Đối với phần lớn gia đình Việt, điều hòa là một thiết bị có tính chất xa xỉ bởi mức giá cũng như chi phí sử dụng rất cao. Tuy nhiên trong thời gian vài năm trở lại đây, việc sở hữu một chiếc điều hòa nhiệt độ không còn quá khó nữa, đi kèm với đó là những dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng. Mức giá mà các đơn vị điện lạnh đưa ra tương đối cao, và để tránh hay phải gọi thợ chúng tôi viết bài này với hi vọng quý bạn đọc sẽ có thêm những kinh nghiệm khi sử dụng và bảo dưỡng điều hòa một cách tốt nhất.
1. Sử dụng và bảo quản
Một hiện tượng thường gặp khi sử dụng máy điều hòa: khi không sử dụng thường xuyên, không khí trong phòng có thể bị ủ độc, làm nhiều người khi mới bước vào phòng thường bị choáng váng, hắt hơi sổ mũi. Đó là do khi máy không hoạt động, độ ẩm trong phòng tăng lên khiến các vi khuẩn, vi nấm phát triển. Có thể hạn chế tình trạng này bằng cách:
- Phòng lắp máy điều hòa phải luôn được giữ khô ráo (độ ẩm tốt nhất là từ 30% đến dưới 60%) để các loại vi khuẩn, vi nấm không có điều kiện phát triển. Khi máy không hoạt động, trước khi vào phòng cần mở cửa cho phòng thoáng, sáng và ấm lên rồi mới mở máy lại.
- Thường xuyên hút bụi, làm vệ sinh phòng sạch sẽ, lau rửa tường và trần nhà.
- Phòng để lắp máy điều hòa phải đuợc thiết kế sao cho có sự trao đổi không khí với bên ngoài một cách tối đa.
- Các thiết bị thải ra chất hữu cơ bay hơi (như máy photocopy, fax, laser) phải được đặt ở nơi thong thoáng và lau chùi bảo dưỡng thường xuyên.
- Hạn chế tối đa việc sử dụng máy điều hòa nếu thấy không cần thiết, nhất là đối với người cao tuổi. Hiện trên thị trường có 2 loại sản phẩm mới có thể tạo ra nhiều khí oxy giúp cho không khí trong phòng luôn dễ chịu (của Panasonic và Nikko Advance), rất thích hợp cho người già và em bé.
Trong quá trình sử dụng, máy điều hòa cần được bảo dưỡng thường xuyên để tránh gặp phải các lỗi không đáng có như điều hòa chảy nước:
- Tháo vỏ ngoài của máy, lấy khăn mỏng lau các bộ phận làm lạnh, thiết bị sấy, cánh quat, motor điện, dung máy hút bụi hút hết bụi trong máy. Chú ý khi lau không va chạm làm ảnh hưởng đến các thiết bị điện tử và tấm tản nhiệt.
- Đối với bộ phận lọc không khí trong quá trình sử dụng, thông thường gần 1 tháng phải lau rửa 1 lần hoặc nhiều hơn với môi trường nhiều bụi bẩn. Rửa bằng nước sạch pha thêm một chút xà phòng rồi lau khô bằng vải mềm.
- Nếu máy sử dụng liên tục thì phải nhỏ dầu khoảng 2-3 lần/năm vào quạt gió và motor điện.
2. Giảm tối thiểu trao đổi nhiệt với bên ngoài
Trao đổi nhiệt trong phòng và bên ngoài càng nhiều, phòng càng dễ tăng nhiệt và máy phải làm việc nhiều, hậu quả là tốn điện nhiều hơn. Vài cách sau đây giúp giảm thiểu việc trao đổi nhiệt.
Cửa kính chưa hẳn có lợi
Cửa kính thường dùng để gắn trong các phòng có lắp máy lạnh, và nhiều người xem đó là biện pháp cách nhiệt hữu hiệu, nhưng không phải lúc nào dùng cửa kính cách nhiệt cũng đều có lợi. Nếu ánh nắng mặt trời rọi vào cửa kính thì thủy tinh thành là các "bẫy nhiệt" rất tốt. Nó chỉ tiếp nhận nhiệt mà không chịu nhả ra. Càng nhiều lớp kính hoặc lớp kính càng dày thì nhiệt thu được từ ngoài càng nhiều, máy lạnh phải làm việc nhiều hơn. Do đó cần hạn chế dùng cửa kính ở phòng, nhất là mặt tiếp xúc với ánh nắng.
Chọn mầu sáng
Mầu tối hấp thụ nhiệt nhiều hơn mầu sáng. Do đó, tường phòng nên sơn hoặc quét vôi mầu trắng. Nếu được, cửa sổ phòng nên treo màn mầu sáng.
Kín nhưng cần trao đổi không khí
Các khe hở ở cửa càng kín càng tốt để tránh thoát "hơi" lạnh trong phòng. Càng ít đóng mở cửa phòng càng tốt. Trong thực tế, việc trao đổi không khí trong phòng lạnh và bên ngoài hạn chế nhiều quá là điều không tốt cho sức khỏe. Thỉnh thoảng (15 phút hay nửa giờ) cũng cần phải mở cửa phòng để "đuổi" bớt không khí "tù hãm" trong phòng và "hứng" khí sạch từ bên ngoài. Mở cửa khoảng vài phút là được.
3. Sử dụng máy lạnh hợp lý
Điều chỉnh nhiệt độ vừa phải
Chỉnh nhiệt độ càng thấp, máy lạnh tiêu thụ điện càng nhiều hơn. Chỉnh nhiệt độ tùy vào khả năng thích ứng của mỗi người. Tuy nhiên, nếu nhiệt trong phòng chênh lệch quá lớn so với bên ngoài là điều không có lợi cho sức khỏe. Vào mùa nắng, nên chỉnh nhiệt thấp hơn so với môi trường khoảng 100C là được.
Chỉnh hướng gió
Ở máy lạnh có những cánh để điều chỉnh hướng gió sang trái hoặc phải, hướng lên trên hoặc xuống. Do ảnh hưởng độ quay của quạt và vị trí của các ống dẫn hơi lạnh bên trong, nên đa số máy điều hòa nhiệt độ đều có xu hướng thổi hơi lạnh nhiều hơn về một phía của phòng. Bạn nên điều chỉnh hướng thổi lạnh vào khu vực cần thiết của phòng (giường tủ, bàn làm việc...). Từ đó, có thể chỉnh nhiệt độ ở mức tối ưu nhất.
Thường xuyên vệ sinh máy
Các bụi bẩn bám và tích tụ vào bề mặt dàn nóng, dàn lạnh, lưới lọc... làm trở ngại cho việc trao đổi nhiệt, làm máy chậm lạnh. Việc vệ sinh dàn nóng, dàn lạnh ở máy lạnh hơi phức tạp và có liên quan đến an toàn điện.
Bạn có thể nhờ thợ điện lạnh bảo dưỡng định kỳ (khoảng 6 tháng/lần). Còn lưới lọc bụi, vệ sinh dễ dàng hơn, khoảng một tháng/lần. Bạn có thể tự làm, tháo ra và rửa sạch bằng bàn chải và xà bông.