Khi mẹ và vợ đều là... thảm họa!
Một khách hàng nam giới, gọi điện đến chuyên gia tâm lý để xả ức chế, rồi kết luận: Mẹ và vợ là thảm họa của cuộc đời tôi!
Mâu thuẫn vì nuôi con kiểu truyền thống và hiện đại
Anh là con cả trong gia đình có 4 người con trai, bố mất sớm. Mẹ anh rất mực tự hào khi một mình tự nay nuôi những đứa con khôn lớn, khỏe mạnh. Do đó, với bà, việc nuôi dạy một đứa trẻ là “chuyện nhỏ”. Nhưng nó lại không phải là chuyện nhỏ với cô con dâu hiện đại, có thời gian sinh sống ở nước ngoài.
Trong khi bà muốn con dâu cho con bú thì con dâu lại chỉ chăm chăm mua sữa nhập ngoại để con tăng cường chiều cao; bà ra sức ép cháu ăn bột lúc 3 tháng thì cô con dâu kiên quyết để con mình 6 tháng mới đụng đến tinh bột; Trong khi bà muốn đồ ăn dặm phải mặn mòi dễ ăn thì cô con dâu lại chỉ thích mua bột ngũ cốc pha sẵn cho con…
Lấy quyền làm mẹ, bà cứ thế lặng lặng nuôi cháu theo cách của mình trong khi cô con dâu vì bận công việc không thể để mắt suốt ngày. Nhưng hễ thấy bà nấu bột mặn cho con chị lại lén đổ đi, khiến bà nhiều phen tức nổ đom đóm.
Chưa hết, trong cuộc sống hằng ngày, cô con dâu chỉ thích lượn siêu thị mua đồ ăn sẵn, đồ ăn nhanh thì bà thích tỉ mẩn với dưa cà mắm muối, những món cá đồng kho, canh cua mát mẻ. Bà đi chợ về và muốn con dâu học cách nấu nướng; Bà tẩy chay các món ăn sẵn vì sợ ảnh hưởng tới sức khỏe… Cứ thế, mỗi người một ý và họ cãi vã nhau, ra sức trút lên anh con trai đứng giữa.
“Mẹ tôi thì than vãn: Vợ mày đối xử với tao như thế đấy, tao quan tâm đến cháu, dành bao nhiêu thời gian cho cháu nấu bột thế này mà lại đổ đi…; Còn vợ tôi lại cằn nhằn: Con của em chứ con của mẹ đâu mà mẹ đối xử như thế. Đau đầu lắm chị ơi” – Anh tâm sự.
Sau khi lắng nghe khách hàng trút hết mọi nỗi niềm, chuyên gia tư vấn Võ Thanh Giang đặt câu hỏi: Anh đã xử lý như thế nào khi mâu thuẫn nổ ra? Đáp lại chỉ là sự đổ lỗi cho cả hai người phụ nữ, rằng anh là người khổ nhất, anh là nạn nhân chứ không phải người kia. Hai người chỉ lôi anh ra làm tấm bình phong trút giận chứ không ai hiểu anh phải đang chịu đựng những cái gì.
“Tuy vậy, dưới góc nhìn của tôi, tôi thấy rằng người chồng đã chưa thực sự hiểu tâm lý của người vợ, người mẹ của mình. Thực ra họ cũng không phải tạo ra tâm lý đối kháng nhau để trả thù nhau. Xét góc độ tích cực nhất là cả hai đều muốn tốt cho con và cháu mình. Nhưng cách nuôi dạy giữa truyền thống và hiện đại chưa có tiếng nói chung.
Nếu bà nấu cho cháu một nồi bột, cho cháu ngồi dưới đất chơi một lúc… thì bà cũng nên nói cho người con dâu biết một tiếng chứ đừng tự làm. Lúc đó cô con dâu sẽ cảm thấy được tôn trọng và thoải mái hơn chứ không có cái nhìn khắt khe như bây giờ” – Chuyên gia tâm lý Võ Thanh Giang phân tích.
