Hàm răng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình ăn uống cũng như giao tiếp và thẩm mỹ gương mặt của trẻ. Vì vậy muốn con có được một hàm răng chắc khỏe, đẹp và đều là mong muốn chung của tất cả các bậc phụ huynh. Thế nhưng, chính những quan niệm “vốn tưởng là tốt” dưới đây lại đang biến cha mẹ thành người tiếp tay trong việc phá hủy hàm răng của con mình.
1.Răng sữa không quan trọng?
Đây là một suy nghĩ sai lầm. Hầu hết mọi người thường coi nhẹ vai trò của răng sữa vì nghĩ rằng chúng rốt cục cũng sẽ bị thay thế bởi răng vĩnh viễn mà thôi. Trong thực tế, răng sữa gắn bó với trẻ trong suốt những năm đầu đời. Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng đặt nền tảng cho chất lượng sức khỏe và thẩm mỹ răng miệng về sau.
Trẻ em thường có khoảng 20 răng sữa mọc dần từ 6 tháng tuổi đến 3 tuổi. Răng sữa giúp giữ đúng khoảng trống cho răng trưởng thành, đảm bảo răng trưởng thành được xếp thẳng hàng.
Thêm vào đó, răng sữa khỏe mạnh sẽ giúp hàm phát triển chính xác, tránh tình trạng tạo nên vết cắn xấu
(bad bite), ảnh hưởng khả năng nhai nghiền thực phẩm. Nếu khả năng nhai của trẻ không đủ tốt, chất lượng bữa ăn cũng sẽ suy giảm khá nhiều.
Điều này gây ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của trẻ. Bên cạnh vấn đề răng miệng, răng sữa khỏe mạnh còn giúp trẻ học nói nhanh hơn.
2. Khi nào răng có vấn đề gì mới đi khám
Phần đông cha mẹ ở Việt Nam thuộc những thế hệ trước chỉ dẫn con mình tới phòng khám khi bé đã gặp vấn đề gì đó. Điều này gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ răng miệng của trẻ sau này.
Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là nhiều phụ huynh ngày nay tuy đã dần nhận thức được tầm quan trọng của những đợt thăm khám Nha sĩ. Song họ vẫn còn phân vân không biết lúc nào mới nên là lần đầu tiên dẫn trẻ đi khám? Học viện Nha khoa Nhi khoa Hoa Kỳ (AAPD) khuyên phụ huynh nên dẫn trẻ đến nha sĩ khi trẻ được 1 tuổi hoặc trong vòng sáu tháng từ lúc chiếc răng đầu tiên mọc lên.
Thông qua những buổi gặp gỡ đầu tiên này, Bác sĩ có thể giúp trẻ xây dựng dần ý thức giữ gìn vệ sinh răng miệng một cách rất tự nhiên.
Nhờ làm quen với phòng khám từ sớm, con bạn sẽ hình thành thói quen thăm khám một cách thoải mái thay cho nỗi sợ phổ biến về phòng khám Nha ở những đứa trẻ khác. Về sau, phụ huynh sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều khi không cần phải năn nỉ hoặc đe dọa trẻ đến khám nữa.
3. Cấm ăn kẹo thì không cần lo trẻ bị sâu răng nữa
Các bậc phụ huynh thường ngăn cấm trẻ ăn các loại bánh kẹo. Họ tin rằng cách làm này sẽ giúp răng trẻ không bị sâu. Tuy nhiên sự thật lại khác.
Sâu răng xảy ra là do vi khuẩn có sẵn trong miệng, chủ yếu là
Streptococcus Mutans. Khi thức ăn bám lên bề mặt răng; đặc biệt là đường và tinh bột, các vi khuẩn sẽ phân hủy thức ăn tạo nên acid ăn mòn men răng, qua thời gian sẽ chuyển hóa thành các lỗ sâu.
Có rất nhiều loại thực phẩm chứa lượng đường và axit cao. Ngoài bánh kẹo thì trái cây, sữa và nước ngọt có ga cũng có thể gây sâu răng nếu thiếu đi biện pháp vệ sinh phù hợp. Vậy nên, điều quan trọng là bạn phải hiểu rõ nguyên nhân gây sâu răng. Để từ đó có cách chăm sóc răng miệng của trẻ kỹ càng. Ngăn cấm không phải cách giải quyết vấn đề này triệt để.
