Những lưu ý khi đi khám sức khỏe định kỳ
phuongnguyenwru > 11-19-2014, 08:59 AM
Khám sức khỏe định kỳ không chỉ giúp bạn phát hiện sớm bệnh tật ngay cả khi chưa có triệu chứng mà còn giúp bạn nhận được những lời khuyên quan trọng của bác sĩ để điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt cho thật phù hợp.
Kết quả khám chính xác có ý nghĩa trong chẩn đoán để sàng lọc và đưa ra phương án điều trị bệnh hiệu quả. Bởi thế, đảm bảo kết quả khám chuẩn xác nhất, người dân dù không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, tiền sử điều trị bệnh hay khám sức khỏe cho trường hợp đang điều trị bệnh mạn tính nào đó,… cũng nên lưu ý chuẩn bị các điều kiện khi lấy mẫu xét nghiệm, chụp X quang, siêu âm và nội soi dạ dày, đại tràng. Các lưu ý khi khám sức khỏe định kỳ gồm:
- Nếu bạn đã từng mắc bệnh hoặc đang có bệnh, cần nói rõ với bác sỹ (nếu bạn là phụ nữ đang mang thai cũng cần trao đổi rõ với bác sĩ) để được kiểm tra triệt để và nhận những lời khuyên từ bác sĩ về căn bệnh của bạn. Tiền sử bệnh gia đình cũng là yếu tố quan trọng trong việc thăm khám, đặc biệt là với các bệnh có khả năng di truyền hoặc lây nhiễm. Cần cho bác sĩ biết nếu trong gia đình, họ hàng đang (hoặc đã từng) có người mắc các bệnh như: cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường, ung thư, viêm gan do virut, suy giảm miễn dịch,…
- Buổi sáng ngày đi khám, không ăn sáng, không uống các chất có đường, gas hoặc chất gây nghiện như trà, cà phê,.. chỉ uống nước lọc để đảm bảo cho kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu của bạn chính xác nhất.
- Đối với nữ, không khám phụ khoa nếu đang trong kỳ kinh nguyệt, đang có thai. Phụ nữ có gia đình tránh quan hệ tình dục trước ngày khám (nếu có khám phụ khoa). Phụ nữ mang thai không chụp X-Quang.
- Nếu có siêu âm bụng tổng quát, bạn nên uống nhiều nước và nhịn tiểu cho tới khi siêu âm bụng xong. Vì có đầy nước tiểu trong bàng quang sẽ giúp bác sĩ quan sát được toàn bộ thành bàng quang, tử cung và hai buồng trứng (đối với nữ) hoặc tuyến tiền liệt và túi tinh của nam.
- Sau khi có đủ các dữ liệu về tình trạng sức khỏe của bạn, bác sĩ sẽ cho bạn biết kết quả, cấp toa thuốc và cho những lời khuyên về sức khỏe.
- Đây là lúc bạn cần hỏi bác sĩ tất cả thắc mắc về bệnh trạng của mình: có phải uống thuốc, uống trong bao lâu, phản ứng thuốc, có cách chữa nào khác ngoài dùng thuốc, tái khám…
Cũng trong dịp khám tổng quát này, bạn nên hỏi bác sĩ về chủng ngừa các bệnh như viêm gan siêu vi B, phong đòn gánh, cúm gia cầm, ung thư cổ tử cung…
Nguồn: phongkham101chienthang.vn