Sự phát triển thần tốc của các chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn như FPT Long Châu, Pharmacity, An Khang, Trung Sơn Pharma,... đã tạo nên một cục diện mới cho ngành Dược phẩm. Có thể thấy rằng sức ảnh hưởng ngày một tăng cao của các chuỗi bán lẻ trong ngành Dược phẩm vừa đem lại những thuận lợi nhưng cũng kéo theo áp lực không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong ngành.
1. Tổng quan về thị trường bán lẻ dược phẩm và hoạt động của các chuỗi bán lẻ
Phân tích từ IBM, dự đoán doanh số của thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam sẽ tăng từ 7,7 tỷ USD vào năm 2021 lên mức 16,1 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng kép CAGR đầy ấn tượng - 11%. Trong đó, báo cáo từ Công ty Chứng khoán VNDIRECT vào năm 2021 đã chỉ ra rằng Việt Nam có khoảng 57.000 nhà thuốc bán lẻ truyền thống, chiếm khoảng 85% thị trường và các chuỗi nhà thuốc chiếm khoảng 15% vào thời điểm này.
Tuy nhiên, con số này dự đoán sẽ tiếp tục biến động mạnh khi các chuỗi nhà thuốc đang trên mức đà phát triển thần tốc. Chỉ với khoảng 185 nhà thuốc thuộc chuỗi vào năm 2016, đến 2021 con số này đã tăng lên 1600 và tiếp tục bước vào giai đoạn bùng nổ mạnh trong năm 2022.
Trong đó, những cái tên lớn như: FPT Long Châu, Pharmacity, An Khang, Trung Sơn Pharma, Phano Pharma,... đang là những thương hiệu thống lĩnh thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam. Đặc biệt, bộ ba Long Châu, Pharmacity và An Khang đều đang gia nhập đường đua số lượng chuỗi nhà thuốc với tham vọng phủ sóng toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
Theo thống kê của VNExpress, tính đến tháng 3 năm 2022, Pharmacity dẫn đầu với 959 nhà thuốc, tiếp theo là FPT Long Châu với 517 và An Khang với 208 nhà thuốc. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, An Khang đã tăng con số lên gấp đôi với 529 điểm bán và Pharmacity tiếp tục dẫn đầu với số lượng nhà thuốc vượt mốc 1000, trong khi FPT Long Châu đặt mục tiêu 800 nhà thuốc vào cuối năm 2022. Như vậy, không khó để thấy được tốc độ mở rộng thần tốc với khả năng tăng trưởng hàng trăm cửa hàng chỉ trong vòng hơn 6 tháng của bộ ba chuỗi bán lẻ này.
Với khả năng phủ sóng mạnh mẽ, cách thức bán hàng chuyên nghiệp, đội ngũ dược sĩ chuyên môn cao và đặc biệt là chiến lược marketing rầm rộ, phân phối thông minh, đã giúp cho các thương hiệu bán lẻ dược phẩm dần nhận được sự tin tưởng và chú ý của người tiêu dùng. Sự phát triển của chuỗi nhà thuốc không chỉ tác động mạnh đến xu hướng và thói quen mua dược phẩm của người tiêu dùng Việt Nam, mà kéo theo đó là những ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các nhãn hiệu dược phẩm và thị trường dược nói chung.
2. Ảnh hưởng của chuỗi bán lẻ đến doanh nghiệp dược phẩm
Nhìn chung, sự phủ sóng của các chuỗi bán lẻ dược phẩm có thể mang đến cho các doanh nghiệp sản xuất và thị trường dược cả những tác động tích cực và tiêu cực. Cụ thể:
Tích cực
- Hỗ trợ tối ưu quá trình tư vấn và chăm sóc khách hàng
Việc các chuỗi nhà thuốc ngày càng phát triển lớn mạnh và không ngừng hoàn thiện về hệ thống phân phối, tư vấn, chuyên môn,... sẽ giúp tối ưu hóa quá trình tư vấn và chăm sóc khách hàng tốt hơn so với các nhà thuốc truyền thống. Bên cạnh đó, nhờ việc tổ chức phân phối với quy mô lớn, các chuỗi nhà thuốc cũng thường sở hữu mức giá ưu đãi hơn cho người tiêu dùng, cùng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Nhờ vậy, dược phẩm từ các nhãn hàng sẽ được tới tay người tiêu dùng một cách thuận lợi và hiệu quả nhất, góp phần tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng đối với thương hiệu.
