-
Mê vợ và ngoại ngữ
Ms.G > 06-10-2011, 09:01 AM
Xưa nay, bố vợ tôi thường tỏ ra không hài lòng lắm trước sự trẻ trung đôi khi thái quá của bà. Tuy đã có cháu nội, cháu ngoại rồi nhưng mẹ vợ tôi vẫn còn tỏ ra “thanh niên” lắm. Thay vì nói chuyện bình thường, bà cứ thả cửa, thi thoảng “đá” vài câu tiếng Anh nghe thấy lạc lõng quá độ. Mấy đứa cháu cũng đánh vần theo nên rất rôm rả. Mỗi lần như thế bố vợ lại được một phen bực bội cáu gắt. Bà lại cho rằng ông khắt khe, lạc hậu, chậm tiến, chẳng hiểu thời thế gì cả. Kết quả là cả nhà lại được một phen hú vía vì ông bà nói nặng lời và thề độc với nhau.
Bà không chỉ ăn mặc theo phong cách trẻ đến cả chục tuổi mà còn thường xuyên phấn son cẩn thận mỗi khi đi ra ngoài. Bình thường trong nhà mọi người nghe mấy câu ngoại ngữ thì chẳng sao. Nhưng bạn bè của con cái đến chơi, bà coi đó là cơ hội thể hiện chữ nghĩa. Có người bạn của chị dâu khen lấy khen để bà thật là tinh tế. Bà nghe thế thì càng mở cờ trong bụng. Ngược lại, ông nhăn nhó nhìn bà, đinh ninh cho rằng bà đang cố tình “cưa sừng làm nghé”. Có mỗi vậy mà hai ông bà cứ cãi nhau nảy lửa, quanh đi quẩn lại cũng chỉ vì ngoại ngữ.
Mẹ vợ tôi sành điệu lắm (Ảnh minh họa)
Tuy cùng ở Hà Nội nhưng nhà cách gần hai chục cây số nên không phải lúc nào vợ chồng tôi cũng có thể qua thăm bố mẹ vợ được. Đôi khi tôi gọi điện hỏi thăm, mẹ vợ đon đả: “Giám đốc của mẹ đấy à?”. Ban đầu tôi nghe không quen nhưng sau đó thì thấy cũng hay hay và gần gũi. Nhất là những lúc mẹ vợ “ti toe” tiếng Anh. Thay vì cảm ơn, bà ngoại cu Tủn thường “thank you” rất oách.
Nhưng mới đây, bà còn nổi hứng đi đăng kí lớp học ngoại ngữ giao tiếp. Tưởng nói chơi, ai dè bà làm thật. Bà bảo thời buổi này mà không có chút ít ngoại ngữ thì chỉ có mà đi sau thời đại, bởi vài câu chào hỏi xã giao là không bao giờ đủ.
Kể từ khi làm rể đến nay cũng đã hơn 6 năm rồi nhưng với sự tân tiến, trẻ trung của mẹ vợ cỡ nào thì tôi cũng đã thấy. Nhưng bảo bà giờ đã ngoài 60 mà còn cặm cụi cắp sách đi học Anh, tiếng Pháp khiến mọi người trong nhà phản đối kịch liệt.
Bố vợ cũng chẳng ngăn được, đành làm ngơ cho xong, thế là khóa học của bà bắt đầu, lúc thì tiếng Anh, khi thì tiếng Pháp. Thay vì trả lời những câu hỏi thường nhật, mẹ vợ tôi cứ nói cái giọng “lơ lớ”. Cả nhà rối rắm vì chẳng ai hiểu bà đang nói gì?
Có dạo đứa bạn của cháu gọi điện đến hỏi mượn sách, bà cầm máy và có một màn chào hỏi bằng tiếng Anh khá trôi chảy và ấn tượng. Thấy đứa bạn của cháu kêu lên ngạc nhiên: “Bà giỏi tiếng Anh thế”. Vậy là từ lần sau cứ có điện thoại gọi đến là bà lại giành nghe để thể hiện vốn ngoại ngữ của mình. Từ bạn của ông đến đồng nghiệp của con trai, con dâu hay bạn bè của cháu gọi đến đều được bà tiếp chuyện nhiệt tình, cởi mở đôi khi hơi quá đà. Được họ khen nên bà càng phấn khởi, chịu khó “nói” bằng ngoại ngữ nhiều hơn.
Rồi bà bắt đầu lên mạng nhờ cháu lập nick chát. Bà còn rủ thêm mấy bà bạn cùng chát cho biết, cứ nói chuyện thoải mái mà không cần phải gặp nhau. Bà chát với con trai, con gái, con dâu, con rể và cả mấy đứa cháu. Gặp người quen bà đều thuận miệng xin nick để tiện đường liên lạc. Thú thực nhiều người mắt tròn mắt dẹt nghe bà thao thao bất tuyệt về internet, về những từ chuyên môn trong chat, blog, facebook hẳn hoi.
Hai ông bà "chiến tranh lạnh" chỉ vì ngoại ngữ (Ảnh minh họa)
Mấy bận hai ông bà đi đám cưới con nhà bạn, theo thói quen bà cứ tha hồ “tuôn” ngoại ngữ ra, ông đi bên xấu hổ chẳng biết giấu mặt vào đâu. Về nhà, ông góp ý, bà vùng vằng bảo ông độc đoán, vô lý, cục cằn.
Với bà thì nói chuyện bằng ngoại ngữ là để thể hiện đẳng cấp. Ông lại cho rằng điều đó chỉ càng thêm mất mặt. Thế là ông bà lại “chiến” nhau, chẳng ai chịu nhường ai nên cả nhà đau đầu. Ông bảo bà nếu cứ sử dụng ngoại ngữ tùy tiện thì lần sau không đi cùng nữa. Bà bảo có chết cũng phải học, phải nói thì mới nhuần nhuyễn, chuyên nghiệp được.
Mới hôm qua bố vợ gọi điện cầu cứu, thông báo họp gia đình gấp. Nội dung cuộc họp được ông kể sơ sơ cũng đủ để thấy tình hình có vẻ nghiêm trọng lắm rồi. Ông còn nhắc: “Tụi bay đả kích, phản đối mạnh tay vào để bả sáng mắt ra hộ bố”. Lát sau thì mẹ vợ lại gọi điện nói giọng ấm ức: “Cả nhà mẹ thương vợ chồng chúng mày nhất. Phải ủng hộ mẹ nghe chưa? Đời mẹ thấy chẳng ai như bố chúng mày, tức không chịu được”
Tôi cười thầm, chẳng ngờ khi bước vào cái tuổi U60 mà hai ông bà vẫn còn nhiều chuyện rắc rối gớm. Tôi đang không biết cái hôm họp gia đình sẽ phải đứng về phe bố vợ hay mẹ vợ đây?
Theo Eva