[INDENT]
Anton Pavlovich Chekhov (1860-1904) - nhà văn Nga. Sinh tại tỉnh Taganrog, miền Nam nước Nga trong một gia đình lao động đông con. Bố của Tsekhov - Paven Egorovich Chekhov là một người sùng đạo, có một quầy hàng xén nhỏ nhưng sau này bị phá sản. Mẹ của nhà văn - Evgenya Yakovleva Tsekhova là một người cần mẫn, yêu nghệ thuật và giáo dục cho các con tình yêu thiên nhiên, lòng thương và quí trọng đối với những người nghèo khổ. Tsekhov từ nhỏ đã phải giúp bố bán hàng và tham gia hát trong dàn đồng ca của nhà thờ. Năm 1879 Tsekhov vào học khoa y, Đại học tổng hợp Moscva. Năm 1884 tốt nghiệp đại học, ra làm nghề bác sĩ và viết văn. Tsekhov viết truyện ngắn từ năm 1880 và liên tục cho đến cuối đời. Là người lạc quan, yêu đời, yêu thiên nhiên, có tài quan sát bẩm sinh cùng với sự hóm hỉnh, thông minh thiên phú, Tsekhov giỏi nắm bắt những nét hài hước trong hành động và tính cách của con người.
Thời kỳ đầu ông viết truyện cho nhiều tờ báo châm biếm, ký nhiều bút danh khác nhau. Giai đoạn này có nhiều truyện đặc sắc như: Con kỳ nhông; Anh béo, anh gầy; Mặt nạ... Giai đoạn chín muồi của tài năng, Tsekhov viết những truyện có độ dài hàng chục trang và có giá trị lớn: Thảo nguyên; Câu chuyện buồn tẻ; Phòng số 6; Người trong bao... Tsekhov đạt đến những tiêu chuẩn lý tưởng của truyện ngắn: hình thức giản dị, ngắn gọn; nội dung phong phú; ngôn ngữ đẹp và chính xác; mang tính hài hước, châm biếm mà vẫn đượm chất trữ tình...
Ngoài truyện ngắn Tsekhov còn là một nhà viết kịch tài năng có nhiều đóng góp vào việc cách tân thể loại kịch. Những vở kịch nổi tiếng nhất của ông là: Ba chị em; Vườn anh đào; Hải âu; Cậu Vania... Tác phẩm của Tsekhov thể hiện đầy đủ tính cách dân tộc Nga - mềm dẻo và tế nhị; thân mật và chân tình; không điệu bộ, kiểu cách hay thói giả nhân giả nghĩa. Tình yêu đối với con người, lòng trắc ẩn trước nỗi đau khổ, lòng thương đối với những khuyết tật của Tsekhov mãi mãi vẫn rung động lòng người và luôn luôn mới mẻ.
Năm 1904 Tsekhov sang khu nghỉ mát Badenweiler, Đức dưỡng bệnh, ở đây bệnh tình có đỡ hơn nhưng không chữa được lành. Ngày 15-7-1904 cảm thấy mình khó ở, ông cho người nhà gọi bác sĩ và bảo cho ông một cốc rượu sâm banh. Tsekhov từ giã cõi đời khi mới uống cốc sâm banh được một nửa.
Tác phẩm của Tsekhov được dịch và giới thiệu ở Việt nam từ những năm 40 của thế kỷ trước, được bạn đọc Việt nam yêu thích và được đưa vào chương trình phổ thông trung học từ những năm 90. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất A.P. Tsekhov, Bộ môn Văn học nước ngoài, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội nghị khoa học “A. Tsekhov và nhà trường Việt Nam”. Gần 30 báo cáo và tham luận về những vấn đề: Tsekhov với Việt Nam và văn học thế giới, vấn đề nghiên cứu và giảng dạy Tsekhov trong nhà trường, so sánh Tsekhov và Nam Cao của Việt Nam vv...
Tác phẩm chính:
*Con kỳ nhông (Хамелеон), truyện ngắn
*Anh béo, anh gầy(Толстый и тонкuй), truyện ngắn
*Mặt nạ (Маска), truyện ngắn
*Thảo nguyên (Степь), truyện ngắn
*Câu chuyện buồn tẻ (Скучная история), truyện ngắn
*Phòng số 6 (Палата № 6), truyện ngắn
*Người trong bao (Человек в футляре), truyện ngắn
*Nỗi khổ (Горе), truyện ngắn
*Cái chết của viên công chức (Смерть чиновника), truyện ngắn
*Người đàn bà nông nổi (Попрыгунья), truyện ngắn
*Những người nông dân (Мужики), truyện ngắn
*Trong khe núi (В овраге) truyện ngắn
*Ba chị em (Три сестры), kịch
*Vườn anh đào (Вишневый сад), kịch
*Hải âu (Чайка), kịch
*Cậu Vania (Дядя Ваня)
*Mồ côi cha (Безотцовщина),kịch
*Cầu hôn (Предложение), kịch
*Con gấu(Медведь), kịch
© Hồ Thượng Tuy biên soạn (
trích từ 250 bậc thầy văn chương Thế giới) [/INDENT]