Nâng ngực và những điều cần biết
Tốn vài chục triệu đồng có người đạt được bộ ngực căng tròn như mơ ước, nhưng không ít trường hợp phải mổ lần 2, lần 3, thậm chí tai biến tử vong. TS.BS Đỗ Quang Hùng, phó khoa tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết:
- Chúng tôi vừa tiếp nhận một bệnh nhân 50 tuổi, siêu âm vú tình cờ phát hiện túi bị vỡ nên đến yêu cầu thay mới.
Túi đặt cách đây 20 năm, vỡ vụn, ngực xẹp bè ra, do có bao xơ nên silicon khu trú lại và không lan rộng xung quanh mô vú. Túi bị vỡ vụn rất ít gặp, hầu như đặt cách đây 15-20 năm, vì túi lúc đó chỉ là một lớp vỏ mong manh bằng plastic.
* Có ca sau một vài năm bị vỡ, xì gây viêm nhiễm kéo dài, sưng đau nhưng siêu âm không phát hiện?
- Đúng vậy, một số trường hợp bị xì không thể phát hiện bằng siêu âm mà phải chụp cộng hưởng từ. Chất lượng túi phụ thuộc chất liệu do nhà sản xuất cung cấp.
Trên thị trường hiện có nhiều loại túi của các nhà sản xuất Mỹ, Pháp, trong mỗi túi đều có phiếu bảo hành trọn đời, nhưng trên thực tế có đảm bảo trọn đời hay không thì không ai dám khẳng định! Thậm chí bác sĩ cũng không dám khẳng định.
* Theo quảng cáo, đặt túi chỉ cần gây tê, mổ nội soi 2-3cm nên khi lành không thấy sẹo, không ảnh hưởng tới mang thai và cho con bú, hai ngày sau có thể đi làm lại với bộ ngực đẹp như mơ?
- Túi ngực là một vật lạ đối với cơ thể, nhưng vật lạ này thích nghi với cơ thể và được chấp nhận khi đặt vào. Mổ đặt túi trong bệnh viện, các trung tâm có chuyên khoa thẩm mỹ thường khá an toàn, ít để lại biến chứng.
Ngực đẹp nhờ dao kéo không còn là vấn đề mới mẻ nhưng vẫn phải thật cẩn thận và suy tính kĩ lưỡng.
Để không đau đớn, hầu hết bệnh nhân phải được gây mê (vô cảm toàn thân), bác sĩ cũng an tâm khi bóc tách sẽ tốt hơn. Còn nếu gây tê thì tổng liều thuốc tê phải nhiều và có thể gây ngộ độc thuốc tê.
Cần lưu ý là trong quá trình phẫu thuật có thể có những biến chứng sớm như chảy máu sau mổ trong 1-2 ngày đầu. Đặt ống dẫn lưu trong 48 giờ đầu để theo dõi nếu có máu tươi hoặc máu cục kèm theo - thường là nghi ngờ có chảy máu sau mổ, nên phải mổ lấy ra, cầm máu, sau đó đặt lại.
Ca mổ khoảng trên một giờ, nhưng bệnh nhân phải ở lại bệnh viện ít nhất hai ngày để bác sĩ theo dõi các biến chứng nếu có và lấy máu còn ứ trong khoang đặt túi - yếu tố này cũng giúp ngăn ngừa tạo thành bao xơ về sau.
Quảng cáo nói mổ đặt túi ngực về trong ngày là không an toàn. Vai trò nội soi trong mổ đặt túi chỉ có tính cách hỗ trợ trong phần bóc tách (xem rõ vị trí máu chảy và cầm máu tốt), còn đường mổ để đặt túi ngực vào vẫn phải bằng tay...
Do sức ép của túi ngực vào các ống dẫn sữa, có thể làm ống dẫn sữa hẹp đi và lượng sữa sẽ ít hơn so với người bình thường, nhất là sau đặt túi ngực mà sinh em bé liền. Phụ nữ đã nâng ngực nên có con sau khi đặt túi nâng 2-3 năm để da giãn đủ rộng, không chèn ép tuyến vú.
Sau khi đặt túi ngực, một số trường hợp có thể đau 1-2 tháng. Vết thương muốn lành hoàn toàn phải sau 6-8 tháng, nên đặt túi ngực chưa hẳn đẹp ngay mà phải có thời gian cho da giãn ra vừa đủ, mátxa vừa đủ và dùng áo ngực để điều chỉnh cân đối cả hai bên.
Sau phẫu thuật ngực cần có chế độ chăm sóc và giữ gìn hà khắc.
* Đối với người ung thư vú đã đoạn nhũ, muốn đặt túi có được không?
- Chỉ nên đặt sau khi hóa - xạ trị đủ liều và ổn định thì mới đặt vấn đề tái tạo. Có thể đặt túi ngực đơn thuần hoặc kết hợp với vạt cơ lưng rộng từ phía sau đến.
* Bác sĩ có khuyến cáo gì để chị em phụ nữ tự bảo vệ trước các quảng cáo?
- Tôi xin có lời khuyên là chỉ đặt túi ngực ở bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ và do bác sĩ được đào tạo chuyên môn về lĩnh vực này thực hiện. Tuyệt đối không được mổ đặt túi ngực ở các phòng khám.
Cần lưu ý là hiện nay có nhiều dạng túi ngực trôi nổi từ nguồn hàng xách tay chưa được phép của Bộ Y tế, nếu sử dụng có nhiều nguy cơ không lường được do túi chưa được kiểm định về chất lượng.