Phía bên kia đường chân trời xa tắp ấy
linktest > 10-01-2013, 01:55 AM
Sách : Phía bên kia đường chân trời xa tắp ấy
Khi mấy đứa bạn cùng xóm vào lớp một thì tôi còn ở ngoài ruộng lùa vịt. Tôi đi học muộn. Tôi không nhớ tại sao, có lẽ vì cái nghèo đeo đuổi gia đình chúng tôi, những người chỉ biết giao mặt cho đất, bán lưng cho trời. Chuyện học hành dường như là điều xa xỉ đối với chúng tôi, những người chỉ biết cả đời đi làm lúa mướn, hay rị mọ chăm sóc vườn rau nho nhỏ bên hiên nhà cho qua ngày đoạn tháng. Vậy mà đứa nào cũng lớn phổng phao, chỉ tội lèm nhèm mặt chữ và hay ấp a ấp úng đọc thuộc lòng bảng cửu chương.
Lúc đó tôi thường dậy sớm, cỡ khoảng năm giờ sáng. Tờ mờ nghe gà gáy đầu trên xóm dưới là đã lò mò thức dậy, bới tô cơm nguội ăn với đường thùng, uống quấy quá gáo nước mưa lạnh ngắt, rồi lục đục mở chuồng lùa vịt ra đồng. Tôi có vẻ thích thú với “nghề’ này, vì trông có vẻ oai phong của ông tướng võ mà tôi hay xem ké cải lương trên ti vi nhà hàng xóm vào mỗi tối thứ bảy. Cái oai vệ của thằng nhỏ đội cái nón vải rách tả tơi, tay cầm cây trúc có cột miếng giẻ rách te tua làm cây bẹo, khua khua điều khiển bầy vịt mấy trăm con, nhao nhao nhưng vô cùng trật tự. Cái khí phách hiên ngang của đứa bé lên bảy lên mười ẩn đằng sau giọng quát nạt vào mấy con vịt bầu vô lối chạy lung tung, hay tiếng dụ dỗ kiếc kiếc kêu gọi bầy đàn nghe não ruột. Lắm khi cái ngông ngông lúc cự nự với thương lái ngoài chợ đến hỏi mua trứng hay trả giá chèo kéo đôi co cũng làm tôi thấy mình trở nên quan trọng trong cuộc đời nghèo hèn mạt rệp.
Đó là khi tôi run run cầm mớ tiền giấy hôi rình ướt nhẹp từ tiền bán trứng để giao cho mẹ đóng tiền hụi chết cho người ta. Hay như khi cha tôi rầu rầu, sợ mùa gió chướng thì vịt bị cúm chết bụi chết bờ, thì tôi tỏ vẻ ta đây, kẹp đầu mấy con vịt vào đùi, rồi bắt chúng hả miệng uống vài giọt rượu có ngâm con rít to bằng ngón chân mà tôi bắt hôm đầu mùa mưa để ngừa bệnh dịch. Hầu như cái tâm của tôi đã nhập vào bầy vịt. Cảm giác ngây ngô như thể đồng loại chạy sâu vào tâm tưởng, phát tán vào những bước chân nhỏ xíu loạng choạng bấu víu trên mớ bùn đất tanh tanh mùa nước rong vừa rút. Có lẽ bầy vịt là bạn bè thân thiết, và ruộng đồng là thế giới bình an của riêng tôi.
Tôi chỉ biết thế giới của mình qua những cánh đồng xanh ngút mắt mùa trước Tết gió heo may, mà lại hắt hiu trơ trơ gốc rạ mùa tháng sáu trời bức bối vụt đổ vài cơn mưa. Tôi chỉ thấy tôi qua làn khói đốt đồng hư ảo mùa tháng năm nắng bừng bừng đỏ rực hoa phượng vĩ dọc đường đi. Đó là khi mấy thằng bạn bắt đầu bãi trường, lần mò ra chơi ngoài ruộng với tôi. Khi mấy đứa nó bắt đầu biết làm toán cộng hai số thì tôi đã biết đếm tới hàng trăm bằng cách đếm bừa đầu bầy vịt theo màu lông và kích cỡ. Khi tụi nó tập tành làm toán đố thì tôi đã có thể tính nhẩm đến chục ngàn từ tiền bán trứng vịt mót ngoài bờ ao bằng cách nhận diện hình ảnh và màu sắc của từng tờ tiền giấy. Khi tụi nó bắt đầu ngồi trầm ngâm cặm cụi viết bài tập làm văn miêu tả cây cối hay ông bà, thì tôi bắt đầu học mơ mộng với trời đất bao la, dù bản thân chưa viết được tên của chính mình.
