Sợ nổi giận: Nguồn gốc của hành vi xung hấn-thụ động
rubiru > 11-03-2012, 02:18 AM
Tham khảo
Afraid to Rage: The Origins of Passive-Aggressive Behavior
How unresolved fear and anger can lead to passive-aggression.
Published on June 15, 2008 by Leon F. Seltzer, Ph.D. in Evolution of the Self
Ở 1 cực của lối truyền thông thụ động: bạn không nói ra vì sợ những hậu quả xấu. Ở cực khác của lối truyền thông xung hấn: bạn bày tỏ những cảm xúc tiêu cực mà không có hạn chế hoặc không quan tâm đến ảnh hưởng của nó lên người khác. Nằm giữa lối thụ động và xung hấn là 'sự thích đáng', bạn bày tỏ những suy nghĩ và cảm xúc, những mong muốn và nhu cầu, đồng thời cũng thể hiện sự đánh giá cao và tôn trọng quan điểm của người khác.
Sự thích đáng là sự thỏa hiệp lý tưởng giữa những sự cực đoan của thụ động và xung hấn. Khi chúng ta lần đầu tiên đi vào thế giới, và ngay cả trước khi chúng ta biết nói và có thể nói rõ ràng những gì diễn ra trong chúng ta, chúng ta sở hữu khả năng truyền thông sơ đẳng. Bẩm sinh, chúng ta đã biết làm thế nào và khi nào thì cười, ngáp, bộc lộ sự ngạc nhiên, tức giận hoặc lo lắng và để truyền đạt một loạt cảm xúc đau đớn thông qua tiếng khóc. Chúng ta chưa có khả năng dùng ngôn ngữ để xác định những sự khó chịu cụ thể nhưng chúng ta không giới hạn trong việc bộc lộ những cảm xúc của mình.
Nếu chúng ta lớn lên trong 1 gia đình không thể hoặc không xem trọng những nhu cầu và mong muốn cơ bản của chúng ta, thì xung lực tự nhiên bộc lộ bản thân 1 cách thích đáng của chúng ta trở nên bị kìm nén. Nếu khi chúng ta nói trực tiếp với bố mẹ về những mong muốn của chúng ta, chúng ta bị chế nhạo là ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, chúng ta đã học được rằng đơn giản mình không được chấp nhận để muốn những gì mình muốn, cần những gì mình cần. Tương tự như vậy, khi chúng ta liên tục nhận được thông điệp rằng chúng ta là 1 gánh nặng, chúng ta đã học được rằng nếu chúng ta lên tiếng về những mong muốn của mình, chúng ta đã gây nguy hiểm đến mối quan hệ với bố mẹ vốn đã mỏng manh.
Điều tương tự cũng đúng khi chúng ta nhận được thông điệp rằng chúng ta là 1 sự phiền phức, hoặc quá đòi hỏi, hoặc không xứng đáng với bất kỳ điều gì mà chúng ta yêu cầu. Và nếu bố mẹ nổi giận, hét vào mặt chúng ta bất cứ khi nào chúng ta thẳng thắn bộc lộ những mong muốn của mình, thì ý nghĩ bày tỏ trực tiếp những mong muốn của chúng ta có thể làm chúng ta lo sợ. Hơn nữa, nếu chúng ta truyền thông sự tức giận của mình trước sự chối bỏ của bố mẹ và họ phản ứng lại với sự 'thích đáng' đó là sợ hãi hoặc trừng phạt, chúng ta sẽ học được cách giữ cơn giận mạnh mẽ của mình ở trong lòng, sợ hãi bày tỏ cơn giận vì chắc chắn nó sẽ quay lại ám ảnh chúng ta.
Do đó chúng ta có thể cảm thấy mình cần phải nuôi dưỡng 1 thái độ thụ động và bằng lòng với bất kỳ vai trò kém hơn nào mà bố mẹ hoặc người chăm sóc quy định cho chúng ta. Sau tất cả, chúng ta những đứa trẻ đều phải cố gắng theo cách này hay cách khác để trải nghiệm mối quan hệ với bố mẹ một cách an toàn. Bất cứ hành vi nào được cảm nhận là gây đe doạ đến mối quan hệ này đều cần bị xoá bỏ. Tất nhiên sau đó chúng ta phải từ bỏ nhiều mong muốn và nhu cầu cơ bản của mình. Làm sao chúng ta có thể không từ bỏ khi chúng ta cảm thấy bị chỉ trích, bị công kích, có thể bị từ chối hầu hết mọi lúc chúng ta thẳng thắn/ thích đáng bộc lộ bản thân? Dường như chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ những điều chúng ta muốn, hoặc thậm chí là dạy bảo bản thân không được muốn bất kỳ điều gì thường xuyên dẫn đến sự khước từ hoặc không ủng hộ của bố mẹ.
