Sức khỏe tinh thần là tất cả
ankita > 11-07-2012, 12:01 PM
(Dân trí) - Ở Việt Nam, có tới 15% dân số mắc một trong các chứng bệnh tâm thần thường gặp là tâm thần phân liệt, động kinh, lo âu, trầm cảm, chậm phát triển tâm thần, rối loạn hành vi trong thanh thiếu niên, mất trí tuổi già…
25% dân số có vấn đề về sức khoẻ tâm thần
Sức khoẻ tinh thần, theo bác sĩ Nguyễn Võ Kỳ Anh (ĐH Y Hà Nội), “là hiện thân của sự thoả mãn về mặt giao tiếp xã hội, tình cảm và tinh thần. Nó được thể hiện ở sự sảng khoái, ở cảm giác dễ chịu, cảm xúc vui tươi, thanh thản; ở những ý nghĩ lạc quan, yêu đời; ở những quan niệm sống tích cực, dũng cảm, chủ động; ở khả năng chống lại những quan niệm bi quan và lối sống không lành mạnh”.
Sinh thời, Bác Hồ đã từng nói: “Khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khoẻ”. Chăm sóc sức khoẻ không chỉ đơn thuần là phòng và điều trị các bệnh thực thể như tim mạch, tiêu hoá… mà còn cần phải chăm sóc cả tinh thần. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần vẫn chưa được nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức.
Kết quả là tỷ lệ người dân gặp phải các vấn đề về sức khoẻ tinh thần (trong đó có các bệnh tâm thần) ở mức cao. Cứ bốn người thì có một người có vấn đề về sức khoẻ tinh thần (số liệu của Tổ chức Y tế thế giới).
Có 10 nhóm nguyên nhân dễ làm tổn hại đến sức khoẻ tinh thần là: trầm cảm, rượu, tai nạn giao thông, loạn thần kinh, tự dằn vặt, nghĩ lung tung, dùng sai thuốc, ám ảnh, chịu các sức ép, viêm xương khớp và bạo lực.
Để có sức khoẻ tinh thần tốt nhất
Theo GS.VS. Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, sức khoẻ nói chung, sức khoẻ tinh thần nói riêng không phải là vàng, cũng không phải là bạc như chúng ta vẫn nói, mà sức khoẻ là tất cả.
Theo ông, có 8 điều nên làm/nghĩ để có được sức khoẻ tinh thần tốt:
- Sức khoẻ là tất cả
- Tự điều chỉnh
- Tâm lý nhất quán
- Cân bằng thần kinh
- Cảm giác đúng ngưỡng - vượt và dừng đúng lúc
- Tham vọng vừa sức
- Đánh giá, làm và hưởng đúng giá trị của mình
- Có trách nhiệm với mình, gia đình, cộng đồng và xã hội
Còn theo TS. Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục TPHCM, kiềm chế cảm xúc (những cảm xúc gắn với hành động tiêu cực và có thể làm tổn thương chính mình và người khác) là một trong những kỹ năng cơ bản để chúng ta có đời sống thanh thản, thoải mái, qua đó tránh được stress. Tuy nhiên, kiềm chế cảm xúc không đồng nghĩa với việc kìm nén cảm xúc, vì kìm nén lâu ngày có thể gây nên ức chế, rồi bùng phát.
Nếu chúng ta cảm thấy buồn thì hãy cứ thừa nhận là chúng ta buồn. Nếu chúng ta vui thì cũng hãy cứ cho mọi người biết là chúng ta vui… Tóm lại, chúng ta nên sống thật với cảm xúc của mình. Còn nếu cảm thấy không thể thoát khỏi những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực, nên tìm đến một nhà tâm lý nào đó để được tham vấn.
5 lời khuyên, gồm một “trung tâm”, hai “một chút”, ba “quên”, bốn “có” và năm “phải” mà hiện nay nhiều người đang truyền nhau để có một đời sống tinh thần tốt:
- Một “trung tâm”: lấy sức khoẻ là trung tâm
- Hai “một chút”: thoải mái một chút, hồ đồ một chút (hồ đồ tức là không vội)
- Ba “quên”: quên tuổi tác, quên bệnh tật, quên hận thù
- Bốn “có”: có nhà ở, có bạn đời, có bạn tri âm, có sổ tiết kiệm
- Năm “phải”: phải vận động, phải hoà nhã, lịch sự, phải biết cười, phải biết kể chuyện, phải biết coi mình là người bình thường.