Có khi nghe thằng bạn bắt đầu học lớp ba ê a gào cổ họng, cố tập đọc thuộc lòng một đoạn trong Truyện Kiều Cỏ non ranh rợn chân trời mà tôi cười sằng sặc nói rằng đối với tôi chỉ có Lúa non xanh biếc mây trời mà thôi. Trong thế giới của tôi chỉ có cánh đồng lúa bạt ngàn vừa gieo mạ xanh mơn mởn. Cánh đồng đó chính là nơi tôi có thể thư thả nhìn xa xa về khoảng chân trời xanh biếc. Đường chân trời xanh biêng biếc ấy ở phía trước mặt của tôi, còn đằng sau lưng là con kinh cạn nước mà bầy vịt của tôi tự do ngụp lặn mò hến mò cua. Kiểu lý sự cùn của tôi luôn bị đám bạn đáp trả bằng cái xì mũi trề môi, và tụi nó phán rằng suốt đời tôi chỉ là vua chăn vịt.
Có lẽ tụi nó nói đúng. Đối với bầy vịt, tôi là ông tướng không ngai. Nghe hàng xóm ghẹo, nói đời xưa có ông Đinh Bộ Lĩnh làm tướng cờ lau cho bọn trẻ chăn trâu mà sau này làm vua nước Việt. Chứ đời tôi chỉ muôn đời làm vua bầy vịt mái hay đẻ bậy ngoài bờ kinh. Nhưng tôi có cái tự do tự tại, và ngạo nghễ với cuộc đời mà đám bạn cùng thời không sao có được, dù đó là cách để tự mình bào chữa với bản thân khi già đầu mà không biết chữ. Đôi khi tôi thoáng thấy ánh mắt ưu tư của cha, vẻ mặt buồn buồn của mẹ khi tôi chụp bừa cái nón vải bạc màu lên đầu rồi vô tư chạy ùa ra ngoài ruộng. Nhưng đối với thằng nhóc ăn chưa lo nghĩ chưa tới, thế giới của tôi chỉ vòng vòng với bờ ruộng, con kinh, hay kết thân với mấy con châu chấu đạp càng phành phạch hòng xua đi cái nóng tháng tư hanh hanh rát rạt da đầu. Đó là khi đám bạn phải học hành quyết liệt để chuẩn bị thi học kỳ hai. Tụi nó không ra ngoài ruộng chơi với tôi nữa. Chỉ một mình, tôi bắt đầu chơi với sự mơ tưởng của riêng mình.
Tôi hay mơ, khi tuổi thơ không có gì để chơi đùa như đám bạn cùng xóm. Có khi nằm ườn mình ên dưới hàng tre mọc tua tủa ngoài bờ ruộng mà tôi lại mơ màng về những chuyện vẩn vơ. Có khi mơ chiều nay tự nhiên có gánh hát bầu tèo về dựng rạp ngoài sân ông Tám, để ban tối mình có thể đánh đu tòn ten bên hông cánh gà được dựng trên những cái thùng phuy đen thui. Hay mơ tự nhiên anh kép chính bị bệnh, ông bầu sẽ năn nỉ mời mình hát một bài vọng cổ giúp vui, rống cổ lên hát cho hết khúc lý Ba Tri nghe buồn muốn khóc. Rồi khi gánh hát đi rồi, tự nhiên trong lòng lại muốn đi lông bông như họ. Bước xuống chiếc ghe tam bản dài dài, ông ổng quảng cáo bản tuồng của đoàn mình bằng cái loa có gắn pin con ó mà đôi khi bị khò khè như anh kép pê-đê giả giọng Đát Kỷ bị ho gà, rồi chạy lông nhông từ ấp Te Te, qua bên Ngãi Hùng, xuôi dòng Cầu Quan đi qua tận bên Đại Ngãi, Cù Lao Dung. Vậy là tôi bắt đầu mơ mộng những chuyến đi chơi rong ruổi đâu đó trong cuộc đời.
