Ngôi nhà có bao nhiêu cánh cửa?
smslove > 06-20-2011, 07:50 AM
Theo thiết kế bản vẽ thì có thể thống kê và trả lời ngay câu hỏi trên Nhưng lúc cao điểm xây nhà không phải chủ nhà nào cũng trả lời ngay được câu hỏi trên. Không chỉ vì ngôi nhà có nhiều cánh cửa nhiều loại cửa khác nhau mà còn vì thị trường hiện nay rất phong phú. Trong một căn nhà cửa được thiết kế thi công khá phong phú về chất liệu hình thức. Để có một công trình tốt thì việc lựa chọn một giải pháp cửa hợp lý là một vấn đề rất đáng lưu tâm.
Từ cửa gỗ truyền thống
Chất liệu Gỗ là một loại vật liệu truyền thống được sử dụng cho cửa. Trong phạm vi kiến trúc nhà ở gia đình thì cửa gỗ (tự nhiên) vẫn chiếm một tỷ trọng đáng kể so với các loại cửa vật liệu khác. Cửa gỗ đã xuất hiện từ xa xưa trong những kiến trúc cổ kiến trúc dân gian; bởi một lý do đơn giản: gỗ là một thứ vật liệu tự nhiên dễ tìm kiếm, dễ thi công chế tác với phương thức thủ công. Tuy vậy gỗ không hề “rẻ tiền”! Trước kia chỉ những nhà khá, nhà giàu mới có cửa gỗ, còn đa phần cửa được làm từ các loại vật liệu khác rẻ tiền và kém bền vững hơn như tre, nứa… với nhiều biến thể khác như phên, liếp.
Cửa gỗ vẫn tiếp tục được sử dụng cho tới ngày nay bởi thói quen sử dụng vật liệu và bởi các ưu điểm tuyệt vời của nó. Cửa gỗ dễ tạo hình, dễ gia công, dễ lắp dựng, dễ sửa chữa thay thế. Cửa gỗ có thể kết hợp với nhiều vật liệu khác như kính, sắt (thép); cửa gỗ cũng có thể được bao phủ bề mặt bằng nhiều loại vật liệu sơn, vécni hoặc để nguyên bề mặt (gỗ mộc) đều có thể cho hiệu quả thẩm mỹ tốt. Về mặt chất cảm vật liệu, gỗ phong phú bề mặt bởi màu sắc và các loại vân từ các loại cây gỗ khác nhau, gỗ cho cảm giác “lành” trong môi trường nhà ở, tạo cảm giác gần gũi cả về thị giác và xúc giác. Về mặt âm dương – ngũ hành, gỗ (mộc) thuộc dương nhưng có tính âm, nên có thể coi như trung tính, cân bằng; rất phù hợp cho việc sử dụng làm vật liệu nhà ở. Thực tế ở góc độ tâm lý cho thấy vật liệu gỗ luôn cho người sử dụng cảm giác dễ chịu, ấm áp. Gỗ tốt, càng sử dụng càng lên nước càng đẹp, nên gỗ vẫn luôn là vật liệu được ưa chuộng.
Cửa là một bộ phận công trình liên quan trực tiếp đến việc sử dụng trong quá trình sinh hoạt hay làm việc. Cửa luôn được nhìn thấy, va chạm – cầm nắm; và chất liệu gỗ cùng chất cảm gỗ rất phù hợp với các tính chất sử dụng này.
Tuy vậy, cửa gỗ và vật liệu gỗ nói chung cũng có những nhược điểm nhất định. Đó là dễ bị xâm hại bởi yếu tố mối mọt, khả năng chống cháy, chịu nhiệt kém; khó bền vững trước những điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt (nắng, mưa, độ ẩm cao…). Tất cả những tác nhân tiêu cực này đều gây ảnh hưởng đến chất lượng cửa gỗ, từ mức độ nhẹ như làm mất thẩm mỹ (như mưa nắng làm bạc màu) tới việc gây khó khăn cho sử dụng (do cong vênh, co ngót bởi thay đổi nhiệt độ, độ ẩm) hay mức độ cao nhất là bị huỷ hoại hoàn toàn (do mối mọt, hoả hoạn).
