-
TRẻ hồn nhiên...........trộm
Ms.G > 06-10-2011, 07:27 AM
Đôi khi vì quá ham thích một món đồ của người khác hay chỉ vì tò mò... trẻ hồn nhiên cầm đút túi của mình mà không biết rằng đó là... ăn trộm.
Những trẻ nhỏ dưới 4 tuổi thường lấy đồ của người khác một cách tự nhiên vì ở lứa tuổi này, tư duy đang phát triển và còn mang tính duy kỷ, trẻ thích thứ gì thì tưởng thứ đó là của mình.
Sau 4 tuổi, trẻ mới có thể phân biệt rõ về sự sở hữu của đồ vật. Khi trẻ thích đồ vật gì mà không hỏi, không được sự đồng ý nhưng vẫn lấy thì bị coi là “ăn trộm”.
Nguyên nhân
Hành vi ăn trộm ở trẻ em có nhiều nguyên nhân khác nhau:
- Do quá thích đồ vật đó mà không tự kiểm chế được ham muốn sở hữu.
- Do có lần, trẻ đòi mua thứ đó mà bố mẹ không mua.
- Do ganh tị với bạn: sao bạn có mà mình không có?
- Do “trả thù” người có đồ vật nên lấy trộm làm cho người đó phải thua thiệt.
- Do tính tò mò muốn có đồ vật đó để chơi thử.
- Do bắt chước hành vi ăn trộm của người khác…
Trẻ dưới 4 tuổi thường lấy đồ của người khác một cách tự nhiên
Xử lý khi phát hiện
Cho dù bất kỳ lý do gì thì khi phát hiện trẻ lấy trộm đồ, bố mẹ phải xử lý kịp thời. Nếu không sau này, trẻ sẽ có tính “tắt mắt” và trở thành người thiếu trung thực, ích kỷ, tham lam. Bố mẹ nên gọi con lại, cho ngồi đối diện, hỏi trẻ tại sao lại lấy trộm đồ. Lúc nghe trẻ trình bày, bạn phải có thái độ bình tĩnh. Có bé sẽ nói thật nhưng cũng có khi, trẻ lảng tránh và chỉ đưa ra lý do “mượn đồ”… Nếu trẻ không nêu đúng lý do lấy trộm, bố mẹ phải gợi ý khuyến khích để trẻ biết dũng cảm nhận lỗi của mình.
Bạn nên giải thích cho con hiểu rằng, muốn mượn đồ thì bé phải hỏi, phải được sự đồng ý cho mượn của người khác. Nếu không được phép mà cứ tự tiện lấy thì bị coi là ăn trộm. Nói cho bé hiểu rõ ăn trộm là hành vi sai trái không được phép làm. Nếu trẻ còn làm như vậy, bố mẹ và mọi người sẽ không yêu quí, các bạn sẽ không chơi với bé nữa. Sau khi được nghe giải thích, trẻ sẽ hiểu ra và biết nhận lỗi của mình.
Sau đó, bạn nên dẫn trẻ mang trả lại đồ và xin lỗi người chủ của đồ vật đó. Khi trẻ đã biết lỗi và hứa sẽ không tái phạm, bố mẹ nên nói cho con biết, nếu lần sau còn mắc tương tự bé sẽ bị phạt năng hơn hoặc có thể sẽ báo… chú công an. Bên cạnh đó, cha mẹ cần tạo điều kiện cho trẻ làm việc tốt để chuộc lỗi.
Đề phòng tái phạm
Để trẻ không tái phạm hành vi ăn trộm, bố mẹ nên để ý tới những đồ vật mới của trẻ. Hỏi con sao lại có đồ vật này, nó là của ai, ai tặng hay con mượn… Khi thấy trẻ rất thích một đồ vật gì mà bố mẹ thấy chưa cần hoặc chưa thể mua ngay được thì nên giải thích cho con hiểu lý do. Bạn cũng có thể ra điều kiện là sẽ mua đồ vật đó cho con như một phần thưởng sau khi trẻ làm được việc tốt hoặc đạt kết quả học tập xuất sắc… Dạy trẻ biết kiềm chế những ham muốn không hợp lý và hướng con tới những hoạt động biết hợp tác với bạn, biết chia sẻ đồ chơi, biết nhường nhịn em bé, biết quan tâm tới người khác, biết trả lại đồ rơi nhặt được... Xây dựng cho trẻ đức tính thật thà, trung thực và bản thân bố mẹ cũng phải làm gương cho trẻ về những đức tính cần có đó..