- Thu hút người tiêu dùng tốt hơn nhà thuốc truyền thống
Có thể nói, sự phát triển của các chuỗi nhà thuốc đã phần nào tạo nên những thay đổi không nhỏ trong thói quen và xu hướng tiêu dùng dược phẩm của người dân. Không chỉ chú trọng vào khâu bán hàng, các thương hiệu bán lẻ ngày nay còn tích cực mang tới những hoạt động tiếp thị ấn tượng, nhằm thu hút người tiêu dùng. Hàng loạt các hoạt động PR, chương trình CSR, khuyến mãi,... được thực hiện, giúp các chuỗi bán lẻ tạo dựng được vị thế thương hiệu ấn tượng trong lòng khách hàng, tạo nên sức hút mới trong thị trường dược phẩm vốn khá ảm đạm.
Mật độ phủ sóng rộng rãi của hệ thống nhà thuốc cũng tạo ra môi trường giúp nhãn hàng có được nhiều cơ hội tiếp cận người tiêu dùng hơn, ở đa dạng vùng miền, khu vực trên khắp lãnh thổ Việt Nam.
- Hỗ trợ thực hiện các hoạt động tiếp thị
Bên cạnh nhiệm vụ đẩy bán dược phẩm, các chuỗi nhà thuốc còn tạo nên môi trường thuận lợi cho các hoạt động tiếp thị của doanh nghiệp trong ngành. Nhiều nhãn hàng đã kết hợp cùng các thương hiệu bán lẻ này để tạo nên những chương trình khuyến mãi, trade marketing, các hoạt động PR,... tác động trực tiếp đến người mua dược phẩm. Sự uy tín của các thương hiệu bán lẻ đã tạo nên sự cộng hưởng về mặt truyền thông giữa chuỗi bán lẻ và nhãn hàng, góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động tiếp thị của các bên.
- Quy trình làm việc chuyên nghiệp
So với quy trình làm việc với từng nhà thuốc nhỏ lẻ, việc hợp tác với các chuỗi bán lẻ sẽ dễ dàng và thuận tiện hơn cho các doanh nghiệp dược phẩm. Các chuỗi như FPT Long Châu, An Khang hay Pharmacity đều có hệ thống vận hành chuyên nghiệp, dẫn dắt bởi những tập đoàn lớn. Vì vậy, nhãn hàng dược phẩm có cơ hội hợp tác ổn định trong dài hạn với giá trị hợp đồng lớn, chuyên nghiệp trong việc xử lý các vấn đề liên quan.
Tiêu cực
Bên cạnh những lợi thế trong việc đẩy bán và hỗ trợ truyền thông, sự phát triển quá lớn mạnh của các chuỗi bán lẻ dược phẩm cũng có thể khiến các doanh nghiệp trong ngành gặp phải nhiều áp lực:
- Sức ép về giá và mức chiết khấu cao
Với những điểm mạnh về hệ thống phân phối, thương hiệu và đội ngũ dược sĩ, các chuỗi bán lẻ đang chiếm ưu thế rất lớn trên thị trường dược phẩm. Dựa vào ưu thế đó, nhiều chuỗi đang ép mức giá mua từ đơn vị sản xuất xuống mức thấp nhất có thể cùng với đó là những đòi hỏi về mức chiết khấu cao cùng các hoạt động hỗ trợ khác.
Điều này có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận và hoạt động kinh doanh của các đơn vị sản xuất dược phẩm, gia tăng sức ép cạnh tranh về giá giữa các thương hiệu đối thủ.