Trong bối cảnh xây dựng hiện nay, cửa gỗ đã không còn là sự lựa chọn đầu tiên và duy nhất nữa; bởi có nhiều sự cạnh tranh từ các loại vật liệu, các loại cửa khác. Bên cạnh đó, việc giảm đáng kể nguồn vật liệu gỗ do việc khai thác rừng quá mức đã làm cho gỗ tự nhiên trở thành vật liệu khá đắt, xa xỉ và thậm chí một số loại gỗ, ở một số thời điểm không có trên thị trường.
Phong phú các loại cửa vật liệu mới
Cửa gỗ (tự nhiên) vẫn được ưa chuộng trong các công trình dân dụng và công trình nhà ở, song hiện nay trên thị trường và thực tế xây dựng đã có rất nhiều các loại cửa với những vật liệu khác, làm cho chủ nhà và kiến trúc sư thêm nhiều sự lựa chọn. Điều này cũng làm cho hình thức kiến trúc trở nên phong phú hơn, và giải quyết được nhiều vấn đề kỹ thuật mà cửa gỗ không đáp ứng được.
Để thay thế cho nguồn gỗ tự nhiên đang hiếm dần và trở nên cạn kiệt, hoặc khó chủ động trên thị trường xây dựng – đặc biệt với những công trình có quy mô lớn; thì cửa gỗ công nghiệp là một sự thay thế phù hợp. Về cơ bản gỗ công nghiệp được cấu tạo bởi một tấm lõi ép từ những vật liệu (phế thải) cửa gỗ tự nhiên, bên ngoài được dán bọc một lớp mỏng bóc ra từ gỗ tự nhiên (thường được gọi là lớp vécni). Gỗ công nghiệp được sản xuất công nghiệp với quy mô lớn trong nhà máy, được xử lý kỹ càng nên có chất lượng đồng đều, có ưu điểm là không cong vênh co ngót; có khả năng đáp ứng cho công trình với khối lượng lớn. Tuy nhiên, gỗ công nghiệp là dạng tấm ép nên khả năng chịu uốn kém, khó gia công cơ học với chi tiết nhỏ (chạm trổ, xoi gờ, rãnh…) nên hầu như chỉ làm được cánh cửa, khó làm được khuôn, đố, nẹp theo phương thức truyền thống. Chất liệu gỗ công nghiệp cũng không phù hợp với những thiết kế cửa chia ô, đố nhiều. Để linh hoạt nhằm đạt hiệu quả nhiều mặt, các nhà sản xuất cửa thường kết hợp giữa gỗ tự nhiên với gỗ công nghiệp (gỗ tự nhiên làm xương, bên ngoài phủ gỗ công nghiệp). Trong thiết kế xây dựng, cửa gỗ công nghiệp thường được dùng cho các vị trí cửa thông phòng trong văn phòng, nhà ở, căn hộ… với số lượng nhiều, mẫu mã giống nhau và kích thước cửa không lớn lắm. Cửa gỗ công nghiệp không nên dùng ở những nơi tiếp xúc với môi trường tự nhiên bên ngoài hay nơi ẩm thấp vì sự nắng nóng, sự thay đổi nhiệt độ cùng độ ẩm sẽ nhanh chóng phá hoại kết cấu của tấm gỗ công nghiệp cũng như lớp vécni bao phủ bề mặt. Hiện trên thị trường có rất nhiều đơn vị cung cấp cửa gỗ công nghiệp với các mẫu mã, quy cách, kích thước cố định có sẵn với số lượng lớn.
Cửa nhôm, (thường kết hợp với kính, gọi là nhôm – kính) là một thay thế khác. Cửa nhôm kính cũng khá đa dạng về chủng loại, chất lượng và giá cả. Cửa nhôm có thể làm cửa đi, cửa sổ; có ưu điểm tạo được những khung cửa lớn, phân chia linh hoạt; chất liệu phù hợp cho những kiến trúc hiện đại, có thể dùng trong hay ngoài nhà. Chất liệu nhôm nhẹ, làm giảm tải trọng đáng kể lên công trình; nhôm bền vững trước các điều kiện thời tiết, không bị biến dạng, có khả năng chịu nhiệt, chống cháy. Đặc biệt chất liệu nhôm không bị “gỉ” ở môi trường bình thường (thực chất là oxy trong không khí làm lớp nhôm ở bề mặt bị oxy hoá, tạo nên hợp chất oxit nhôm rất bền vững bảo vệ bên ngoài). Chất liệu nhôm có thể để trần màu trắng bạc hay sơn tĩnh điện với màu nào tuỳ thích. Bên cạnh những loại cửa nhôm được chế tạo từ những thanh nhôm tiền chế dạng phổ thông (những thanh này còn có thể chế tạo được nhiều vật dụng khác như giá, kệ, tủ, khung tranh ảnh…) thì có những loại cửa nhôm được chế tạo từ những thanh nhôm riêng biệt dành cho cửa với các cấu tạo chuẩn mực, với rãnh, hèm, khe gioăng… đi cùng những bộ phụ kiện phù hợp. Những loại cửa nhôm này là nhóm cửa cao cấp, được dùng cho những công trình chất lượng cao với những yêu cầu thẩm mỹ, kỹ thuật khắt khe.
