Phòng bếp là nơi quan trọng của căn nhà và vậy khi thiết kế nội thất cho phòng bếp bạn cần lưu ý rất nhiều điều, từ không gian, đồ nội thất và cách bài trí vật dụng trong phòng bếp cũng là điều hết sức quan trọng.
1. Bàn ăn
Cách chọn bàn ăn: Theo phong cách truyền thống, người ta thường sử dụng bàn hình tròn, biểu thị sự sum họp. Ngoài ra, bàn có thể là hình vuông, hình chữ nhật hoặc elip, tránh chọn bàn ăn có góc nhọn, nhiều cạnh hoặc hình bình hành. Bàn ăn nên đặt ở chỗ khuất, không nên đặt gần cửa ra vào. Bàn ăn cũng không nên đặt đối diện với bàn thờ tổ tiên hay thờ thần. Vì diện tích hẹp phải đặt như vậy thì nên đặt bàn ăn ra xa một chút và lùi ra hai bên, tránh trường hợp bàn ăn và bàn thờ ở trên một đường thẳng.
Điều tối kỵ khi đặt bàn ăn ở phòng có xà ngang treo lơ lửng trên đầu dẫn đến chủ nhà bất minh, nhân khẩu hao hụt. Nếu vì diện tích hẹp mà phải đặt như vậy thì nên treo quả cầu tròn với màu sắc phù hợp bên dưới xà ngang với hàm ý: quả cầu đã hứng chịu hết cho gia chủ.
2. Vị trí bếp
Theo thuật phong thủy , khi bài trí nội thất không nên đặt bếp nấu ăn nhìn thẳng ra cửa chính hay phía sau bếp là cửa sổ vì gió sẽ thổi vào bếp từ những cửa này, đặc biệt không nên đặt bếp nấu ở cạnh cửa sổ có mặt trời phía tây chiếu vào vì nếu bạn đun bằng bếp dầu hay ga gió không chỉ thổi tắt bếp ma mùi dầu, ga còn gây độc hại cho người. Nếu bạn đun bằng bếp than củi lúc gió thổi lửa liếm ra 4 phía có khi còn gây ra hỏa hoạn. Ngoài ra, không nên đặt bếp ở gần phòng ngủ vì bếp nóng bức, hơi dầu mỡ, người hít phải nhiều hơi này sẽ có hại cho sức khỏe.
Tránh đặt bếp nấu ăn kẹp giữa hai vật dụng mang theo nước như máy giặt, tủ lạnh, bồn chậu rửa bát vì thuỷ kị hoả. Nhà bếp là nơi rất quan trọng trong một gia đình do đó bạn nên đặt ít đồ để tạo không khí thoáng. Bạn cũng nên đặt quạt thông gió hoặc máy hút khói dầu để làm sạch không khí sau khi nấu ăn. Hơn nữa, phòng bếp cần có đủ ánh sáng, do vậy bạn nên lắp đèn tuýp hoặc đèn chùm là tốt nhất.
Hướng bếp tránh đặt đối điện với cửa nhà vệ sinh vì khu vực này được xem là nơi dẫn các uế khí. Nếu thiết kế nội thất ngôi nhà không thể thay đổi được thì có thể làm một vách ngăn che chắn.
3. Bồn rửa bát
Như đã nói ở trên, chúng ta không nên để bồn rửa bát quá gần bếp nấu ăn nhưng cũng không nên đặt bồn rửa ở phía đối diện với bếp vì sẽ gây nhiều điều bất tiện cho người nấu. Cách bố trí bếp phổ biến nhất là theo nguyên tắc hình tam giác, nghĩa là bếp - bồn rửa - tủ lạnh. Bồn rửa được đặt ở độ cao vừa phải để tránh cho người sử dụng phải cúi hay kiễng.
4. Hũ gạo
Theo phong tục tập quán, trong bữa ăn của người phương Đông không thể thiếu cơm gạo. Thế chúng ta có thể đặt hũ gạo ở đâu là tốt nhất? Nên đặt nó tại nơi kín đáo ở hướng Tây Nam hay Đông Bắc của bếp và được kê lên để chống ẩm. Tránh đặt nó ở hướng Đông và đặt quá cao.
5. Vị trí tủ lạnh
Ngày xưa, ông cha ta chưa có tủ lạnh nên trong các tài liệu về phong thủy của người xưa để lại chưa đề cập tới vấn đề này. Nhưng theo quan điểm được nhiều người đồng tình nhất về cách đặt tủ lạnh là nên đặt nó ở hướng lành (Bắc, Đông Nam), vì tủ lạnh là loại máy móc vận hành liên tục 24h/ngày. Nếu như đặt ở hướng dữ sẽ làm chấn động đến các sao dữ, và kích động nó gây rối.
6. Thờ táo quân
Là người Việt Nam chắc hẳn ai cũng biết về sự tích ông Công, ông Táo. Tục lệ thờ những vị thần này được gìn giữ và lưu truyền cho tới ngày nay. Nên thờ Táo quân ở đâu là phù hợp nhất? Các vị thần này nên được đặt phía trên bếp nấu ăn, nếu không đủ chỗ thì đặt ở góc nhà bếp phía Nam, bởi vì ngũ hành Táo quân thuộc "Hoả", cho nên Táo quân cần được đặt ở phía Nam "Hoả" vượng. Tránh đặt gương hoặc tủ kính đối diện tượng do gương có thể phản xạ hương khói nơi thờ cúng gây bất lợi về mặt phong thủy.
Theo: eva