Mẫu vi xử lý này có thể hoạt động cùng giải pháp tản nhiệt khí đi kèm theo trong hộp, nên bạn không cần phải chi thêm bất kỳ khoản kinh phí nào cho mặt này.
Vi xử lý sử dụng socket AM4 với các mẫu bo mạch chủ chipset A320M đã có mức giảm giá đáng kể trong một vài năm qua. Chẳng hạn như mẫu bo mạch chủ MSI A320M-A PRO có mức giá chưa đến 1.3 triệu đồng, nhưng vẫn đầy đủ các khe cắm mở rộng như khe PCIe 3.0 16x dành cho card đồ hoạ, 6 cổng SATA III cho nhu cầu lưu trữ dữ liệu và đến 6 cổng USB 3.2 Gen 1 cho tốc độ truyền tải cao đến 5Gbps. Đó là chưa kể đến giải pháp âm thanh tích hợp Realtek® ALC892/ALC897 Codec và giải pháp mạng Realtek® 8111H Gigabit LAN đáp ứng đầy đủ nhu cầu nghe nhạc và xem phim của người dùng.
Hệ thống này sử dụng các thanh bộ nhớ DDR4 với mức giá đã xuống mức rất “mềm” trong những năm qua, thậm chí chỉ với 600,000đ, bạn đã có thể sở hữu một thanh RAM DDR4 3200MHz đáp ứng nhu cầu cơ bản hàng ngày.
AMD Athlon 3000G sở hữu giải pháp đồ hoạ tích hợp của AMD với tên mã RX Vega 3, chia sẻ một phần RAM hệ thống để làm RAM đồ hoạ, thế nên bạn cũng không cần phải tốn thêm chi phí mua sắm card đồ hoạ rời. Mặc dù chỉ là sản phẩm thuộc phân khúc bình dân, thế nhưng AMD RX Vega 3 cũng là một giải pháp đồ hoạ tích hợp mạnh mẽ, hỗ trợ giải mã H.265/HVEC cho các dịch vụ phim ảnh trực tuyến vơi khả năng xuất hình tối đa độ phân giải lên đến 4K, tương thích hầu hết các mẫu TV kích thước lớn trên thị trường hiện nay.
Ngoài ra, với mức tiêu thụ điện thấp, bạn sẽ không cần đến các bộ nguồn và thùng máy với khả năng tản nhiệt đắt đỏ. Tất cả có thể “gói gọn” trong một ngân sách chỉ xấp xỉ 5 triệu đồng cho một thùng máy PC phổ thông đủ sức đáp ứng mọi nhu cầu giải trí và làm việc của bạn.
Khả năng làm việc và chơi game
Với 4 nhân xử lý và giải pháp đồ hoạ tích hợp AMD RX Vega 3, AMD Athlon 3000G không chỉ đáp ứng được nhu cầu học tập, làm việc và giải trí cơ bản, mà dàn máy này còn có thể xử lý được các phần mềm chuyên dụng và một số tựa game nhẹ nhàng cho mục tiêu giải trí nâng cao.
Các ứng dụng của Adobe như Adobe Photoshop, Adobe Premiere Pro, Adobe Final Cut đều có thể chạy được trên dàn máy này, tất nhiên là với tốc độ và khả năng kết xuất không quá nhanh, chỉ vừa đủ để bạn có thể làm việc với những dự án thông thường, không đòi hỏi những plug-in mở rộng và kịch bản phức tạp. Tất nhiên, nếu là người làm việc chuyên nghiệp với phim ảnh, bạn sẽ cần đến một dàn máy mạnh mẽ hơn và chúng cũng không thuộc phạm trù của bài viết này.
Một số phần mềm học tập và làm việc khác như AutoCAD, DaVincy… cũng đều có thể hoạt động tốt trên dàn PC sử dụng bộ vi xử lý AMD Athlon 3000G, đủ đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc của đại đa số người dùng phổ thông.
Đối với tác vụ chơi game, giải pháp đồ hoạ AMD RX Vega 3 chỉ có khả năng xử lý các tựa game nhẹ nhàng, đơn giản, bao gồm cả các tựa game eSports với mức thiết lập đồ hoạ tích hợp. Với tựa game Counter Strike 2, hệ thống có thể đạt được mức tốc độ xấp xỉ 45fps ở mức thiết lập thấp và độ phân giải 720p, Overwatch 2 có thể đạt được tốc độ 55fps ở thiết lập tương tự, trong khi đó tựa game Valorant có phần nhẹ nhàng hơn với khả năng xử lý tốc độ lên đến 110fps ở thiết lập thấp và độ phân giải 720p, còn League of Legends có thể “chiến” tốt ở 60fps với thiết lập thấp và độ phân giải 1080p.[/font]
Nhìn chung, đây là dàn máy cơ bản cho người mới bắt đầu sử dụng PC với mức giá “siêu mềm”, nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ các nhu cầu từ cơ bản đến nâng cao.