Kiểu của nó phải thế!
Kiểu của nó phải thế! - 50 Sắc Thái
Tôi mạn phép đặt tên bài của mình như thế, với tất cả sự bất mãn và nông nổi của tuổi trẻ - nếu như các bạn cho rằng chúng là như vậy.
Ngày bộ sách
Fifty Shades (tên tiếng Việt là
50 Sắc Thái – do NXB Lao Động và Alpha Books phát hành) khẽ ho hắng mon men sán gần lại với độc giả đam mê sách ngoại văn. Không rõ cánh nhà báo đã thu thập thông tin từ những đâu, hay họ đã dành thời gian và tâm huyết đọc để cảm nhận. Khen ngợi có, chê bai có, ủng hộ có, lên án có. Nhưng các tít cứ ùn ùn đập vào mắt tôi thế này: “Được đánh giá là làm tụt hậu nền phát triển của xã hội…”, “Một sản phẩm đồi trụy… sách khiêu dâm…” Nhiều người còn mạnh mẽ thách thức nếu như có nhà xuất bản nào đó dám cho ra đời cuốn sách này.
Về cơ bản, tôi nhận thấy cuốn sách này chắc chắn cũng sẽ phải gồng mình chống chọi để tồn tại, và sẽ lại ngoi ngóp rồi chìm lỉm vì sống trong một xã hội đa nhân cách một cách tạp nham như thế này. Vâng, kiểu của nó phải thế. Nhưng trước hết, để chứng minh cho sự bất mãn của chính mình, cho phép tôi trích dẫn một đoạn trong bài viết của chị Trang Hạ.
“Mỗi lần đọc một bài báo viết về một nhân vật nào đó, dù là kẻ vinh hiển hay người tù tội, tôi cũng thường rất khó chịu với những phóng viên viết bài. Cảm giác chính họ làm cuộc sống này vẩn đục và bất bình sâu sắc. Vì thường chúng ta sẽ đọc được những dòng sau:
Nếu nhân vật là kẻ xuất sắc, tiểu sử sẽ được tả ‘sinh ra trong một gia đình có truyền thống…’ hoặc ‘dù gia đình không có ai theo nghề này, mọi người đều không làm nghệ thuật, không kinh doanh, hoặc chỉ là viên chức, thế nhưng anh vẫn v.v…’
Nếu viết về tội phạm, sẽ có đoạn ‘lớn lên thiếu sự giáo dục của bố mẹ…’ hoặc ‘dù được bố mẹ nghiêm khắc quan tâm, hắn vẫn…’ Vấn đề ở đây là, vô số người mồ côi, thiếu cha hay thiếu mẹ vẫn lớn lên thành người tử tế thành đạt trong đời. Và vô số gia đình hạnh phúc lại nuôi lớn đứa con tù tội. Thiếu gì bố mẹ bác sĩ chữa bệnh khắp thiên hạ mà chẳng chữa nổi bệnh cho con. Vấn đề rõ ràng nằm ở chính tâm thế của một con người đó thôi.”
Tôi đã bắt gặp bài viết này của chị, và không hiểu sao trong tâm can cứ lởn vởn hình ảnh của
Fifty Shades. Có lẽ vì điểm chung về những quan điểm. Tất cả đều được đánh giá và phán xét theo cảm tính cá nhân cũ kỹ: truyện có đề cập tới sex đích thị phải là truyện khiêu dâm!
Bởi vậy, tôi cũng xin mạnh dạn viết tiếp với cùng một quan điểm và suy nghĩ giống chị về tình dục và giới tính ở Việt Nam, tủn mủn và lan man hơn thế này:
Có 1 năm vào ngày Valentine, tôi cùng cô bạn vào công viên Thống Nhất tập thể dục, bãi cỏ trải dài và xanh mướt mọi khi tôi chẳng còn thấy nữa. Thay vào đó, (chẳng dám nói ngoa) cứ cách độ 1m lại 1 đôi nam nữ nằm chềnh ềnh ôm ấp, hôn hít, sờ mò, thậm chí “đánh vật” trên thảm cỏ. Không ít người đi qua thờ ơ như thể đó vẫn là những cảnh thường thấy hàng ngày, vài người bịt miệng cười, vài người khác cười khểnh chỉ chỏ “thích thì bỏ ra 50 nghìn vào nhà nghỉ mà vật nhau cho đã, sao phải ra đây giữa thanh thiên bạch nhật thế này.” Quan điểm riêng của cá nhân tôi thì vì họ có nhu cầu, chỉ có điều ý thức “bảo vệ mĩ quan đô thị” của họ cũng hơi thiếu thốn mà thôi.