Trong khoảng mươi năm trở lại đây, thị trường xây dựng ghi nhận sự “lên ngôi” của một loại cửa mới: đó là cửa nhựa lõi thép (cửa U-PVC). Cửa nhựa lõi thép có nhiều ưu điểm như cửa nhôm và khắc phục được một số nhược điểm của cửa nhôm – đó là độ kín khít cao hơn, chất cảm vật liệu thân thiện hơn cửa nhôm – vốn là kim loại nên có cảm giác “lạnh”. Một ưu điểm đặc biệt khác của loại cửa này là có thể sự dụng hệ kính hộp, gồm hai lớp kính, ở giữa rỗng và được bơm khí trơ. Kính hộp tăng cường khả năng cách âm, cách nhiệt ở mức độ rất cao, tiết kiệm năng lượng cho công trình trong vấn đề sử dụng và khai thác nguồn nhiệt. Tuy vậy ở thị trường Việt Nam, hệ kính hộp cũng chưa được sử dụng phổ biến do giá thành cao, và cũng không phải đơn vị cửa nhựa nào cũng có thể có dây chuyền công nghệ, máy móc để làm kính hộp. Cửa nhựa lõi thép có thể dùng trong nhà, ngoài trời như cửa nhôm, phù hợp với những công trình kiến trúc hiện đại. Cửa nhựa lõi thép có nhược điểm là đơn điệu về màu (màu gốc là nhựa trắng). Một số đơn vị cung cấp cửa nhựa có thể đổi màu bằng cách dán một lớp vật liệu khác lên (dán laminate) để tạo một bề mặt có màu sắc khác, hay tạo vân giả gỗ. Tuy vậy, cách làm này cũng làm cho chi phí lên quá cao và ít được áp dụng trong thực tế.
Cửa nhôm và cửa nhựa lõi thép đều có ưu điểm so với cửa gỗ là đa dạng về quy cách mở, do cấu tạo và hệ thống phụ kiện đi kèm. Nếu như cửa gỗ gần như được ấn định với cách mở quay truyền thống thì cửa nhôm, cửa nhựa lõi thép có thể quay, mở trượt, mở hất, mở lật, mở quay – lật, rất linh hoạt trong nhiều tình huống. Nhược điểm của cửa nhôm và cửa nhựa lõi thép là khi trục trặc, có sự cố thì phải mời thợ chuyên nghiệp (của đơn vị cung cấp cửa); mà có nhiều đơn vị hoạt động một thời gian đã giải thể, hoặc sản phẩm hết hạn bảo hành – gây khó khăn cho người sử dụng. Trong khi đó, đối với cửa gỗ, những việc xử lý sửa chữa có thể mời bất cứ một anh thợ mộc nào cũng giải quyết được.
Ngoài các loại cửa nói trên, còn một số loại cửa khác được sử dụng nhưng không phổ biến và đại trà như cửa kính không khuôn, cửa sắt – kính, cửa nhựa (không lõi)… và nhiều loại cửa chuyên dụng.