- Thương hiệu bán lẻ lấn át thương hiệu sản xuất dược phẩm
Nhờ vào hoạt động tiếp thị khôn khéo, những chuỗi lớn như FPT Long Châu, An Khang hay Pharmacity đã tạo dựng được một vị thế thương hiệu tương đối vững chắc trong lòng người tiêu dùng. Không ít người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn sự tư vấn từ các chuỗi nhà thuốc thay vì chủ động tìm hiểu về các thương hiệu dược phẩm. Thực trạng này càng làm gia tăng sự phụ thuộc của các nhãn hiệu dược phẩm vào các chuỗi bán lẻ.
- Mất thế chủ động trong hoạt động kinh doanh
Tầm ảnh hưởng của các chuỗi bán lẻ trên thị trường có thể đẩy các nhãn hàng Dược phẩm vào thế bị động trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi một thương hiệu dược phẩm phụ thuộc quá sâu vào kênh phân phối của chuỗi bán lẻ, việc các chuỗi này chấm dứt hợp tác hay bắt tay với đối thủ có thể khiến thương hiệu không kịp thích nghi, đóng băng hoạt động hay thậm chí là dừng sản xuất kinh doanh.
Trong trường hợp chuỗi bán lẻ mở rộng sang việc nghiên cứu và phát triển dược phẩm, các thương hiệu sẽ khó lòng cạnh tranh và gặp rất nhiều khó khăn trong phân phối.
3. Giảm tải sức ép từ nhà thuốc cho các doanh nghiệp dược phẩm
Đẩy mạnh truyền thông & thương hiệu
Thương hiệu vững mạnh luôn là vũ khí quan trọng cho sự tồn tại và phát triển bền vững của các doanh nghiệp Dược phẩm. Vì vậy, các nhãn hàng cần chú trọng nhiều hơn vào các chiếc lược truyền thông và xây dựng thương hiệu nhằm tạo dựng vị thế vững mạnh trong lòng người tiêu dùng.
Khi tạo dựng được niềm tin với người tiêu dùng, nhu cầu sử dụng dược phẩm của thương hiệu sẽ gia tăng, đòi hỏi các chuỗi bán lẻ phải có được nguồn cung để đáp ứng lượng cầu này. Nhờ đó, dược phẩm của doanh nghiệp sẽ trở thành mục tiêu và mong muốn phân phối của các chuỗi bán lẻ. Như vậy, thế chủ động sẽ thuộc về đơn vị sản xuất, chuỗi bán lẻ sẽ khó khăn hơn trong việc ép giá hay đòi hỏi chiết khấu.
Ngày nay, nhiệm vụ truyền thông và xây dựng thương hiệu trong ngành Dược phẩm hiện nay đang tập trung vào việc tối ưu hóa trải nghiệm người tiêu dùng trên đa điểm chạm, phát triển đa dạng các kênh truyền thông, chương trình cộng động CSR, phát triển các nội dung giá trị hướng đến người tiêu dùng,....
Phát triển hệ thống phân phối đa dạng
Việc phát triển hệ thống phân phối đa dạng, linh động giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong quá trình phân phối, phân tán mục tiêu phân phối lên nhiều kênh, tránh phụ thuộc quá nhiều vào các chuỗi bán lẻ.
Ngày nay, việc phát triển các kênh thương mại điện tử như website, sàn thương mại điện tử,... đang trở thành xu hướng quan trọng trong ngành Dược phẩm. Nhiều thương hiệu lớn như Hoa Linh, Sao Thái Dương, Dược Delap, CVI,... đã nhanh chóng triển khai và nắm bắt những lợi thế vượt trội từ hoạt động thương mại điện tử.
Những kênh tiếp cận khách hàng dược phẩm hiệu quả trong thời đại 4.0
Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nhà máy sản xuất dược phẩm
Những thiết bị chính trong dây chuyền sản xuất thuốc/ dược phẩm đạt chuẩn GMP