Bạn có thích đi mua sắm? Câu trả lời có thể phụ thuộc rất lớn vào một yếu tố: bạn là đàn ông hay phụ nữ. Tất nhiên, người ta hay nói rằng “Phụ nữ thích shopping, còn đàn ông thì không.” Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy đây không phải là một điều hoang đường. Một cuộc khảo sát 2000 người Anh được tiến hành năm 2013 phát hiện thấy đàn ông trở nên buồn chán chỉ sau 26 phút đi mua sắm, trong khi đối với phụ nữ là 2 giờ. Cuộc khảo sát phát hiện thấy 80% đàn ông không thích shopping với người yêu/vợ của họ, và 45% tránh đi shopping bằng mọi giá. Gần một nửa số cuộc đi mua sắm cùng nhau kết thúc bằng những cuộc tranh cãi, đàn ông trở nên thất vọng vì họ mua thứ họ cần ngay lập tức, trong khi phụ nữ vẫn nhìn ngó và mất quá nhiều thời gian để ra quyết định.
Những thái độ khác biệt đó với việc mua sắm đến từ đâu? Tôi có một lý thuyết về điều này khi đang viết một cuốn sách tên là The Fall cách đây nhiều năm, nó bao gồm nghiên cứu về lịch sử loài người và nhân loại học.
Những người săn bắt-hái lượm
Trong hàng trăm ngàn năm, cho đến khoảng 8000 năm trước công nguyên, tất cả loài người sống bằng việc săn bắt-hái lượm – họ sống bằng cách săn thú hoang (công việc của đàn ông) và lượm trái cây, rau, quả (công việc của phụ nữ). Tôi đã học được nhiều điều bất ngờ về lối sống “sắn bắt-hái lượm” trong nghiên cứu của tôi. Ví dụ, nó không phải là một cuộc sống đặc biệt khó khăn. Khi các nhà nhân loại học bắt đầu xem xét một cách hệ thống về cách những người săn bắt-hái lượm sử dụng thời gian của họ, họ khám phá ra, con người thời đó chỉ tốn khoảng 12-20 tiếng mỗi tuần cho việc tìm kiếm thức ăn.
Điều thú vị là, phụ nữ là “trụ cột chính” trong các nhóm săn bắt-hái lượm. Các nhà nhân loại học ước tính việc hái lượm của phụ nữ cung cấp khoảng 80-90% thức ăn của nhóm. Điều này có nghĩa là chế độ ăn của họ phần lớn là ăn chay (chỉ khoảng 10-20% thịt), và cũng khá lành mạnh, với nhiều loại trái cây, rau, quả hạch, tất cả đều ăn sống.
Bắt đầu ở Trung Đông, các cộng đồng người bắt đầu chuyển sang trồng trọt khoảng 8000BC, và dần dần, việc trồng trọt mở rộng qua châu Á và châu Âu. Nhưng sau hàng trăm ngàn năm sống theo cách đó, ta không ngạc nhiên khi việc săn bắt và hái lượm vẫn theo bản năng đối với chúng ta. Và điều này mang chúng ta quay về với việc đi mua sắm – vì những bản năng đó bộc lộ bản thân chúng rất rõ ràng trong những thói quen đi mua sắm của chúng ta. Khi phụ nữ đi mua hàng, họ hái lượm có hiệu quả - xem lướt từ cái cây này sang cây kia (hoặc từ cửa hàng này sang cửa hàng kia), tìm những trái ăn được và bổ dưỡng. Họ dành rất nhiều thời gian để kiểm tra thức ăn, kiểm tra độ tươi mới và có thể ăn được của nó, và họ loại bỏ khả nhiều thức ăn. Cuối chuyến đi, họ trở về nhà chất đầy nhiều loại thức ăn (hoặc nhiều túi hàng). Ngay cả sở thích đi mua sắm theo cặp hoặc theo nhóm có thể được giải thích theo lối đó, vì chúng vẫn là việc thực hành hái lượm.
Khi đàn ông đi mua sắm thì họ nhớ 1 thứ trong đầu: giết một con thú và đi về nhà. Họ không muốn lãng phí thời gian để xem lướt qua, và đối với họ cũng không cần thiết phải kiểm tra số thức ăn họ kiếm được. Họ chỉ tìm kiếm các con thú, giết chúng, nhặt chúng lên và đi thẳng về nhà. Có lẽ sự vội vàng về nhà này dựa trên hiểu biết rằng nếu một thợ săn bỏ lại một con thú nằm trên đất quá lâu thì những động vật khác hoặc côn trùng sẽ bắt đầu ăn nó. Một số xác động vật sẽ nặng và rất khó để khiêng đi trong thời gian dài. Cũng như trong điều kiện thời tiết nóng và ẩm thì thịt sẽ mau hỏng.
Tôi nhận ra không chỉ có mình tôi nghĩ về điều đó. Năm 2009, nhà nhân loại học Kruger và Byker xuất bản một bài báo mà họ nghiên cứu những điểm giống nhau giữa những thói quen mua sắm thời hiện đại và quá khứ săn bắt-hái lượm của chúng ta. Họ phát hiện thấy phụ nữ “ghi điểm cao hơn ở những kỹ năng và hành vi liên quan đến việc hái lượm…Đàn ông ghi điểm cao hơn về những kĩ năng và hành vi liên quan đến việc săn bắt.”
Một điều hay là: Nó cung cấp sự bào chữa cho những thói quen đi mua sắm của chúng ta. Bạn có thể sử dụng lý do rằng bạn không thể kiểm soát được việc thích (hoặc không thích) đi mua sắm vì bạn thừa hưởng những bản năng đó từ quá khứ thời tiền sử. Điều này cũng có thể giúp chúng ta vượt qua cơn bốc đồng mua những thứ không cần thiết – những món đồ mà chúng ta không đủ khả năng chi trả, thường không mang lại hạnh phúc cho chúng ta, và chúng thường được sản xuất bởi những công nhân bị bóc lột, trả lương thấp ở những vùng nghèo hơn trên thế giới – và việc tiêu thụ chúng góp phần gây ô nhiễm môi trường.
Khi bạn trở nên ý thức được những lý do cho một hành vi thì nó trở nên dễ dàng hơn để kiểm soát và vượt qua nó. Tôi không nói rằng chúng ta nên dừng đi mua sắm, nhưng có lẽ chúng ta nên đi mua sắm một cách hợp lý hơn, và phù hợp với những nhu cầu hơn là những khao khát của chúng ta.
Nguồn
Why Men Don't Like Shopping and (Most) Women Do
The origins of our attitudes toward shopping
Published on February 14, 2014 by Steve Taylor, Ph.D. in Out of the Darkness
PsychologyToday