Nghĩ về “Minh triết bảo thân” trong Kinh dịch
linhcvkt > 08-06-2013, 03:44 PM
Kinh dịch là bộ sách minh triết phương đông, là một trong “Ngũ kinh” của Trung Quốc cổ đại, (bao gồm Kinh thi, Kinh thư, Kinh lễ, Kinh dịch, Kinh Xuân thu). Tư tưởng triết học trong Kinh dịch vừa sâu xa huyền diệu lại vừa gần gũi với đời thường, vì vậy nó được rất nhiều người thuộc nhiều tầng lớp ở nhiều thế hệ khác nhau say mê tìm hiểu. Trong đó “Minh triết bảo thân” là tư tưởng được nhiều người quan tâm nghiên cứu và vận dụng.
Minh triết có thể hiểu là sự sáng suốt, khôn ngoan hơn người, vừa minh lại vừa triết. Bảo thân là bảo toàn được tính mệnh và danh dự. Có người giảng “Minh triết bảo thân” theo ý của câu: “Ký minh thả triết, dĩ bảo kỳ thân” trong Kinh Thi, ý nói người thông hiểu sự lý thì biết tự bảo vệ thân mình.
Trong Kinh Dịch có rất nhiều lời hào (hào từ) bàn về vấn đề này, cũng là dạy mọi người phương châm xử thế sao cho hợp thời.
Quẻ Càn, quẻ đầu tiên trong Kinh Dịch, hào từ sơ cửu có nói: “Tiềm long vật dụng”. Ý nói con rồng còn nằm dưới vực sâu chưa thể làm mưa làm gió được, vì thời của nó chưa đến. Thánh nhân bàn rằng, người quân tử chưa gặp thời thì nên ẩn mình, tu đức, luyện tài, không vì thế tục mà đổi chí, không ai biết mình cũng không buồn, không gì lay chuyển được ý chí của mình.
Hào từ cửu ngũ: “Phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân”. Rồng bay lên trời, gặp đại nhân thì có lợi. Hào 5 quẻ Càn dương cương, dương cư dương vị, vừa đắc trung vừa đắc chính. Thời cơ đã đến, hãy cùng với những người danh tiếng (đại nhân) có cùng chí hướng ra hành động giúp dân giúp nước.
Đến hào 6 (Thượng cửu) lời hào viết: “Kháng long hữu hối”. Rồng lên quá cao tất sẽ có hối hận. Cái gì đầy quá thì sẽ tràn. Khổng Tử nói: Quý mà không có ngôi vị, cao mà không có dân. Có người hiền ở dưới mà không được giúp đỡ lại hành động thì nhất định sẽ phải hối hận. Việc gì đến chỗ cùng cực cũng sẽ gặp rủi. “Kháng” là chỉ biết tiến mà không biết dừng, biết còn mà không biết mất, biết thắng mà không biết thua. Chỉ có thánh nhân mới biết tiến thoái, tồn vong mà không bao giờ sai đạo chính.
Hào từ cửu tam quẻ Khiêm viết: “Lao khiêm, quân tử hữu chung, cát”. Ý nói khó nhọc mà nhún nhường, người quân tử giữ được trọn vẹn, sau tốt. Khổng Tử bàn: Khó nhọc mà chẳng khoe khoang, có công với đời mà chẳng nhận ân đức. Đức như thế hết sức dày vậy. Đối với công lao của mình, mình chịu nhún với người, về đức thì thịnh, về lễ thì cung kính. Người khiêm cung thì giữ được ngôi vị.
Lời hào sơ quẻ Tiết: Loạn sinh ra trước hết do lời nói. Nếu vua không kín miệng tất mất bầy tôi, nếu bầy tôi không kín miệng tất mất thân mình. Cơ sự không kín đáo tất cái hại nảy sinh. Cho nên người quân tử lúc nào cũng cẩn thận, giữ gìn.