Sự cần thiết của cửa bảo vệ an toàn
Ngoài những chủng loại cửa, chất liệu cửa như đã đề cập ở trên, còn một loại cửa nữa không thể không nhắc tới. Đó là các loại cửa, cổng có tác dụng bảo vệ an toàn, rất cần thiết cho công trình nói riêng và sự an toàn cuộc sống nói chung. Các loại cửa này đều được chế tạo từ những vật liệu kim loại cứng (sắt, thép, nhôm cứng) có khả năng trụ vững trước những phá hoại cơ học. Cửa bảo vệ thường được lắp ở ngoài cổng cùng tường rào, hoặc bên ngoài những cửa đi chính (hoặc những cửa sổ) dễ bị đột nhập làm bằng các loại vật liệu kém bền vững hơn như cửa gỗ, cửa nhựa – thường đi kèm với kính. Phổ biến nhất của loại cửa bảo vệ vẫn là cửa sắt. Như thông thường, cửa sắt hoàn toàn được thiết kế và thi công theo thiết kế, đảm bảo những yêu cầu thẩm mỹ và kỹ thuật. Cửa sắt làm theo cách này hoàn toàn có thể mang lại giá trị thẩm mỹ cho công trình, tạo nên dấu ấn của công trình hay phong cách người thiết kế. Một dạng cửa sắt bảo vệ có cùng cấu tạo, hay được sản xuất hàng loạt là cửa sắt kéo ngang. Loại cửa này có ưu điểm đóng mở gọn, nhưng kém thẩm mỹ và không thuận tiện cho vấn đề thoát hiểm sự cố (do kéo ngang). Cửa sắt kéo ngang hay được dùng cho những cửa hàng, nhà phố, biệt thự… không yêu cầu cao về vấn đề thẩm mỹ.
Cửa cuốn với vật liệu nhôm là một dạng cửa công nghiệp cũng được sử dụng phổ biến. Cửa cuốn có ưu điểm là đóng mở gọn, không chiếm diện tích mặt bằng, nhưng đòi hỏi có khoảng cao nhất định trên cửa để chứa lô cuốn. Cửa cuốn có thể kéo tay, hoặc dùng môtơ điện, và có thể cho phép điều khiển từ xa. Nếu cửa cuốn dùng môtơ nên có bộ lưu điện phòng trừ khi mất điện. Cửa cuốn có loại cho phép đóng kín hoặc để khe thoáng với những nan ngang, tuỳ nhu cầu sử dụng. Cửa cuốn hay được dùng cho cửa hàng, sạp chợ, gara ôtô…
Dùng cửa sao cho hợp
Nhiều loại cửa là vậy, nhưng dùng cửa sao cho đúng và hiệu quả lại là một vấn đề. Chọn loại cửa nào, chọn chủng loại vật liệu nào cho cửa cần căn cứ vào phong cách kiến trúc, nhu cầu sử dụng (đi lại, ngăn chia, khai thác ánh sáng, khai thác thông thoáng, tạo tầm nhìn ngắm cảnh…), đặc thù khí hậu địa phương và vị trí công trình trong bối cảnh chung. Cửa phải được đề cập đến và nghiên cứu ngay từ khi thiết kế phương án kiến trúc, chứ không phải cứ vẽ ô cửa trên tường rồi quyết định chọn cửa sau. Một công trình theo lối truyền thống, dân dã với sự thô mộc sẽ không phù hợp nếu dùng cửa nhôm kính; một diện cửa lớn sẽ không tìm đâu ra gỗ có độ dài tương ứng… Và tất nhiên bên cạnh các yếu tố thẩm mỹ và kỹ thuật đó còn là vấn đề kinh tế, không thể bỏ qua. Cụ thể hơn nữa, khi đã quyết định chất liệu cho cửa rồi thì việc phân chia ô, đố thế nào cho đẹp; quy cách đóng mở thế nào cho hợp lý cũng phải nghiên cứu kỹ. Tuỳ từng trường hợp và chủng loại cửa mà có giải pháp cụ thể. Ví dụ như chỗ mưa tạt nhiều không nên dùng cửa trượt mà dùng cửa mở hất (với cửa nhựa lõi thép), nơi có cửa gỗ ngoài trời phải có mái, có hiên hay ô văng để bảo vệ cửa; với cửa mở quay tránh cánh lớn quá dễ bị xệ cánh… Cửa cuốn chỉ nên dùng cho những nơi ít đóng mở liên tục (thường là một ngày đóng mở một đến hai lần như gara xe, cửa hàng... Có nhiều công trình đẹp, thậm chí cửa cũng đẹp nhưng bất tiện trong sử dụng chỉ vì “cơ chế vận hành” của cửa không hợp lý!
Theo SGTT