Loạn nhà vì mẹ chồng ép ăn để... đẻ
Những lúc anh đang ngồi máy tính làm việc cũng không yên. Bà ngồi cạnh rồi thủ thỉ đủ điều và chốt lại là phải cố mà sinh con trai... Chồng làm giảng viên một trường đại học, H là nhân viên văn phòng nhưng họ vẫn rất muốn sinh một đứa con trai để khỏi phải nghe những lời ra lời vào…
Cách đây 4 năm, H. mang bầu đứa con đầu lòng. Vui lắm, hạnh phúc lắm. Bố mẹ hai bên thì hứng khởi và tranh nhau nhận chăm cháu. Được 3 tháng, H. thông báo cái thai cô đang mang là con gái. Thôi, giai hay gái cũng mừng. Con gái đầu lòng là điểm 10, mẹ chồng H thanh minh. Giờ con gái H. đã lớn, cháu đang học mẫu giáo lớn. Mẹ chồng H. lại bắt đầu giục giã H. sinh thêm đứa nữa, nhưng phải phấn đấu là một thằng cu.
Do sống chung, nên mọi nhất cử nhất động của hai vợ chồng đều không qua mắt được bà. Từ ăn uống, ngủ nghỉ đến thói quen sinh hoạt đều do mẹ chồng tự đặt ra. Bà cũng mua nhiều báo về sức khỏe để tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của nhiều “đồng môn” trong lớp dưỡng sinh và bắt con mình phải thực hiện đúng như “hướng dẫn”.
Kể từ đó, thời gian ở cơ quan thì không sao, nhưng khi về nhà, vợ chồng H. coi như tù giam lỏng. Sáng sớm bà dậy đi chợ, mua thịt bò, tôm cua và ngao. Bà làm một tô mỳ đầy ụ, mỗi tô có khi đến một lạng thịt bò và bắt hai vợ chồng phải ăn hết. Ăn một bữa đã thấy ngán, đằng này, phải ăn liên tục khiến mình phát sợ, H. than thở.
Bà làm cơm cho vào cặp lồng để hai vợ chồng mang đi. H. thì chấp hành nhưng anh chồng thì phản đối. Anh bảo bây giờ công việc linh động và bất chợt, có phải cố định đâu mà mang cơm hộp.
“Chẳng lẽ mấy anh em đi ăn liên hoan, con lại bảo là tôi ăn cơm hộp à?”, chồng H. phân trần.
Nhưng bà lý giải:
“Ăn đủ chất và nhiều calo mới sinh được con trai con ạ. Con cứ ăn uống linh tinh, thất thường, lại uống bia, hút thuốc lá thì làm sao mẹ nhanh có cháu bế bồng được”.
Nghe mẹ chồng nói cũng có lý, nhưng chồng nói cũng đúng, H. ở giữa chẳng biết nói gì. Câu chuyện lại tiếp tục:
“Thế con có mang đi không?”- mẹ chồng H nói vọng lên gác khi anh đang thay quần áo. Anh chẳng nói gì. Thay xong, hai vợ chồng chào mẹ rồi đi làm, bỏ mặc hộp cơm đầy “chất dinh dưỡng” mà bà vất vả, hì hụi nấu nướng suốt cả sáng.
Bữa cơm chiều, điệp khúc “
con phải ăn thật nhiều để lấy sức”, rồi
“đừng thức khuya nhé, hai đứa đi ngủ sớm đi”…
“à, mẹ pha cho con cốc sữa nóng nhé”… khiến chồng H. thấy khó chịu. Thậm chí, những lúc anh đang ngồi máy tính làm việc cũng không yên. Bà ngồi cạnh rồi thủ thỉ đủ điều và chốt lại là phải cố mà sinh con trai.
Khổ nhất là hàng ngày, anh phải ăn những thức ăn rất mặn của bà nấu. Cái gì cũng mặn, từ thịt, cá, đậu…
“chỉ có mỗi cơm là nhạt”, anh nhăn nhó. Chắc bà nghe ở đâu hay đọc ở đâu chuyện ăn mặn sẽ sinh con trai. Suốt thời gian dài phải ăn… “cơm mặn” nên anh thấy chán những bữa ăn gia đình và ghét mẹ. Nghĩ “bà chuẩn bị một bữa ăn vất vả nên mình không dám nói nhưng mình chẳng ăn được nhiều. Sinh con trai đâu chưa thấy chớ thấy người gầy đi và hình như có biểu hiện của bệnh cao huyết áp…
Ăn cơm tối xong chưa đầy tiếng đồng hồ, mẹ chồng H. lại dọn ra một đĩa hoa quả. Đủ thứ trên đời, nào là dưa hấu, dưa vàng, xoài, bưởi
… “Bà bắt hai vợ chồng ăn bằng hết. Ăn hết bà mới vui, không bà lại càu nhàu này nọ”, H than thở.
Nhà có hai tầng nhưng có mỗi cái ti vi. Bóng đá là anh thích nhất nhưng bà không cho xem. Biết ý, bà đã tranh thủ mở một bộ phim mình thích và cầm khư khư cái điều khiển. Chắc bà đang rất phấn khích trước chiến tích của mình còn chồng H thì bực bội và cáu bẳn. Anh vào phòng mở cái máy tính xách tay có nối mạng Internet. Dù xem không thích nhưng vẫn thỏa mãn niềm đam mê trái bóng. Anh đang tính sẽ sắm cái tivi đặt vào phòng hai vợ chồng để trả tự do cho mẹ.
Từ khi kế hoạch sinh cháu của bà bắt đầu là chồng H. chẳng được tụ tập bạn bè như xưa. Bà nói:
“uống rượu vào sẽ không làm được gì cả, chỉ tội cái dạ dày”. Nếu chồng có đi đâu thì bà bắt con dâu phải đi cùng để đỡ đạn hoặc cô con gái đi nói hộ. Anh thấy mình như người cầm tù, mất hết cả thể diện.
Nhìn chồng ăn uống chẳng hào hứng khiến H. lo lắng nhưng chẳng biết làm thế nào. Nhiều đêm hai vợ chồng tâm sự. Chị nói thương anh và anh động viên:
“Con cái là trời cho. Trời cho con nào thì nuôi con đó, có muốn cũng không được”, chị thở phào nhẹ nhõm.
Đêm đã khuya, đứa con gái đã vào giấc ngủ say. Anh cũng đã ngủ để lấy sức cho ngày mai làm việc. Chị vẫn nằm đó, thao thức và lo lắng cho những ngày tới…