Hào sơ lục quẻ Đại quá: Lót bằng cỏ mao trắng không lỗi. Tử viết: Đặt vật gì xuống đất cũng được, mà lại dùng cỏ mao trắng để lót thì còn sợ gì đổ bể nữa? Như vậy là quá cẩn thận. Ôi! Cỏ mao là vật tầm thường mà dùng quá trọng. Cứ cẩn thận như thế trong mọi việc thì sẽ không lỗi vậy.
Hào lục tam, quẻ Giải viết: “Vừa mang đồ vật, vừa được xe là vời giặc đến”. Mang đồ vật là việc của người thường, xe thuộc về người có địa vị. Người thường dùng phương tiện của người có địa vị thì kẻ trộm sẽ lấy mất thôi. Khi khinh nhờn đối với kẻ trên và hung dữ với kẻ dưới thì kẻ cướp sẽ tìm cách tấn công ngay. Giấu cất không kín đáo là cám dỗ kẻ trộm. Trau dồi nhan sắc là cám dỗ lòng dâm. Cho nên Dịch nói: Đó là tự vời giặc đến vậy.
Hào thượng cửu quẻ Đại hữu: “Từ trời giúp cho, tốt, không có gì mà chẳng lợi”. Tử nói: Hữu là giúp đỡ, sở dĩ trời giúp cho là vì thuận theo đạo trời, sở dĩ người giúp cho là vì có lòng thành tín. Ai làm theo lòng thành tín, nghĩ thuận theo đạo trời, và chuộng dùng người hiền thì được trời giúp. Tốt. Không có gì mà chẳng lợi.
Hào Lục tam quẻ Khốn: “Khốn vu thạch, cứ vu tật lê, nhập vu kì cung, bất kiến kì thê, hung”. Hào 3, âm, như người bị khốn vì đá, mà lại dựa vào cây tật lê, vô nhà thì không thấy vợ, xấu. Giảng: Hào này bất trung ,bất chính, âm nhu ở vào thời khốn, ở trên cùng nội quái là Khảm, tức ở cảnh cực hiểm, tiến thoái đều không được nên ví với người bị đá dằn ở trên mà lại dựa vào một loại cây có gai (tật lê), vô nhà lại không thấy vợ. Rất xấu. Khổng Tử giảng thêm như sau:
“Không phải chỗ đáng bị khốn mà mình bị khốn thì danh ắt bị nhục, không phải chỗ đáng dựa mà mình dựa vào thì thân tất bị nguy; đã bị nhục lại bị nguy thì sắp chết tới nơi rồi, còn thấy vợ sao được nữa?”
Hào cửu ngũ quẻ Bĩ: Nguy hiểm đến khi đang ở yên ngôi vị, cái mất đe doạ khi cố giữ cái còn. Cái loạn phát triển khi đang trị. Cho nên người quân tử khi yên ổn thì đừng quên có thể bị nguy, khi còn thì đừng quên có thể mất, khi trị đừng quên có thể loạn. Nhờ vậy mà thân được yên, nước nhà được thịnh trị.
Hào cửu tứ, quẻ Đỉnh: “Đức mỏng mà ngôi cao, trí nhỏ mà mưu lớn, sức nhỏ mà trách nhiệm nặng, thì khó tránh khỏi tai ương”. Thật vô cùng chí lý.
Để có thể thực hiện câu “Minh triết bảo thân”, Dịch còn bàn nhiều và có rất nhiều lời khuyên, tỷ như câu: “Tri thường viết minh, bất tri thường vọng tác, hung”. Nghĩa là biết rõ quy luật thì hành động sáng suốt, không biết rõ quy luật thì thường làm bậy, sẽ gặp điều hung. Nghĩa là động tĩnh đều hợp thời thì đạo đó mới sáng suốt.v.v… Nói chung, Kinh Dịch khuyên người quân tử nên tuỳ thời mà hành động cho phù hợp, biết mình, biết người, biết thời thế, đó mới chính là minh triết bảo thân vậy./.