Trên TV quảng cáo ngày ngày vẫn xa xả vào tai người xem truyền hình, những góc nhỏ, góc to không thể thiếu trên nhiều tờ báo vẫn tràn ngập thông tin kiểu như: “làm thế nào để chàng (hoặc nàng) lên đỉnh?”, “khám phá 36 tư thế yêu”, “hâm nóng cuộc sống phòng the của các cặp vợ chồng”, “soạn tin nhắn xyz gửi tới tổng đời ABC để nhận thông tin khám phá sở thích yêu trên giường của chàng (hoặc nàng)”… Tôi dám thách đố những người đọc bài viết này nói rằng họ chưa từng tò mò khám phá và xem qua những mục này. 100% đàn ông trên đời này đã từng trốn ở góc phòng để xem phim sex. 100% đàn bà trên đời này đến tuổi lấy chồng và có chồng đều bàn tán với nhau về sex. Ai cũng có thể nghe, ai cũng có thể nghĩ, nhưng giữa đám đông public thì tuyệt nhiên không thể chia sẻ. Đấy, kiểu của nó phải thế.
Lũ trẻ cấp 2, cấp 3 rủ nhau vào nhà nghỉ, quay cảnh nóng, người đời phán xét chúng “học hỏi”, bắt chước quá nhiều thứ tạp nham của xã hội. Trong khi các bậc phụ huynh, nhà trường rụt rè trong việc giáo dục về giới tính, hoặc có nhưng chưa cặn kẽ và nửa vời. Mọi thứ về giới tính với lũ trẻ mới lớn đều phải giấu giếm và kín đáo. Xã hội đổ lỗi cho nhà trường và phụ huynh, phụ huynh và nhà trường đổ lỗi cho xã hội. Còn lũ trẻ thì đỗ lỗi cho bất cứ ai chúng có thể.
Tôi thấy nể phục những người tham gia các khóa học “yêu”. Chứng tỏ tư tưởng của họ rất tiến bộ, thêm nữa họ xác định được quan điểm đúng đắn của mình với những thứ bức thiết họ quan tâm. Bỗng dưng tôi tự hỏi, nếu “yêu” cũng trở thành một môn học bắt buộc, nghiêm túc và sâu xa, có lẽ từ “khiêu dâm” đã không còn bị gán ghép tự do như bây giờ. Và từ “sex” vốn dĩ là một từ chỉ về giới tính và gợi cảm, hiện tại người ta chỉ nhớ tới nó như một sự tục tĩu.
Hàng tá hàng tỷ những thứ như thế. Ai cũng có thể liệt kê vanh vách, phán xét hùng hồn, thay vì phân tích và tìm hiểu chúng một cách khách quan. Mọi sự đều do nhận thức đúng sai của mỗi người, không phải ở bất cứ định luật hay quy định người khác đề ra. Và tôi cũng muốn kết cho những chia sẻ của mình cũng bằng đoạn viết của chị Trang Hạ, với những suy nghĩ và kết luận tự do tùy thuộc vào chính bạn.
“Nhưng chúng ta vẫn luôn nhìn một con người theo cách nhìn họ là sản phẩm của… người khác, của bố mẹ họ, thầy cô họ, của ngôi trường danh giá ấy, của vùng miền ấy. Họ thành công là nhờ quá khứ và xuất thân của họ, chứ không phải nhờ giá trị họ tích lũy cho chính bản thân mình trong quá trình trưởng thành. Thậm chí rộng hơn thì chụp cho họ cái mũ tính cách của người Bắc, thói quen của người Nam, giới trẻ 8X thích hưởng thụ, lứa già cổ hủ v.v… Ít ai nhìn nhận rằng một con người là sản phẩm của chính con người ấy, bằng những lựa chọn của chính họ vào thời điểm quyết định.
Điều ấy dẫn tới một thói quen tồi tệ là, một mặt ta cho thành công của ta đến từ… đám đông và thời thế, một mặt chúng ta luôn thấy chúng ta là nạn nhân của xã hội này! Những lựa chọn sai lầm của ta là do xã hội đun đẩy tới. Mà có vẻ, người tự nhận mình là nạn nhân của xã hội có vẻ nhiều hơn người thành đạt nhờ xã hội.”