Có khi tôi mơ màng được đi ngao du đâu đó ra ngoài ấp Te Te nhỏ xíu hay ngập úng nước tới đầu gối vào mùa nước rong. Có bận nghe mấy thằng bạn Khơ-me kháo nhau rằng chùa Âng, chùa Hang ở ngoài thị xã “hoành tráng” lắm, mái chùa cong vút sơn son thếp vàng, sang trọng khác xa mấy cái tum thờ thần đất thần nước dọc bờ kinh điêu tàn nhỏ rị. Vậy là lại mơ đi chơi ngoài thị xã. Có khi tôi chỉ mơ bầy vịt mau lớn, đẻ nhiều, để xin mẹ ít tiền ra ngoài chợ Tiểu Cần mua cái đồng hồ điện tử Casio màu đen, bấm kêu tít tít, giả bộ nhờ chị hai cài giờ báo thức lúc năm giờ sáng để ra bến xe Tiểu Cần đón xe lên thị xã. Chỉ là giả vờ như đi thiệt, nhưng hình như tôi thấy phía trước luôn có đường chân trời rộng mở. Đường chân trời này chính là nỗi khát khao trần thế của tuổi ngây thơ, mà đôi khi nó còn vượt ra ngoài tỉnh thành nho nhỏ trong khi mình còn chưa hiểu đường thiên lý dài rộng đến nhường đâu.
Tôi chỉ có khái niệm đường đi từ nhà đến ruộng, và vòng vòng trong những cánh đồng miên man. Đường đi nước bước trong thế giới nhỏ nhoi ấy thì tôi rành rẽ đến độ chán chường vì sự thân thuộc mỗi ngày. Có hôm đang lùa bầy vịt băng đồng qua bờ ruộng, tôi đã biết lịch sự dồn đám quân ô hợp của mình vào một mép để nhường đám cưới rước dâu băng đồng qua phía bên kia chân trời xa mút mắt. Chú rể thắt cà vạt cũ mèm bay phất phới trong gió, cười cười nháy mắt với tôi, kêu má mày lấy vợ cho đi, nhe nhỏ. Ông này tào lao thiệt! Tuần trước còn đi cấy lúa mướn bên kia bờ kinh, lâu lâu làm bộ la hét dọa nạt mình không được lùa vịt qua bên đó. Lại còn giả đò lân la tới làm quen rồi xúi mình tập tành hút thuốc rê cho ra dáng đàn ông mạnh bạo, dù ảnh mới vừa đủ tuổi bị kêu đi khám nghĩa vụ quân sự mà thôi. Anh ta cười bâng quơ, nói nhóc ơi, hổng biết ở xa xa đó là gì hả mậy? Dớ mèn ơi, xa xa đó là nơi “xanh biếc mây trời” chứ là gì! Anh chàng cười vang, vỗ vào đầu mình và nói mày ngu hơn vịt. Xa xa ấy là nơi người yêu tao đang đợi tao cậy nhờ mai mối.
Thì chỉ có anh mới biết bản thân mong đợi điều gì ở phía bên kia đường chân trời bí ẩn đó. Anh chàng trông bảnh mắt với cái áo sơ mi trắng tươi, quần tây màu xanh dương hơi rộng, lòi ra cọng dây nịt thun ba màu xanh trắng đỏ, trông có vẻ màu mè với cà vạt đỏ ối. Lấy vợ là phải thắt cà vạt hả ta? Cái cọng dây dài dài đẹp đẹp chắc rồi sẽ trói đời hai người lại với nhau, như cha và mẹ phải ở với nhau suốt cả cuộc đời. Rồi cái cà vạt ấy có bao giờ trói đời người ta vào những cuộc mưu sinh trên cánh đồng với bầy vịt hay chết yểu lúc trái gió trở trời hay không? Rồi mươi năm nữa, đám con của anh có đứng tần ngần như tôi với bầy vịt nhìn một đám cưới khác rước dâu vội vàng về phía chân trời xa lắc hay không? Phía chân trời xa lắc ấy có đầy tai ương như những vệt sét lóa đỏ lòm bầu trời chiều mưa tháng bảy? Hay nơi đó có những niềm tin sáng bừng như mặt trời ban mai kiêu hãnh ló mình sau rặng phi lau? Đến khi nào tôi mới đặt chân vào viễn tưởng, để đi về những nơi bí ẩn đang đợi chờ? Tôi chỉ thấy đoàn người rước dâu đang náo nức đi về phía bên kia chân trời của tôi, và tôi biết rằng đường chân trời chắc sẽ có dăm bảy lối.
