Có thật là đàn ông lãng mạn hơn phụ nữ hay không? Chuyện này nghe qua có vẻ hơi khó tin, chẳng phải các thể loại tạp chí, báo đài, phim ảnh, tiểu thuyết sến súa đều làm ra là để bán cho phụ nữ hay sao? Vậy nhưng theo nghiên cứu cho thấy thì so với phụ nữ, thái độ của đàn ông đối với tình yêu lãng mạn hơn nhiều.
Theo như định nghĩa của các nhà tâm lý xã hội học, bạn có thể được coi là người lãng mạn nếu khi yêu, tiêu chuẩn quan trọng nhất trong việc lựa chọn người yêu của bạn là tình yêu (1). Người có cái nhìn lãng mạn về ái tình tin tưởng rằng tình yêu của họ nhất định sẽ hoàn hảo và mỗi người trong chúng ta đều có một nửa đích thực của mình (2). Giờ hãy xem xem đàn ông và phụ nữ đạt bao nhiêu điểm trong thang “Niềm tin vào sự lãng mạn” (the Romantic Beliefs Scale) (2) Bảng câu hỏi này sẽ yêu cầu người làm đánh giá mức độ đồng ý của họ với những câu kiểu như “Với tôi trên đời chỉ có một tình yêu duy nhất” hay là “Nếu yêu một người, tôi có thể bất chấp mọi thứ để ở bên người ấy” còn có cả “Người tôi yêu sẽ là người hoàn hảo nhất; anh ấy/cô ấy nhất định sẽ dễ chịu, đáng yêu, và thấu hiểu nữa”. Các nhà nghiên cứu đã tổng kết rằng, nhìn chung, đàn ông có số điểm vượt trội hơn phụ nữ.
Nếu bạn đã từng xem “How I Met Your Mother” thì hẳn sẽ thấy mấy câu này quen quen bởi anh chàng Ted đã nói không biết bao nhiêu lần trong công cuộc đi tìm bạn gái của ảnh. Kiểu tình yêu lãng mạn như vậy không có gì đáng ngạc nhiên ở trong một chương trình truyền hình, được làm ra bởi đàn ông, kể chuyện truy tìm tình yêu của một người đàn ông khác. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng với người Mỹ, không có sự khác biệt về giới tính trong niềm tin vào sự lãng mạn, nhưng cho tới giờ thì chưa nghiên cứu nào dám bảo phụ nữ lãng mạn hơn cả.
Lại một nghiên cứu khác về sự khác biệt giới tính trong niềm tin vào sự lãng mạn nói rằng đàn ông hay bị “tình yêu sét đánh” (4) hơn. Người ta đã tiến hành khảo sát 100000 người lớn và cho ra kết quả là 48% đàn ông nói rằng họ đã từng yêu từ cái nhìn đầu tiên, trong khi đó chỉ có 28% phụ nữ bị dính sét ái tình kiểu thế (5). Thêm vào đó, đàn ông có xu hướng coi trọng sự say mê trong tình yêu hơn là phụ nữ (6). Đàn ông cũng thường là người nói “Anh yêu em” trước, và họ cảm thấy rằng họ hạnh phúc hơn phụ nữ khi lần đầu tiên được nghe những lời đó (7).
Để làm bằng chứng cho mấy chuyện nghe có vẻ phản trực giác về khác biệt giới tính này, chúng ta có thể dựa vào tâm lý học tiến hoá. Phụ nữ thường có xu hướng thực dụng hơn trong việc tìm kiếm bạn đời (8). Điều ấy có nghĩa là họ hay nghĩ rằng tình yêu nên được xây dựng dần dần và thận trọng trước khi quyết định bắt đầu một mối quan hệ nghiêm túc. Quan điểm thật là không lãng mạn tí nào. Theo thuyết tiến hóa, phụ nữ phải lựa chọn bạn đời kĩ lưỡng hơn bởi điều đó có ảnh hưởng tới thiên chức tự nhiên là làm mẹ của họ (9). Rõ ràng là đàn ông có khả năng có nhiều con hơn phụ nữ. Phụ nữ cần tới chín tháng để mang thai một đứa trẻ trong khi đàn ông chỉ mất có mấy phút là đã thành bố luôn rồi.