Nhưng tất nhiên là những nhu cầu và mong muốn cơ bản của chúng ta - cho dù đó là sự thoải mái, sự động viên, hỗ trợ hoặc một số món đồ vật chất - thực sự không bao giờ biến mất. Chúng chỉ đơn giản là bị che dấu. Sợ hậu quả của việc bộc lộ những nhu cầu của mình, chúng ta giữ kín chúng. Trong khi cảm thấy buộc phải kiểm duyệt việc bộc lộ những nhu cầu, chúng ta có thể vẫn cảm nhận sự bị tước đoạt sâu sắc. Chúng ta thường xuyên đi từ sự kìm nén việc bộc lộ nhu cầu đến việc đè nén hoàn toàn chúng. Bởi vì trải nghiệm về những nhu cầu và mong muốn đó có thể kết nối tâm trí chúng ta với sự chối từ hoặc không ủng hộ của bố mẹ, chúng ta cảm thấy mình có nghĩa vụ phải xoá sạch ngay cả về mặt nhận thức rằng những nhu cầu đó tồn tại.
Sự thụ động - hoặc sự không bộc lộ - là kết quả không tránh khỏi. Thật bi kịch, chúng ta bị tước mất tất cả ý thức về những nhu cầu cơ bản nhất của chúng ta chỉ để tránh nỗi lo sợ gắn liền với chúng. Khi chúng ta còn bé, việc bộc lộ thích đáng bất kỳ điều gì cũng có thể gây đe doạ đến sự phụ thuộc của chúng ta với bố mẹ, gần như theo nghĩa đen, cảm thấy bị đe doạ đến sự sinh tồn của chúng ta. Vì vậy chúng ta không có lựa chọn, chúng ta phải bảo vệ mối quan hệ quan trọng nhất với bố mẹ, thích ứng với sở thích của họ và đè nén nhu cầu của bản thân.
Và một nơi nào đó bên trong chúng ta, đó là cơn giận dữ rằng bố mẹ không yêu thương chúng ta đủ để ưu tiên những nhu cầu đó. Trong 9 tháng nằm trong bụng mẹ, tất cả những nhu cầu cơ bản của chúng ta được đáp ứng 1 cách tự động. Vậy làm thế nào mà chúng ta không được phép bước vào thế giới với 1 cảm giác được có quyền nào đó? Vì vậy, sâu thẳm bên trong, chúng ta tức giận vì điều đó mà bây giờ đó là cảm giác bị tước đoạt. Mặc dù chúng ta có thể liên tục nhận được thông điệp rằng chúng ta không xứng đáng với bất kỳ điều gì mà mình khao khát, thì ở đâu đó bên trong chúng ta, chúng ta cảm thấy mình xứng đáng.
Giải pháp giả
Vậy làm thế nào sự thất vọng không nguôi này và cơn giận không thể bộc lộ này được giải quyết?
Rõ ràng, thật không an toàn để trút cơn giận trực tiếp. Chúng ta sẽ bị gọi là ích kỷ, xấu xa, mất kiểm soát. Chúng ta sẽ bị mắng hoặc thậm chí bị trừng phạt về thể chất - một dấu nhắc rằng mối quan hệ của chúng ta với bố mẹ sẽ tan vỡ và bị cắt đứt bởi việc bộc lộ cơn giận.
Và tất cả điều này có thể là vô thức, chúng ta muốn tìm thấy 1 cách hữu hiệu để bộc lộ những sự thất vọng, tổn thương và phẫn nộ vì những nhu cầu của chúng ta từng bị coi nhẹ hoặc bị chối bỏ bởi những người chịu trách nhiệm chăm sóc chúng ta. Vì tiêu diệt cơn giận của chúng ta là bất khả thi, nên cảm giác khẩn cấp phải giải phóng nó ngày càng mạnh mẽ hơn theo thời gian, ngay cả khi chúng ta cố gắng kìm nén nó. Một cách định kỳ, chúng ta phải tìm 1 cách để giảm bớt cảm xúc tiêu cục này mà không gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho mối quan hệ vốn được xem là bấp bênh này.