Ngoài ra, theo các nhà tâm lý, người chồng nên tổ chức 1 buổi nói chuyện 3 người để phân tích vấn đề. Bản chất cả hai đều tốt nhưng họ chưa nhìn đúng nguyên nhân mà chỉ nhìn các hành động bề nổi để phán xét, đánh giá nhau. Như thế thật không chính xác.
Vào Ngôi nhà bình yên vì bị mẹ chồng bạo hành
Chị Lê Thị Ngọc Bích, nhân viên tham vấn Ngôi nhà bình yên không thể quên được một trường hợp người vợ phải xin trú ngụ tại tổ chức Ngôi nhà bình yên vì sự can thiệp quá thô bạo của mẹ chồng.
Mặc dù đây là nơi tiếp nhận những ca bạo hành trong gia đình, chủ yếu là do người chồng gây ra, nhưng với chị Thu L (Hà Nội) thì người trực tiếp “xuống tay” lại là mẹ chồng!
Chị về làm dâu trong một gia đình chỉ có mẹ và con trai, anh vốn là một vận động viên, còn mẹ chồng có cửa hàng buôn bán tạp hóa.
Chị L là một diễn viên múa và làm thêm nghề trang điểm cô dâu. Với hai nghề chị có, thời gian làm việc rất thất thường, vì có lúc phải đi lúc 2, 3h sáng, có lúc lại diễn đến 10h đêm.
Mặc dù không trực tiếp cấm chị đi làm, nhưng cả chồng và mẹ chồng đều muốn chị không “ăn bớt” thời gian của gia đình, không làm gì tổn hại đến sinh hoạt chung của gia đình cũng như phải lo con cái chu toàn. Nếu chị vì công việc về muộn thì mẹ chồng sẽ đánh tiếng, thậm chí sang tận nhà thông gia, than thở, kêu ca.
Một thời gian, chị đành phải bỏ công việc, về nhà phụ giúp mẹ chồng và lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Nhưng lúc này, mâu thuẫn mới thực sự nảy sinh, khi bất cứ chuyện gì nhỏ nhặt nhất trong nhà, mẹ chồng đều ca thán con dâu thông qua con trai.
“Thực ra nguyên nhân mâu thuẫn là không có gì nghiêm trọng, nó rất cụ thể, lẻ tẻ nhưng do mẹ chồng can thiệp quá sâu vào cuộc sống 2 vợ chồng, cố tình li gián hai người. Con trai ức chế vì không mắng được mẹ nên đổ lên đầu vợ và nhiều lần không giữ được bình tĩnh, anh đã đánh vợ. Mẹ chồng đứng bên cạnh ủng hộ và nói: Nó láo mày cứ đánh, nó không thể bỏ đi đâu được mà sợ.
Chị L bỏ về nhà mẹ đẻ cùng với con. Nhưng mẹ chồng lôi cả họ hàng đến trước nhà thông gia đòi cháu, chửi rủa ầm ĩ, đe dọa đốt nhà, đánh cô ấy khiến cảnh sát khu vực và 113 phải đến can thiệp.
Một thời gian sau, họ thỏa thuận thời gian để đứa trẻ được ở nhà 2 bên nhưng chị L thường xuyên bị mẹ chồng gây khó khăn, ngăn cản, không có đón con theo đúng lịch. Đồng thời bà cũng thường xuyên sang nhà thông gia, lăng mạ, bêu xấu con dâu, nói là cô ta dối trá, bảo thông gia không biết dạy con và thậm chí đe dọa đến tính mạng để chị ấy từ bỏ quyền nuôi con khiến chị ấy hoảng sợ mà xin trú ngụ tại Ngôi nhà bình yên” – Chị Bích kể lại.
Sau khi điều tra tìm hiểu tình hình, những chuyên gia tham vấn tại Ngôi nhà bình yên đã tìm gặp người chồng và phân tích phải trái trong cách hành xử của anh, và chính người chồng đã phải thốt lên: “Tôi là nạn nhân ở giữa hai người. Vợ và mẹ là thảm họa của cuộc đời tôi!”
Sau đó anh đã đón chị về, kiên quyết ở riêng để cách ly hai người phụ nữ mà anh yêu thương.