Vì vậy, kiểu “tình yêu sét đánh” rất có thể sẽ dắt phụ nữ đến với mối quan hệ với một người chưa phải là tốt nhất, và bỏ qua những cơ hội khả quan hơn về người bạn đời hứa hẹn mang tới những đứa trẻ khỏe mạnh xinh đẹp. Trong khi đó, rủi ro đối với đàn ông thấp hơn nhiều. Những người đàn ông dễ dàng bắt đầu một mối quan hệ bởi lẽ họ có rất nhiều cuộc gặp gỡ tình cờ, và mỗi lần như thế hoàn toàn có khả năng cộng một vào danh sách thế hệ sau. Điều ấy có nghĩa là tình yêu đối với phụ nữ nhiều thận trọng và ít lãng mạn hơn so với đàn ông. Những phụ nữ từ thời tổ tiên của chúng ta đã thành công trong việc lưu giữ thái độ thận trọng khi tiếp cận tình yêu ấy trong gen và truyền nó cho thế hệ ngày nay.
Một sự giải thích khác dành cho những khác biệt về quan điểm lãng mạn này tập trung vào yếu tố xã hội. Không phải chỉ là đàn ông ít kén cá chọn canh hơn bởi họ không bị hạn chế bởi ý nghĩ tới đời sau, mà hơn thế nữa còn bởi họ có sự tự do về kinh tế (2). Khi phụ nữ yếu thế hơn về phương diện kinh tế, họ cần phải thực tế hơn trong việc lựa chọn bạn đời và đương nhiên là cần phải lựa người nào đó có điều kiện chứ không phải dựa vào tình yêu sét đánh là được.
Cho dù lí do của việc quan điểm lãng mạn giữa hai giới khác nhau là dựa trên thuyết tiến hóa hay là nhân tố xã hội đi chăng nữa thì nghiên cứu hiện nay cũng đã xóa tan quan niệm sai lầm thường thấy về đàn ông rằng họ không hề lãng mạn. Hẳn là khi bị kéo đi theo cùng vợ và bạn gái xem những bộ phim tình cảm sướt mướt, các cậu bạn trai và các đức ông chồng chỉ chê bai thế thôi, trong lòng họ lại chẳng thích chết đi được ấy chứ.
Tham khảo trong bài:
1 Weaver, S. E., & Ganong, L. H. (2004). The Factor structure of the Romantic Beliefs Scale for African Americans and European Americans.Journal of Social and Personal Relationships, 21, 171-185. doi: 10.1177/0265407504041373
2 Sprecher, S., & Metts, S. (1989). Development of the ‘Romantic Beliefs Scale’ and examination of the effects of gender and gender-role orientation. Journal of Social and Personal Relationships, 6(4), 387-411. doi:10.1177/0265407589064001
3 Sprecher, S., & Toro-Morn, M. (2002). A study of men and women from different sides of earth to determine if men are from Mars and women are from Venus in their beliefs about love and romantic relationships. SexRoles, 46(5-6), 131-147. doi:10.1023/A:1019780801500
4 Hatfield, E., & Sprecher, S. (1986). Measuring passionate love in intimate relationships. Journal of Adolescence, 9(4), 383-410. doi:10.1016/S0140-1971(86)80043-4
5 Northrup, C., Schwartz, P., & Witte, J. (2013). The normal bar: The surprising secrets of happy couples and what they reveal about creating a new normal in your relationship. New York, NY: Crown Publishing Group.
6 Fehr, B., & Broughton, R. (2001). Gender and personality differences in conceptions of love: An interpersonal theory analysis. Personal Relationships, 8(2), 115-136. doi:10.1111/j.1475-6811.2001.tb00031.x
7 Ackerman, J., Griskevicius, V., & Li, N. (2011). Let’s get serious: Communicating commitment in romantic relationships. Journal of Personality and Social Psychology, 100, 1079-1094. doi: 10.1037/a0022412
8 Hendrick, C., Hendrick, S. S., & Dicke, A. (1998). The Love Attitudes Scale: Short form. Journal of Social and Personal Relationships, 15(2), 147-159. doi:10.1177/0265407598152001
9 Buss, D. M., & Schmitt, D. P. (1993). Sexual Strategies Theory: An evolutionary perspective on human mating. Psychological Review, 100(2), 204-232. doi:10.1037/0033-295X.100.2.204
Kỳ Tử dịch
Nguồn:
http://www.psychologytoday.com/blog/clos...obably-man