4. Vệ sinh thế nào mới đúng?
- Bàn chải: Một số phụ huynh chỉ lựa chọn bàn chải có màu sắc vui nhộn mà thiếu quan tâm đến chất lượng của chúng.
Khi chọn mua bàn chải cho trẻ, phụ huynh nên chú ý xem lông bàn chải có mềm không. Bàn chải có lông từ sợi nilon thường hơi cứng, dễ đâm vào lợi/nướu, gây tổn thương cho bé. Tốt hơn hết, bạn nên chọn những sản phẩm có lông chải mỏng, mềm.
Kích cỡ cũng rất quan trọng, hay xem bàn chải có vừa tay bé không. Nên chọn những loại bàn chải có phần đầu nhỏ, đảm bảo có thể đi đến tất cả các kẽ răng để làm sạch tốt hơn. Tuyệt đối không dùng bàn chải người lớn đánh răng cho trẻ.
- Chỉ nha khoa: Không có nhiều người dạy con mình sử dụng chỉ nha khoa khi còn bé. Thật ra chỉ nha khoa rất tốt trong việc lấy đi những phần thức ăn thừa dính giữa hai răng - điều mà bàn chải không thể đảm bảo 100%. Nếu bạn sợ rằng trẻ quá nhỏ để thực hiện thao tác này, hãy dành thời gian làm giúp bé và chỉ dạy từ từ. Trẻ em học rất nhanh, chúng sẽ sớm quen với việc sử dụng chỉ thôi.
- Kem đánh răng: Có hai trường phái tranh cãi nhau về vấn đề liệu có cần cho trẻ dùng kem đánh răng không? Nhiều phụ huynh lo sợ trẻ sẽ nuốt kem đánh răng khi dùng nên chỉ cho súc miệng với nước muối hay thậm chí chỉ là nước trắng. Tuy nhiên có nhiều thứ mà nước trắng không thể tẩy sạch được.
Trong khoang miệng bé chứa rất nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Sau khi ăn, các mảnh nhỏ thức ăn bám lại trên răng tạo mảng bám. Nếu mảng bám này không được loại bỏ, nó có thể tích lũy theo thời gian và gây ra một số vấn đề sức khỏe răng miệng như sâu răng, bệnh nướu răng, và hôi miệng.
Trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm kem đánh răng lành tính cho trẻ em. Kem đánh răng hữu cơ là một lựa chọn tuyệt vời. Hầu hết là các loại kem đánh răng hữu cơ (organic) có nguồn gốc thiên nhiên, không chứa thành phần fluor hoặc có hàm lượng fluor thấp.
Chúng sẽ không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe khi bé lỡ nuốt phải. Chọn kem đánh răng đúng là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy thói quen vệ sinh răng miệng thường xuyên và duy trì một nụ cười xinh cho bé.
5. Niềng răng cần đợi đến 12 tuổi
Một số phụ huynh thường đợi khi trẻ đủ 12 tuổi mới thực hiện
niềng răng. Thật ra có một số vấn đề cần được điều trị chỉnh hình từ sớm như:
cung răng hẹp; răng mọc lệch lạc hoặc chen chúc nghiêm trọng; răng cửa nhô ra quá mức bình thường v.v. Những thao tác chỉnh nha này cần được thực hiện ngay khi phát hiện vấn đề. Bác sĩ sẽ dùng tới các khí cụ chuyên dụng để điều chỉnh lại các răng, tạo khoảng trống tốt cho răng vĩnh viễn mọc. Bằng việc can thiệp từ sớm như vậy, trẻ sẽ không cần phải thực hiện nhổ răng khi niềng và thời gian niềng cũng có thể được rút ngắn lại.
Sức khỏe răng miệng của trẻ em những năm đầu đời là vô cùng quan trọng. Đừng để thông tin sai lệch khiến bé phải gánh những tác hại đáng tiếc về sau. Chúng tôi hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những kiến thức bổ ích về sức khỏe răng miệng cho trẻ. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, đừng ngần ngại liên hệ đội ngũ chúng tôi nhé.