Phía bên kia chân trời chắc là Ngãi Hùng, hay đằng sau dám chừng là Hùng Hòa, hay xa hơn nữa phía kia là Bến Tre, bên này là Đại Ngãi? Rồi còn xa hơn nữa, nơi mà đường giao nhau “xanh rợn chân trời” chắc là Sài Gòn đô hội? Đến khi tôi hỏi mấy ông bà già vậy xa hơn Sài Gòn nữa là chi, thì họ chép miệng trầm ngâm, chắc là Đài Loan hay Singapore gì đó. Đó là viễn cảnh lấy chồng nước ngoài của mấy chị xức kem trăng trắng mặt mày, hết muốn làm đồng làm rẫy, mà bắt đầu cằn nhằn mỗi khi bị tôi níu kéo đi lượm hột còng, hột bàng về rang ăn beo béo ngây ngây. Mấy chị cũng chẳng thèm đánh bài tú lơ khơ hay binh xập xám với tôi, mà viện cớ rằng phải ngồi nhẫn nại xem cho hết mấy bộ phim Hàn Quốc trên đài. Vậy mà tôi cũng tò mò xem thử. Chẳng qua là muốn biết tại sao mấy chị lại hay than vắn thở dài với số phận bị bệnh ung thư của cô đào trên phim đẹp bá chấy nhưng chết non giữa chừng, làm phim lấy đi biết bao nước mắt của mấy chị mấy dì. Mười tám hai mươi tuổi đầu mà mấy chị nói chuyện như thể đời từng trải, đôi khi thủ thỉ rù rì, nói mày còn nhỏ thì biết quái gì chuyện tình yêu trai gái. Mấy chị thường thường ngồi tụm bảy tụm ba, hết rồi thời ngồi kể mấy lượt bị ma đồng rượt ngoài giồng cát, mà bắt đầu to nhỏ chuyện tài tử giai nhân và thậm chí là tơ tưởng việc đi Mỹ đi Tây cho phỉ tấm lòng thanh xuân phơi phới.
Thì ra mỗi người đều có chân trời viễn tưởng, dù đó là trần tục hay mơ tưởng hoang đường. Mấy chị tự vẽ cho mình đường chân trời hạnh phúc bằng mấy bộ phim Hàn Quốc sướt mướt bi thương. Tôi cũng có đường chân trời của riêng mình. Nó nằm bình yên ngoài ruộng mà chỉ có bầy vịt thường càm cạp tâm sự cùng tôi. Có khi đường chân trời của tôi bị che ngang mắt bằng đám nhãn lồng mọc mất trật tự trên bụi cây không tên. Tôi thường ngẩn ngơ bứt đại trái nhãn lồng chín vàng hực, nhai nhai vị chua ngọt thơm thơm, và mơ mộng về những lần sẽ được trải nghiệm vị ngọt ngào xa xỉ của cuộc trần ai. Có khi mơ là một nhành bông lau, để gió tháng mười đổ chướng thổi mình bay qua khắp muôn miền xa lạ, gieo xuống đời những mầm nảy chờ mong. Đó là khi tôi biết bắt đầu đo lường hướng gió, biết cách dò xét hướng đi của đường chân trời.
Đấy là khi đám vịt nằm xểnh trên bờ đìa rỉa lông, thì tôi có dịp đứng chàng hảng đo lường trời đất theo kiểu con nít ngu ngơ của mình. Tôi căng tay, đưa bàn tay phải quay về hướng mặt trời đã mọc, mặt hướng về phương bắc phía trước và nheo mắt nghiêng đầu về cánh tay trái theo hướng tây bắc. Mấy ông già bảo hướng đó là Sài Gòn. Sài Gòn xa lắc xa lơ, chỉ nghe được trong tiềm thức dội về trong những giấc mơ chập chờn, khiến tôi có lần té lăn đùng xuống đất. Nghe mấy dì đi khám bệnh ở trên đó khoe rằng Sài Gòn lớn lắm, nhà cao mấy chục tầng, người ta phải bấm nút đi lên bằng thang máy. Mấy dì nói nơi đó người ta đi đi lại lại chen chúc như thể ngày nào cũng có hội hè lô tô ở quê mình. Và còn khẳng định chắc nịch rằng không có ai đi chăn vịt trên đó cả, nên chẳng ai có tóc khét nắng da đen sì hôi mùi bùn đất như mình cả.