Đây là nơi mà sự đánh mất 'tính toàn vẹn cá nhân' - sự lừa dối - bước vào. Và chúng ta nói dối với bản thân cũng như với bố mẹ. Về bản chất, đây là những gì về sự 'xung hấn- thụ động' (passive-aggression): thể hiện những mối bất bình của chúng ta, phản kháng về hành vi trước những điều được xem là không công bằng, trong khi đó vẫn trù tính để bảo vệ mỗi quan hệ với bố mẹ mà chúng ta thực sự không thể gây nguy hại. Chúng ta tìm những cách để phá hoại, lừa dối. Chúng ta tìm cách trả đũa lại người chăm sóc/ bố mẹ bằng cách làm những gì họ đã làm với chúng ta. Chúng ta làm bố mẹ thất vọng, từ chối không làm, không tham gia, viện cớ hoặc đổ lỗi cho người khác vì những lỗi lầm và hành vi xấu của mình. Chúng ta chống lại việc làm theo những chỉ thị của bố mẹ bằng nhiều cách. Chúng ta chối bỏ những gì họ cần nhưng luôn luôn với 1 lời giải thích để lừa họ. 'Con quên', 'Con không có ý đó', 'Con thật sự không hiểu', 'Đó chỉ là 1 tai nạn', 'Đó thực sự không phải lỗi của con'...
Ngoài ra, chúng ta còn thao túng. Làm thế nào chúng ta thao túng. Chúng ta tìm tất cả những cách khả thi để đáp ứng những nhu cầu và mong muốn của mình mà không phải trực tiếp yêu cầu chúng với bố mẹ. Chúng ta trở thành những chuyên gia gian lận và lẩn tránh. Vì cảm thấy quá bất lực trong mối quan hệ của chúng ta với bố mẹ, chúng ta cố gắng 'tóm' lấy quyền lực xung hấn-thụ động. Ví dụ, chúng ta có thể lấy trộm tiền của bố để mua đồ ăn trưa ở trường mà chúng ta muốn và ném bánh mỳ mà mẹ chuẩn bị cho chúng ta vào thùng rác. Cũng có lúc chúng ta phải trả giá cho những lỗi lầm và hành động xấu của mình. Nhưng nếu chúng ta che giấu tốt, bố mẹ chúng ta hoàn toàn không thể chắc chắn điều gì đã xảy ra, hoặc động cơ thật sự của chúng ta là gì. Vì vậy, bất kỳ hình phạt nào chúng ta nhận được sẽ ít hơn so với nếu chúng ta trung thực.
Trong thực tế, bố mẹ của chúng ta - vì không có khả năng hoặc không bằng lòng chăm sóc đầy đủ những nhu cầu phụ thuộc của chúng ta - đã vô tình dạy chúng ta trở thành những người nói dối và thao túng. Nếu chúng ta học được từ họ rằng, trở nên thích đáng và trực tiếp sẽ hiệu quả hơn trong việc thỏa mãn những nhu cầu của chúng ta thì có nhiều khả năng chúng ta sẽ không bày ra những trò lừa dối không lành mạnh. Thêm nữa, nếu những mưu kế của chúng ta đủ thông minh, kết cuộc là chúng ta có thể tự đánh lừa mình cũng nhiều như đánh lừa bố mẹ. Trong trường hợp này, chúng ta không bao giờ thừa nhận những động cơ nổi loạn có tính chất trả thù. Vì nếu phải thừa nhận, nó có thể làm chúng ta lo sợ nhiều hơn (và có thể cảm thấy có lỗi nữa).
Những điều tôi vừa mô tả ở trên là hơi phóng đại. Tôi chỉ muốn làm sáng tỏ những gì tôi nhìn thấy như là 1 hiện tượng nhân cách có tính phổ quát - tôi nghĩ rằng, tất cả chúng ta đều thể hiện những xu hướng xung hấn-thụ động ở mức độ nào đó. Thêm nữa, rất hiếm có những bố mẹ nào hoàn toàn chối bỏ và không hỗ trợ đứa con khiến chúng lớn lên với kiểu rối loạn nhận cách xung hấn- thụ động. Tôi tin là hữu ích khi đề xuất nhiều rào càn ngăn cản chúng ta chịu trách nhiệm hoàn toàn cho hành vi của mình, cũng như việc truyền thông những nhu cầu và mong muốn của chúng ta 1 cách trực tiếp, xuất phát từ 'những chương trình sinh tồn' thời thơ ấu và không còn thích hợp nữa khi bạn lớn lên.
