Qua rồi đêm Trung thu - Truyện ngắn của Phan Trang Hy
truongkim > 11-02-2011, 02:47 PM
Qua rồi đêm Trung thu - Truyện ngắn của Phan Trang Hy
Qua rồi đêm Trung thu
Gần đến Trung thu. Bọn trẻ con đứa nào cũng náo nức đón chờ. Không phải chúng chờ bánh kẹo, chờ phá cỗ. Mà chúng chờ được làm lân, được múa lân.
Thằng Bảo tập hợp bọn trẻ lại phân công làm lân. Đứa mua dây thép, đứa kiếm tre làm khung đầu lân. Đứa thì tìm giấy dán, đứa thì tìm sơn xanh, sơn đỏ…Rồi đầu lân hoàn thành. So với lân bán ở thị trường thì lân của chúng không đẹp bằng, nhưng được cái là tự chúng làm thì mới thú.
Bọn chúng bỏ ra ba đêm để tập múa. Tiếng trống lân làm ồn cả xóm. Bà Sáu thường có tính không ưa ồn ào vì bà đang chữa bệnh, thế nhưng, những ngày này bà như khoẻ ra. Bà cười nói với bọn trẻ. Bà lại xuất tiền hưu của bà thưởng cho bọn chúng gói quà to tướng để chúng bồi dưỡng tập múa. Mấy đứa con nít hay làm nũng, giờ thì cũng hết, không cần dỗ, cũng ăn nhanh để còn kịp xem lân tập múa. Đến nhà cô Hải mở trò chơi điện tử, ngày thường đông bọn trẻ đến chơi, còn giờ thì vắng tanh, những chiếc máy được giải lao. Cả xóm xem bọn trẻ tập múa. Cả xóm ồn theo tiếng trống. Cả xóm vui theo tiếng trống. Cả xóm rộn ràng theo tiếng trống.
Trăng lên. Hoà trong ánh điện là ánh sáng bập bùng của những ngọn đuốc. Tiếng trống rộn ràng như mờị mọc mọi nhà mở cửa đón lân. Tiếng trống đánh thức tuổi già về với trẻ con ; đánh thức đàn ông, đàn bà về với tuổi vô tư ; đánh thức con trai, con gái về tuổi mới lớn ; đánh thức cả trời cổ tích về mừng Thạch Sanh chém được Xà tinh…Tiếng trống đánh thức giấc ngủ cả năm ở cái xóm này.
Lân đi từng nhà. Không nhà nào từ chối bọn trẻ. Bọn trẻ như làm chủ cả xóm. Lân của xóm khác không dám đến đây múa. Phần vì sợ lân ở đây đánh, phần vì không có ai mời múa. Hầu như đã thành lệ, lân xóm nào thì múa ở xóm đó, trừ trường hợp những đoàn lân chuyên nghiệp.
Trăng đã lên cao. Bọn trẻ đã múa hết các nhà trong xóm. Bọn chúng mệt. Từng ngọn đuốc rụi dần. Cả xóm hầu như không còn đoái hoài đến chuyện múa lân.
Gần hết rằm. Thi thoảng từng tiếng trống rời rạc ở đâu đó như nuối tiếc đêm rằm Trung thu.
Bọn trẻ tập trung ngoài ngã ba. Bọn chúng kháo nhau :
- Anh Bảo ! Múc chè ra ăn đi ! Múc chè ăn đi !
Bọn trẻ đã chuẩn bị chè hồi chiều tối. Lệ thường, năm nào cũng vậy, sau khi múa lân xong là chúng ăn chè quanh lân được đốt. Thằng Bảo nói như ra lệnh :
- Mấy đứa bay đợi đốt lân đã.
Thằng Nhật mới tham gia múa lân lần đầu, thắc mắc hỏi :
- Sao đốt uổng thế, anh Bảo ? Để dành sang năm múa.
Một thằng như từng trải, nói :
- Đốt để lấy hên. Để lại xui lắm. Sang năm làm cái khác.
Bọn chúng chẳng biết có xui hên không. Nhưng thằng Bảo thì biết rất rõ là mỗi lần gần tới tết Trung thu, được làm lân, được múa lân là niềm vui. Bỗng thằng Bảo thở dài :
- Đốt đi bay !
Ngọn lửa bùng lên. Từng tiếng húp xột xoạt quanh những chén chè. Bọn trẻ nhìn ngọn lửa rụi dần. Thằng Bảo nói với bọn trẻ :
- Bọn bay nghe tau nói đây. Trung thu này, sau khi làm đầu lân, mua dầu lửa, mua nước uống, nấu chè, nói chung là mọi thứ mua sắm, thì còn được hơn năm chục ngàn. Số tiền này, tau giao lại cho thằng Long giữ để sang năm làm đầu lân mới.
Thằng Nhật lên tiếng :
- Sao anh Bảo không giữ để sang năm làm ?
Thằng Bảo giọng buồn buồn :
- Tau lớn rồi ! Sang năm tau không còn làm lân, không còn múa lân nữa đâu.
Bọn trẻ nhao nhao :
- Còn chè không ? Cho thêm chén !
Trăng xuống dần…
Năm 2000
Phan Trang Hy
(Trích trong truyện Người thầy dạy búp bê, Nxb Văn Nghệ, 2009)
nguồn huongdaumua