Trò chuyện với chàng trai được 8 Đại học Mỹ mời đón
Vừa tốt nghiệp trường THPT Hà Nội – Amsterdam, Trần Hải Châu đã được 8 trường đại học ở Mỹ mời nhập học, trong đó có hai trường cấp
học bổng toàn phần. Hải Châu sắp trở thành tân sinh viên Đại học Brown. Cùng trò chuyện với chàng trai đa tài này nhé!
Họ và tên: Trần Hải Châu
Sinh năm: 1993
Cựu
học sinh trường THPT Hà Nội – Amsterdam
Thành tích: Giải Nhất Olympic Toán học Hà Nội mở rộng; Huy chương Vàng Olympic Toán Singapore mở rộng; Giải Ba kì thi Toán học các vùng Mỹ.
Đạt điểm tuyệt đối 2400/2400 trong kỳ thi SAT II (kỳ thi sát hạch kiến thức ba môn cơ bản: Vật lý, Toán I và Toán II để lấy cơ sở xét vào đại học của Mỹ).
Sắp tới Hải Châu sẽ lựa chọn ngành học gì ở trường Đại học Brown?
Em chọn khoa Khoa học máy tính bởi yêu thích máy tính từ nhỏ. Hơn nữa, môn này đòi hỏi vận dụng nhiều hiểu biết về suy luận toán học và logic. Bên cạnh đó, em học thêm cả khoa Kinh tế. Em nghĩ kiến thức về kinh tế quan trọng đối với tất cả mọi ngành nghề.
Thành tích học tập của Châu thực sự là niềm mơ ước của nhiều bạn trẻ. Châu có thể chia sẻ bí quyểt để thành công?
Thực sự, thành tích của em cũng chưa có gì đáng gọi là “mơ ước” lắm. Em luôn làm việc theo kế hoạch cụ thể và em nghĩ đã hoàn thành tương đối tốt kế hoạch của mình trong những năm qua.
Trần Hải Châu
Bạn bè gọi em là Châu "giỏi toán". Toán học có phải là thứ khiến Châu mất ăn, mất ngủ không?
Anh trai em cũng học chuyên Toán nên em đến với môn Toán từ khá sớm. Tất cả mọi vấn đề của đời sống, em đều nhìn thấy sợi dây liên quan đến toán học. Em chưa đến nỗi mất ăn, mất ngủ vì môn Toán, chỉ thi thoảng... quên ăn quên ngủ thôi (cười).
Trong bài luận gửi trường Đại học Brown, em có đề cập đến mối liên quan giữa tâm lý và Toán học. Hiểu biết về Toán học giúp mỗi người có tư duy logic, đưa ra những quyết định nhanh hơn, làm việc cao hơn, đạt hiệu quả xa hơn.
Ngoài toán học ra, Châu có đam mê đặc biệt nào khác không?
Em rất thích đọc sách. Các thể loại sách em thường đọc là: khoa học, khoa học viễn tưởng, tiểu thuyết …
Được biết, ngay từ những ngày đầu mới vào trường THPT Hà Nội – Amsterdam, Châu đã lập cửa hàng sách trực tuyến?
Ban đầu em và một số bạn chỉ có ý định xây dựng một mã nguồn trang web bán hàng trực tuyến. Sau khi website hoàn thành, bọn em mới sử dụng nó để lập cửa hàng sách trực tuyến. Lúc đó nguồn sách tiếng Anh ở Hà Nội vẫn còn khá ít nên bọn em quyết định… liều. Lời lãi không đáng bao nhiêu, nhưng cái được lớn nhất kĩ năng lập trình web, kinh nghiệm bán hàng, khả năng phối hợp, làm việc nhóm. Và hơn cả là trách nhiệm với bản thân, cuộc sống.
Theo Châu thì
học sinh có nên làm thêm khi đang đi học?
Việc làm thêm có rất nhiều lợi ích. Nó giúp học sinh tích lũy nhiều kinh nghiệm cuộc sống, có thêm thu nhập. Hơn nữa, khi tự kiếm được tiền, ta sẽ thấy quý trọng đồng tiền hơn và biết cách sử dụng tiền hợp lý hơn. Tuy nhiên, không nên để việc làm thêm ảnh hưởng đến việc học.
Cá nhân em, nửa năm vừa rồi, ngoài giờ học, em còn làm gia sư dạy toán cho một số em học sinh tiểu học, giúp các em thi vào lớp chuyên Toán của các trường THCS ở Hà Nội.
Thần tượng của Châu là ai?
Thần tượng của em là Mark Zuckerberg – nhà sáng lập Facebook. Mark là một lập trình viên giỏi và một nhà lãnh đạo tài ba. Hơn nữa, anh ấy cũng biết đối mặt với những sai lầm của mình và khắc phục chúng.
Châu có thể chia sẻ bí quyết để “săn”
học bổng du học?
Chuẩn bị càng sớm càng tốt, lập ra kế hoạch cụ thể và thường xuyên cập nhật các nguồn thông tin từ Internet là những bài học em đã rút ra sau quá trình xin học bổng
du học. Việc hỏi kinh nghiệm từ các anh chị khóa trên cũng hết sức quan trọng. Tuy nhiên các anh chị khá bận bịu với công việc học tập, do vậy nên tìm hiểu kĩ các thông tin có trên mạng trước khi tham khảo ý kiến của họ.
Để đi du học và đạt kết quả tốt cần phải thành thạo tiếng Anh. Châu đã học tiếng Anh như thế nào vậy?
Cách học tiếng Anh của em cũng không có gì quá đặc biệt. Ngoài việc học từ trường lớp và sách vở ra, em nghĩ nên học qua nhiều kênh khác như báo chí, ti vi, âm nhạc. Đọc sách tiếng Anh cũng hết sức quan trọng. Tuy nhiên, phải biết cách đọc chủ động: đọc để hiểu dụng ý và cách viết của tác giả.
Sinh viên Việt Nam thường thiếu nhiều kỹ năng sống khi hội nhập trong môi trường quốc tế. Châu đã chuẩn bị hành trang cho mình như thế nào?
Em chuẩn bị cho mình tâm lý “cởi mở”, sẵn sàng tiếp thu cái hay từ những người có ý kiến và suy nghĩ khác mình, nhưng cũng luôn giữ được chính kiến và cái tôi cá nhân.
Thế hệ 9X ngày nay thường được gắn với những định kiến “sống thoáng”, “Tây hóa”, không thiết tha những giá trị truyền thống. Châu nghĩ sao về điều này?
Hiện nay, rất nhiều người phương Tây lại đang muốn “Đông hóa”. Vì vậy, nếu thử đặt mình vào địa vị của một người phương Tây, em nghĩ họ cũng thấy văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa phương Đông nói chung cũng có rất nhiều điểm thú vị, đáng học hỏi.
Châu sẽ nói điều gì về Việt Nam với bạn bè thế giới?
Trước đây các bạn học sinh Mỹ thường biết đến Việt Nam qua một chương viết về chiến tranh Việt Nam trong sách giáo khoa Lịch sử của họ. Em sẽ giới thiệu cho họ rằng Việt Nam bây giờ là một đất nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu châu Á, con người Việt Nam rất gần gũi và mến khách, nền văn hóa Việt Nam vô cùng đặc sắc. Đặc biệt, các món ăn Việt Nam cũng rất ngon nữa!
Châu có định sẽ trở về Việt Nam làm việc sau khi học xong?
Chắc chắn rồi!
Cảm ơn Châu và chúc bạn thành công!