-
Nghĩa tình xưa
Ms.G > 06-11-2011, 01:06 PM
"Phu thê nghĩa trọng tình thâm, giàu sang cùng hưởng, ngặt nghèo cùng chia", nhưng cái ngày anh tuyên bố bỏ mẹ con chị chạy theo bồ nhí, mối “tình thâm” gắn kết họ gần 20 năm bỗng đứt phựt. Chị lặng người lẩn thẩn nghĩ, anh dứt tình, đoạn nghĩa kệ anh; cả đời chị, chị chỉ có một người đàn ông duy nhất mà thôi.
”…
Một ngày nên nghĩa
Chị vốn là người phụ nữ “lắm lời” - anh thường bảo thế, vậy mà nhìn chồng chạy theo người đàn bà khác, chị chỉ lặng giấu nỗi đau vào sâu thẳm tâm can, gắng gượng nuôi dạy hai đứa con trai đang tuổi lớn, giờ thiếu vắng bờ vai cha. Không oán trách nửa lời, chị nghĩ giản đơn: giữ làm gì khi người ta đã “tham đó, bỏ đăng”. Còn anh, sau những phút giây “phát cuồng” với hạnh phúc mới là sự hẫng hụt vì cô vợ trẻ “đanh đá cá cầy” quản chồng như con nợ. Anh mệt mỏi hối tiếc những ngày xưa. Rồi anh và đứa con nhỏ bị quẳng ra đường khi người đàn bà ghê gớm ấy ngang nhiên dẫn bồ về nhà, trơ tráo khẳng định ngôi nhà anh mua để cô ta đứng tên là tài sản riêng của mình. Giao con cho anh, cô ta “tung tẩy” với người tình mới. Đau đớn, nhục nhã, khủng hoảng, anh buông xuôi tất cả. Chính lúc ấy chị chìa bàn tay chai sần nhưng ấm áp đỡ lấy anh.
Chạy đôn đáo khắp nơi, cuối cùng chị cũng tìm được căn hộ chung cư bán trả góp để anh và đứa con riêng có nơi tá túc. Thỉnh thoảng chị lại ghé qua, khi thì mua chút thức ăn, lúc dọn dẹp nhà cửa giúp anh. Chăm con mình chưa đủ, chị tất tả lo cho con riêng của chồng cũ lúc nó ốm đau bệnh tật. Xót xa cho anh, nhưng tuyệt nhiên chị không hề muốn nối lại tình xưa, dù đôi lần ánh mắt anh tha thiết đến mềm lòng. “Bây giờ tôi chẳng oán giận gì anh ấy, dù cảm giác đau đớn vì bị phụ bạc vẫn nhói lên khi đêm về. Nhưng, đã từng là vợ chồng, một ngày cũng nên nghĩa. Nhìn anh ấy tự dày vò mình vì lầm lỗi, thế cũng đủ biết nỗi ân hận sẽ đeo đẳng anh cả đời. Còn quay lại với nhau thì tôi không thể. Người xưa có câu “tào khang chi thê bất khả hạ đường”, ý muốn răn dạy đàn ông chớ bỏ người vợ gắn bó nghĩa tình lúc nghèo khổ để cưới người vợ trẻ lúc sang giàu. Vậy mà tôi đã bị bỏ lại!” - chị cười nhẹ, cứ như đó là chuyện của ai khác, bởi đến hôm nay, chị vẫn đang tiếp tục lo lắng cho người chồng cũ khi anh liệt nửa người sau cơn đột quỵ. Đưa anh về quê cho gia đình chăm sóc, chị lo kiếm người thuê lại căn hộ chung cư để tháng tháng mang tiền về đưa má anh thuốc thang cho “đứa con bị quả báo”.
Người ta yêu nhau, kết hôn, sinh con đẻ cái, nỗi đam mê đắm đuối thuở yêu đương nồng nàn chuyển dần sang cái tình đằm thắm, cái nghĩa sâu nặng để đến khi dìu nhau sang dốc bên kia cuộc đời, dẫu không còn xốn xang, cồn cào vì yêu thì vị ngọt ngào của những yêu thương sẽ gắn kết vợ chồng đến trọn đời. Lẽ thường là vậy, nhưng đã đứt đoạn tình thì mấy ai còn giữ nghĩa bởi những cay cú, căm hờn người ta trút vào nhau khi “cơm không lành, canh không ngọt” để rồi đường ai nấy đi. Ấy vậy mà không hiếm người như chị, vẫn lấy cái nghĩa làm đầu, để đối xử với nhau, chí ít thì cũng như những người bạn.
Gieo yêu thương, gặt hạnh phúc
Nhiều người ngạc nhiên, thậm chí cho rằng anh Khâm dại dột khi vẫn tận tụy giúp đỡ người vợ cũ mỗi lúc chị gặp khó khăn. Bốn năm trước, chị Vân dứt bỏ tình nghĩa vợ chồng vì thấy anh chỉ là gánh nặng cho mình.