Ví dụ, nếu chúng ta trở nên quá nhạy cảm trước những đánh giá tiêu cực của bố mẹ, chúng ta có khả năng lớn lên trở thành người muốn đổ lỗi cho người khác về những vấn đề chủ yếu do hành động của chính mình. Bằng cách này, chúng ta phá vỡ những sự chỉ trích mà chúng ta có thể phải nhận và sự lo lắng đi cùng với sự đổ lỗi có thể lại thức dậy trong chúng ta.
Xu hướng tránh né của chúng ta cũng có nguồn gốc từ quá khứ khi chúng ta học cách làm bất cứ điều gì cần thiết để ngăn chặn xung đột. Phụ thuộc vào bố mẹ, chúng ta có thể cảm thấy quá nguy hiểm khi chống đối lại họ. Vì vậy, để kiểm soát được sự lo lắng, chúng ta cố gắng giảm thiểu những cuộc đương đầu tức giận. Bố mẹ không đáng tin cậy để đáp ứng những nhu cầu của chúng ta, chúng ta có thể sẽ không muốn phụ thuộc vào họ. Nhưng khi chúng ta phải làm thế, chúng ta cũng phải hạn chế bản thân trong việc xử lý với họ. Và khi là người lớn, chúng ta có thể bộc lộ 1 xu hướng thất bại khi né tránh bất kỳ cuộc thảo luận còn phải bàn nào, vì đối với chúng ta, nó có thể trở thành sự gây gổ gây lo lắng.
Vì chúng ta không bao giờ tin rằng bố mẹ mình sẽ đáp ứng tích cực với những nhu cầu của chúng ta, và bây giờ khi lớn lên chúng ta thấy không thoái mái khi ở trong những tình huống phụ thuộc. Nhưng nếu vẫn chất gánh nặng của những nhu cầu phụ thuộc không được đáp ứng từ quá khứ, chúng ta sẽ không tránh khỏi việc mang theo những nhu cầu đó cũng như sự mơ hồ của chúng ta về những nhu cầu đó - sang những mối quan hệ gần gũi của chúng ta.
Do đó nếu chúng ta đưa những thông điệp trộn lẫn đó đến những ai chúng ta có quan hệ (cuối cùng để lại cho họ sự tổn thương, lẫn lộn, thậm chí nổi giận bởi những phản ứng xung hấn - phụ thuộc của chúng ta với họ), đó là vì chúng ta chưa bao giờ xử lý xung đột nội tâm của chúng ta.
Điều quan trọng cần nhận ra là sự xung hấn- thụ động không nhất thiết là ít mang tính xung hấn đơn giản vì nó là thụ động. Xung hấn- thụ động là 1 hình thức xung hấn gián tiếp, nó không nhất thiết là 1 hình thức xung hấn nhẹ nhàng hơn. Do đó, những nhu cầu phụ thuộc chưa được đáp ứng từ thời thơ ấu của chúng ta có thể thúc ép chúng ta hướng đến những mối quan hệ mang lại cho chúng ta hy vọng về được phụ thuộc thoải mái vào người khác, cơn giận chưa được giải thoát đối với bố mẹ có thể thúc đẩy chúng ta trút những cảm xúc chưa được xử lý đó lên bất kỳ ai thực sự có ý muốn quan tâm đến chúng ta. Nhưng cho dù chúng ta có nhận thức được nó hay không, thì (ví dụ) việc trễ hẹn (hoặc hủy hẹn ở phút cuối) với một số lời cáo lỗi không thỏa đáng vẫn có thể gây tổn thương cho người khác
Giả định rằng chúng ta sẵn sàng chịu trách nhiệm cho hành vi xung hấn-thụ động của mình, chúng ta cần làm hoà với bất kỳ điều gì mà chúng ta cảm thấy bị tước đoạt khi lớn lên. Chúng ta cần tìm ra những cách thức (với hoặc không có sự can thiệp chuyên môn) để giải phóng và xử lý cơn giận cũ. Cuối cùng, chúng ta cần chấp nhận rằng bố mẹ của chúng ta, vì những nguồn lực cụ thể và những hạn chế, đã cho chúng ta nhiều nhất những gì họ có thể. Và chúng ta cần nhận ra rằng trong cuộc sống khi là người trưởng thành, chúng ta không thể tiếp tục trừng phạt người khác vì những gì họ không thể cho chúng ta.
Nguồn: psychologytoday.com