Cái dáng vẻ thị thành đó tôi chẳng thèm màng tới, nhưng tự nhiên trong lòng khao khát trải nghiệm một lần ngao du ở phía sau đường chân trời ảo tưởng. Chỉ là đến chơi nơi phía cuối chân trời, tận tình khám phá những điều bí ẩn đang chờ khách viễn du. Vậy là tôi khởi hành đi Sài Gòn bằng những ước mơ khi nhìn về đường chân trời thẳng tắp. Có khi nằm thẳng cẳng nhấm nháp thớ thịt ngòn ngọt của trái còng chín rụng bồm bộp xuống bờ kinh, tôi tự hỏi không biết sẽ làm gì ở chốn thành đô xa xăm, không biết mình sẽ đứng nơi nào trong thế giới phù hoa ấy. Cảm giác hồi hộp khi đứng trước những điều xa lạ, đối mặt với một thế giới ồn ào chỉ tồn tại trong sự tưởng tượng non nớt của thằng bé hay mơ màng một bận đi xa.
Trong giấc mơ đó, tôi khao khát được bứt phá ra khỏi miền quê nghèo nghèo bé nhỏ, ướm bàn chân phong trần vào những chuyến xe đò sang trọng đi về nơi có muôn ngàn người tụ họp vì hành trình mưu sinh. Tôi thấy tôi hình như đang ở trước tôi, chạy chơi rong cho thỏa lòng hiếu kỳ của tuổi thơ. Những giấc mơ vượt ra ngoài ranh giới nghèo hèn dốt nát của tôi lại cho tôi thêm nhiều hy vọng vào đường chân trời xa tít tắp. Tôi biết đường chân trời của tôi vô vàn rộng lớn, hối thúc tôi khám phá những điều bí ẩn của thế giới bao la. Giấc mơ về những chuyến đi chạm đích đường chân trời bắt đầu lớn dần trong tôi.
Rồi khi chạm tay vào đường chân trời ở Sài Gòn đô hội thì tôi lại phát hiện ra rằng con đường viễn tưởng ngày xưa hóa ra cũng chỉ là một nơi mình có thể tạm dừng chân. Ở tại điểm dừng chân tĩnh lặng của riêng tôi giữa xứ sở bon chen hào hoa này lại tồn tại những đường chân trời xa hơn, mà mỗi khi một mình ngồi trên tầng cao chót vót của tòa nhà Bitexco Financial Tower lại có thể thấy được. Tôi mơ ước có cơ hội chạm vào đường chân trời ở muôn phía xa hơn. Đường chân trời cao vút không có điểm khởi hành hay đích đến. Tôi khao khát được hướng mình về phía đường chân trời, chứ không chỉ chồn chân tại một điểm dừng trên đường chân trời ấy nữa.
Hai mươi mấy năm trường đi qua miền gió sương, tôi cũng có thể chạm tay vào đường chân trời viễn tưởng không có điểm dừng. Có khi bay đi Trung Quốc, mình lại ngoái nhìn đường chân trời ở phương nam. Trà Vinh tôi ở về phía ấy. Có khi đi lang thang trên con phố Orchard sầm uất ở Singapore, mình cố ngẩng đầu nhìn qua những tòa cao ốc để định hướng được đường chân trời miền phương bắc xa xôi. Trà Vinh tôi cũng nằm về phía ấy. Thì ra mình vẫn có thói quen nhìn đường chân trời viễn tưởng. Có thể tôi chưa biết đường chân trời sẽ đưa tôi về đâu, nhưng tôi luôn định hình được đoạn miên trường về lại quê hương. Đường chân trời hoài vọng là tiếng vọng khắc khoải từ quê hương và tuổi thơ thanh bình mà tôi đã từng đi qua. Ở cuối đường chân trời đó là ước mơ về những lần phiêu bạt trần gian để tìm cho mình những đường chân trời mới mẻ.
Bây giờ mình cũng đang mơ, một giấc mơ được quay về phía cuối đường chân trời. Nơi đó là ấp Te Te nhỏ xíu quê mùa. Muốn được một mình nằm lăn ngoài bờ ruộng ăn trái nhãn lồng, gặm trái còng say say ngòn ngọt và muốn được oai vệ cầm cây bẹo trúc lùa bầy vịt chạy băng đồng cuối vụ lúa hè thu. Có khi mệt nhoài phiêu bạt, lẻ loi đứng ngoài ban công chung cư, mình tự vẽ lên cuộc đời một đường chân trời cong vút cho bản thân. Phía bên kia chân trời là quá khứ bình yên. Tôi lại khởi hành vào giấc mơ đi về Trà Vinh một bận, ghé thăm lại miền ký ức mơ mộng của tuổi thơ.