Đang là một kiến trúc sư có tiếng, sau một tai nạn ở công trình, anh Khâm trở thành người tàn tật. Công việc dở dang, tiền bạc đổ vào việc chạy chữa, cộng thêm khủng hoảng khi mình tàn phế khiến anh trở thành con người khác, thường xuyên uống rượu rồi mắng chửi vợ con. Không chịu nổi những “cơn gió chướng” của anh, chị đâm đơn ly dị, mặc kệ tiếng đời rủa xả mình là kẻ bội nghĩa, chỉ mong mau chóng thoát khỏi “nợ đời”. Rồi anh Khâm cũng tìm lại được mình nhờ tình yêu của cô y tá vẫn thường xuyên đến chăm sóc anh. Họ gây dựng gia đình mới, anh quay lại với nghề bởi sự tài hoa là “thương hiệu” giá trị khiến anh làm không hết việc.
Còn chị Vân, gặp thời khủng hoảng kinh tế, công việc trình dược viên rơi vào thế bấp bênh, thu nhập của chị không đủ trang trải cho hai đứa con học đại học. Ngôi nhà ngày xưa chính tay anh thiết kế để cưới chị giờ nằm trong diện giải tỏa, chị bấn lên với việc tìm chốn an cư mới. “Họa vô đơn chí”, số tiền dành dụm bao năm bỗng chốc mất trắng khi chị nghe lời ngon ngọt đem cho vay nóng mong kiếm thêm chút tiền để xây nhà. Tưởng như thế cũng đã là tận cùng của khốn khó thì mẹ chị, đã gần 80 tuổi, té ngã gãy chân phải nằm một chỗ. Chị như kẻ mất hồn, chẳng biết xoay xở ra sao nếu anh không đề nghị đón hai con về ở với mình, để chị có điều kiện chăm sóc mẹ già. Nhờ quen biết, anh lại tìm được một mảnh đất nhỏ và đứng ra giúp chị xây cất. Hàng tuần anh dành thời gian đưa hai con về thăm mẹ chúng và biếu mẹ vợ cũ lúc ít thuốc bổ, khi chục trái cam, thậm chí còn tự tay lau rửa cho bà. Sự chân thành của anh khiến chị Vân bớt dần nỗi mặc cảm. Ngày chị mừng nhà mới, anh đưa cả vợ con đến dự. Hai người phụ nữ; một đã đi qua đời anh, một đang bên anh, vui vẻ sửa soạn bữa cơm trong lúc hai đứa con lớn làm ngựa cho cô em nhỏ cưỡi. Họ trở thành bạn bè của nhau, chia vui, sẻ buồn.
Ảnh minh họa
“Không biết có nên gọi là may mắn khi tôi có cả hai người phụ nữ; một đã từng yêu thương và giờ vẫn quý mến, một là người đồng cảm, luôn ủng hộ mình với tất cả tình yêu và sự tôn trọng. Tôi chỉ chắc chắn một điều, tôi đã gieo yêu thương để gặt về hạnh phúc. Sẽ không ai trách nếu tôi quay lưng với người đàn bà đã rũ bỏ mình; nhưng đó cũng là người tôi từng đầu ấp tay gối, là mẹ của các con tôi, đã từng chia ngọt sẻ bùi với nhau; giờ người ấy gặp hoạn nạn, ngó lơ thì đâu phải đàn ông. Tôi cũng đã băn khoăn nhiều lắm, rằng người vợ hiện nay có thông cảm cho mình; rồi người xưa liệu có hiểu sai việc mình làm? nhưng, cái nghĩa bao năm là chồng vợ vẫn mạnh hơn những toan tính thiệt hơn. Tôi thuyết phục vợ mình chấp nhận đón con riêng của chồng về nuôi dưỡng, chấp nhận để tôi giúp đỡ người xưa. Có được sự gắn bó, thân thiện của cả hai gia đình như hôm nay là nhờ cái tình và nghĩa của cô ấy”, anh Khâm tâm sự.
Người ta lấy nhau vì tình yêu, nhưng gắn bó trọn đời bên nhau vì tình nghĩa. Tình yêu đắm đuối, sôi nổi ban đầu rồi sẽ lắng lại chuyển thành tình nghĩa sâu đậm, “trói buộc” người ta lại bên nhau dưới mái gia đình. Với nhiều người, vì nhiều lý do, có thể tình yêu dần phai nhạt, nhưng họ vẫn sống bên nhau đến bạc đầu vì nghĩa vợ chồng như giọt mật ngọt lành kết đọng từ những nhụy hoa. Có lẽ cũng vì thế mà nhiều cặp vợ chồng khi tình đã nhạt phai, chia tay nhau tìm bến đỗ mới, vẫn dành một chút lòng cho chốn cũ. Những mặn nồng ngày xưa, những đắng cay cùng trải đã kết lại thành ân tình như “Muối ba năm muối đang còn mặn/ Gừng chín tháng gừng hãy còn cay/ Đôi ta tình nặng nghĩa dày/ Có xa nhau đi nữa ba vạn chín nghìn ngày mới xa” (ca dao).
Và có lẽ, vượt lên thói thường với hờn oán, trách giận của những đổ vỡ là chút tình người họ vẫn dành cho nhau, dù đôi khi mong manh, dễ vỡ. Nhưng có sao đâu, chút ấy thôi cũng đủ làm ấm lòng, làm dịu lại những tổn thương, san bằng vực thẳm. Chút ấy thôi, dẫu không phải ai cũng làm được để “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” (Trịnh Công Sơn), thì cũng đáng thử lắm chứ, đáng làm lắm chứ, dù có thể chỉ để “gió cuốn đi
Theo PNO